Những bài học kinh nghiệm rút ra từ công cuộc xây dựng chính phủ điện tử của Singapore

10:30 30/08/2022

Việc cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến và xây dựng chính phủ điện tử là những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Singapore trong những năm qua. Và để làm được điều này, Chính phủ đã cùng hợp tác với doanh nghiệp, người dân và các bên liên quan khác để cùng nhau phát triển các giải pháp tốt hơn.

Các hệ thống quản trị điện tử xuất sắc của Singapore đã giảm thời gian cung cấp dịch vụ và cung cấp quyền truy cập ảo, an toàn trong thời gian khủng hoảng, chẳng hạn như đại dịch COVID.

Các hệ thống số hóa dịch vụ hành chính công xuất sắc của Singapore đã trở thành bài học cho nhiều quốc gia trên thế giới 

Đại dịch COVID-19 đã buộc các cơ quan quản lý trên toàn thế giới phải công nhận tầm quan trọng của việc đưa các dịch vụ công và các chức năng khác của chính phủ vào áp dụng kỹ thuật số (hay còn gọi là số hóa dịch vụ hành chính công). 

Nhóm các nước G20 đã tìm cách để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này, đặc biệt là đối với các quốc gia có thu nhập thấp. Nhưng khi các bộ trưởng từ các nước thành viên sẽ được triệu tập trong tuần này tại tại Bali để thảo luận về công cuộc này, rõ ràng là còn quá nhiều việc cần phải làm.

Về các mục tiêu "Chính phủ số", Singapore có thể là một hình mẫu trong hành trình xây dựng chính phủ điện tử đầy cảm hứng cho các quốc gia khác trên khắp châu Á và hơn thế nữa. Để ghi nhận những thành tựu đã đạt được, họ đã được Indonesia, quốc gia đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 cho năm 2022, mời tham gia các cuộc thảo luận trong tuần này, mặc dù Singapore không phải là thành viên của nhóm.

Chính phủ Điện tử là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của chính phủ, cung cấp các dịch vụ công cộng, thực hiện các hoạt động của chính phủ trên các nền tảng như website.

Thật vậy, Singapore là người sáng lập và là chủ tịch của Nhóm Quản trị Toàn cầu, một nhóm không chính thức gồm 30 quốc gia vừa và nhỏ với mục đích cung cấp đại diện lớn hơn cho các quốc gia thành viên và tập hợp quan điểm của họ vào quá trình G20 diễn ra hiệu quả hơn

Cộng đồng G-20 đã và đang thúc đẩy Chính phủ điện tử theo kế hoạch "công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng" trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Các nhà lãnh đạo của Khối từ năm 2017 đã cam kết sẽ giảm khoảng cách trong phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số giữa các quốc gia có nguồn lực công nghệ tốt hơn và các quốc gia có thu nhập thấp vào năm 2025, đồng thời thúc đẩy các tiêu chuẩn quốc tế về số hóa theo nguyên tắc cởi mở, minh bạch và đồng thuận.

"Một chính phủ điện tử sẽ cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số chủ động, lấy con người làm trung tâm và hướng tới người dùng, đạt được mục tiêu an toàn và bảo mật, dễ sử dụng và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người. Chính phủ điện tử sẽ hỗ trợ bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của công dân cũng như doanh nghiệp",  các bộ trưởng trong Hội nghị Bộ trưởng kỹ thuật số G20 được tổ chức năm ngoái ở Trieste, Ý cho biết. 

Những thách thức của việc thiết lập chính phủ điện tử đã tồn tại trước đại dịch. Nhưng khi nhiều nền kinh tế buộc phải chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng dưới áp lực của COVID-19, những người ít có khả năng tiếp cận công nghệ đã phải đối mặt với những khó khăn xảy đến như hoạt động kém hiệu quả và khả năng phục hồi yếu kém. Việc xây dựng luật mới để áp dụng số hóa trong các cơ cấu quản trị đã tốn nhiều thời gian, trong khi một số chính phủ cũng vấp phải sự phản đối từ các công chức khi cố gắng tích hợp công nghệ.

Tại các quốc gia đang phát triển, chỉ có 47% hộ gia đình được kết nối với Internet vào năm 2019, theo số liệu của Liên minh Viễn thông Quốc tế, con số này còn quá ít so với con số 87% ở các nước phát triển. Và trong khi đó, với các quốc gia kém phát triển nhất, chỉ 19% gia đình có kết nối Internet.

Cuộc hành trình chính phủ điện tử của Singapore bắt đầu vào đầu những năm 80 với mục tiêu chuyển đổi chính phủ thành nơi ứng dụng công nghệ thông tin đẳng cấp thế giới. Cụ thể, chương trình số hóa dịch vụ hành chính công, xây dựng chính phủ điện tử của Singapore đã kéo dài hơn 30 năm từ Chương trình Tin học hóa dịch vụ dân sự vào những năm 1980 đến Kế hoạch hành động Chính phủ điện tử I và Kế hoạch Hành động II từ năm 2000 - 2006 đến Kế hoạch Tổng thể iGov2010 từ 2006 - 2010. Định hướng của họ là tập trung vào việc phát triển tư duy chấp nhận đổi mới trong các nhân viên chính phủ và nâng cao nhận thức của công chúng về chính phủ điện tử và các lợi ích của nó.

Kể từ đó, các hệ thống chính phủ điện tử xuất sắc của Singapore đã giảm thời gian cung cấp dịch vụ và cung cấp quyền truy cập trực tuyến, an toàn trong thời gian khủng hoảng như đại dịch COVID. Khi các quốc gia trên toàn cầu đổ xô số hóa các dịch vụ công trong thời gian ngừng hoạt động, Singapore có lợi thế là được hưởng một hệ thống sẵn sàng.

Hệ thống Telehealth đang được Bộ Y tế nước này phát triển sẽ cho phép bệnh nhân tại nhà đo các dấu hiệu quan trọng như huyết áp hoặc nhịp tim của họ thông qua đồng hồ được trang bị Bluetooth và các thiết bị khác. Cơ quan này đã triển khai robot để tuần tra các khu bệnh viện công nhằm giúp đối phó với sự gia tăng của bệnh nhân trong đại dịch. 

Nhiều loại robot khác nhau được Bệnh viện Đa khoa Changi sử dụng vào tháng 10 năm 2021. © Singapore Press / AP
Nhiều loại robot khác nhau được Bệnh viện Đa khoa Changi, Singapore sử dụng vào tháng 10 năm 2021. Ảnh: Singapore Press / AP.

Singapore đang làm việc với Malaysia và Philippines nhằm số hóa hơn nữa các dịch vụ nhập cư của họ để dễ dàng nhập cảnh và xuất cảnh cho chính công dân của mình cũng như những công dân nước khác. Với việc sử dụng các ứng dụng điện thoại, dịch vụ nhận dạng khuôn mặt và các công cụ kỹ thuật số khác đang dần thay thế cho các tài liệu dài dòng, khách du lịch sẽ có thể di chuyển qua các sân bay và cửa khẩu biên giới một cách thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Các dịch vụ chính phủ điện tử của Singapore cho phép công dân của mình tương tác trực tuyến với các cơ quan chính thức, một khái niệm vẫn còn xa lạ với nhiều quốc gia đang phát triển. Kế hoạch hành động hiện tại của chính phủ điện tử sẽ làm cho các dịch vụ công thậm chí còn dễ tiếp cận, thuận tiện và hiệu quả hơn bằng cách tập trung vào các tương tác được số hóa giữa các cơ quan quản lý với công dân, doanh nghiệp.

Chuyên môn, kinh nghiệm và sự đổi mới liên tục của Singapore có thể giúp cộng đồng G20 tiến xa hơn trong quá trình chuyển đổi sang chính phủ điện tử. 

Việc chậm áp dụng công nghệ vào các hoạt động của chính phủ đã gây tốn kém cho nhiều quốc gia trong bối cảnh đại dịch làm hạn chế việc di chuyển. Tiêu chuẩn hóa về số hóa dịch vụ hành chính công trong G-20 sẽ thúc đẩy việc áp dụng trên toàn cầu và có thể làm tăng cường hợp tác kỹ thuật số quốc tế.

Sự chuyển đổi kỹ thuật số như vậy sẽ củng cố tích cực cho tăng trưởng kinh tế diễn ra nhanh chóng và giúp làm cho thế giới mạng trở nên an toàn, có trách nhiệm và minh bạch hơn.

Bảo Bảo