Nỗi khổ của những doanh nghiệp Mỹ được nhận cứu trợ vì Covid-19: Có tiền mà không dám tiêu!

00:00 12/10/2020

"Thật là một mớ hỗn độn", một luật sư nói về những khoản vay ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Mỹ.

Nỗi khổ của những doanh nghiệp Mỹ được nhận cứu trợ vì Covid-19: Có tiền mà không dám tiêu!
 

Nhà sáng lập George Evageliou của một startup chuyên về đồ gỗ tại New York đã cảm thấy cực kỳ may mắn khi nhận được khoản vay 192.000 USD từ gói cứu trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của chính phủ. Tuy nhiên câu chuyện hóa ra lại không hoàn hảo như anh mong đợi.

Theo quy định, anh Evageliou có 8 tuần để tiêu số tiền này, nhưng đã gần 3 tuần trôi qua mà anh chẳng có động thái nào. Vậy điều gì đang diễn ra?

Nỗi khổ của những doanh nghiệp Mỹ được nhận cứu trợ vì Covid-19: Có tiền mà không dám tiêu! - Ảnh 1.

Nhà sáng lập George Evageliou (bên trái)

Anh Evageliou cho biết nếu muốn được xóa khoản nợ này, anh phải dùng ¾ số tiền để trả lương cho 16 công nhân đang làm việc tại startup Urban Homecraft của mình. Dẫu vậy với tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, anh Evageliou chẳng thể gọi lao động của mình quay trở lại ngay được. Họ cũng không thể tụ tập trong công xưởng hay đến nhà tiếp xúc với khách hàng do các lệnh cách ly tại New York.

Thậm chí ngay cả khi chấm dứt lệnh cách ly, số đơn hàng giảm khiến việc chi trả cho lao động là một quyết định thiếu khôn ngoan trong kinh doanh. Tệ hơn, khi những khoản vay này chấm dứt, anh Evageliou lại sẽ phải sa thải lao động một lần nữa vì ít việc, điều mà nhà sáng lập này không hề muốn.

Theo Evageliou, các quy định cứng nhắc của chính phủ về gói hỗ trợ đang khiến chúng khó sử dụng khi chẳng giúp tính hình khả quan hơn.

Hiện nay, gói hỗ trợ 660 tỷ USD của chính phủ Mỹ nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như người lao động trong đợt dịch Covid-19 đang gặp nhiều bất cập. Rất nhiều công ty, startup hay hàng quán nhỏ không tiếp cận được nguồn tiền. Thay vào đó, gói cứu trợ này lại đổ dồn vào nhiều doanh nghiệp tiếng tăm đã được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Thậm chí nhiều doanh nghiệp đã nhận được tiền nhưng họ lại phân vân không biết khi nào và như thế nào để tiêu khoản tiền này cho đúng quy định mà lại hiệu quả. Chính điều này đang khiến gói cứu trợ nền kinh tế trở nên giảm tác dụng như nó vốn có.

Một số chủ doanh nghiệp hiện nay nhận thấy rằng việc thuê lại lao động khi số đơn hàng giảm là điều không hợp lý. Số khác thì phàn nàn khoảng thời gian 8 tuần để lên kế hoạch chi tiêu là không đủ khi các doanh nghiệp phải xem xét nhiều yếu tố.

Ngoài ra, nhiều công ty cảm thấy bối rối khi quy định về nhưng khoản vay này ép buộc họ phải trả lương cho nhân công trong khi thực tế có thể chuyển đổi thành tiền mua thêm đồ bảo hộ hay nâng cấp hoạt động kinh doanh.

 

Điều trớ trêu hơn là mọi người vẫn đang cố gắng hiểu rõ khoản trợ cấp vốn vẫn đang được hoàn thiện về quy định. Những luật sư, kế toán hay thậm chí ngân hàng đang gặp khó để hiểu rõ các quy định về khoản vay ưu đãi này và không thể giúp gì nhiều cho những người được nhận tiền cứu trợ.

"Thật là một mớ hỗn độn. Sẽ rất khó khăn cho các công ty nếu buộc phải tuân theo những quy định vay vốn khi mà chúng vẫn đang được hoàn thiện", Luật sư Howard M.Berkower tại New York nói.

Những quy định mập mờ

Khoản cứu trợ trị giá 2 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ vốn bao gồm những gói vay ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng có thể được sử dụng để thanh toán lương, chi phí thuê hay các khoản nợ. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp muốn được xóa nợ khoản vay này, họ buộc phải tiêu hết chúng trong vòng 8 tuần và phải trả lương nhân viên đầy đủ, không được sa thải ai.

Mới đây, Bộ tài chính và Cục quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA) lại thêm quy định rằng các công ty phải chi ít nhất 75% khoản vay cho trả lương người lao động nếu muốn được xóa nợ. Nếu không, doanh nghiệp sẽ phải thanh toán lãi suất 1% cho phần tiền không được xóa nợ.

Điều đáng nói ở đây là mọi người vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra nếu doanh nghiệp giữ lại toàn bộ số tiền, chấp nhận lãi suất 1% để chi tiêu về sau mà không trả lương cho nhân viên. Hoặc nếu công ty tiêu hết tiền trong 8 tuần thì họ có được nhận thêm trợ cấp gì không khi nền kinh tế vẫn chưa hồi phục vì dịch Covid-19.

Lấy ví dụ của chị Jodi Burns, chủ cửa hàng bánh Blazing Fresh Donuts. Chị Burns có thể dùng khoản tiền vay ưu đãi 50.000 USD để trả lương cho 8 nhân viên của mình nhưng phần lớn họ sẽ phải ở nhà vì quá ít việc. Hàng tuần, tiệm bánh của chị chỉ mở cửa 12 tiếng mỗi ngày do ảnh hưởng từ lệnh cách ly.

Nỗi khổ của những doanh nghiệp Mỹ được nhận cứu trợ vì Covid-19: Có tiền mà không dám tiêu! - Ảnh 3.

Chị Jodi Burns

Theo chị Burns, khoản vay này sẽ hợp lý hơn nếu chị có thể tiết kiệm dài hơn 8 tuần, thậm chí chấp nhận khoản lãi suất 1%, để dùng cho trả lương, tiền thuê mặt bằng...qua đó giúp cửa hàng có thể tồn tại sau dịch.

Tuy nhiên, chị Burns không rõ mình có được làm như thế không hay sẽ phải chịu khoản phạt nào nếu vi phạm quy định. Bản thân chị đã gọi điện nhiều nơi nhưng chẳng ai đủ khả năng đảm bảo cũng như giải thích chắc chắn về các quy định này.

Do đã ký kết đơn nhận cứu trợ nên chị buộc phải dùng khoản vay chỉ cho những mục đích đã được quy định mà không được làm khác, điều mà chị Burns cảm thấy khá cứng nhắc.

Mặc dù nhiều luật sư cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dùng tiền vay cho nhiều mục đích nhưng các chủ cửa hàng nhỏ này vẫn khá lo lắng vì quy định không rõ ràng.

Trong khi phía ngân hàng thì cho rằng khoản tiền này như một vốn vay lưu động linh hoạt thì người phát ngôn của SBA cùng các quan chức Bộ tài chính Mỹ lại cho biết số tiền trên phải được sử dụng cho các mục đích phủ hợp với "Chương trình bảo vệ tiền lương".

Chuyên gia Ryan Hurst của hãng kiểm toán RKL nhận định chương trình vay ưu đãi trên được ban hành quá vội nên vẫn đang được hoàn thiện về quy định.

"Hàng ngày tôi phải ngồi trước máy tính và cập nhật liên tục với hy vọng sẽ có thêm hướng dẫn của Bộ tài chính và SBA về gói cứu trợ này", ông Hurst thừa nhận.

Thậm chí, SBA không có một mẫu đơn đăng ký riêng nên các ngân hàng vẫn phải dùng hợp đồng thường cho các gói vay ưu đãi này, vốn không có những điều khoản phù hợp.

Ví dụ như cô Dutchess Maye của eduConsulting Firrm nhận được hợp đồng vay ưu đãi từ ngân hàng nhưng lại chẳng có điều khoản nào có việc xóa nợ nếu tuân thủ tiêu trong 8 tuần và thanh toán lương cho nhân viên.

Công ty của cô Maye vốn không có nợ nần gì nên việc nhìn thấy một hợp đồng mắc nợ thêm 20.000 USD khiến cô sợ hãi.

"Tôi cảm thấy như đang bị lừa", cô Maye thừa nhận.

Phía đại diện ngân hàng đảm bảo khoản vay này sẽ được xóa nếu cô tuân thủ quy định nhưng luật sư của Maye cho biết ngay cả ngân hàng cũng chưa chắc về các gói cứu trợ này. Cuối cùng cô vẫn chấp nhận rủi ro nhận cứu trợ nhưng cho biết sẽ không tiêu chúng đề chờ thêm các quy định rõ ràng.

"Tôi sẽ phải có phương án dự phòng trong trường hợp phải hoàn trả lại khoản tiền này", cô Maye cho biết.

 AB