Nhiều doanh nghiệp Đức tiếp tục đầu tư vào Việt Nam

14:55 08/06/2022

Gần 93% doanh nghiệp Đức cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và hơn 64% kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ phát triển tốt hơn trong 12 tháng tới. Đây là kết quả Khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức toàn cầu do mạng lưới các Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại nước ngoài thực hiện gần đây, được công bố vào ngày 8/6.

Ảnh minh họa
Nhiều doanh nghiệp Đức tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Sáng 8/6, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) gặp mặt đại diện các cơ quan thông tấn báo chí, công bố Kết quả khảo sát Đánh giá niềm tin của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam. Bản báo cáo có chủ đề “Việt Nam – Biến nghịch cảnh thành cơ hội – Tận dụng lợi thế để phục hồi kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài”.

Bà Đào Thu Trang, Trưởng bộ phận tư vấn chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức, cho biết, các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam tin tưởng vào triển vọng kinh doanh và kỳ vọng tích cực vào tăng trưởng kinh tế nhiều hơn so với thời điểm mùa thu năm 2021.

Theo bà Trang, việc mở cửa biên giới cùng với các chính sách quyết liệt và kịp thời của Chính phủ Việt Nam tạo động lực cho đà phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trên cơ sở đó, hơn 46% doanh nghiệp cho biết có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động trong năm tới.

Kết quả khảo sát của AHK Việt Nam cũng cho thấy, 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 450 doanh nghiệp Đức. Đây chính là yếu tố thu hút đầu tư Đức đến Việt Nam – sau yếu tố chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, ngoài ra Việt Nam còn có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật và các nhóm ngành khác, vận tải và logistics. Hơn 73% doanh nghiệp Đức tin rằng, họ sẽ tăng khả năng cạnh tranh với cơ hội phát triển tại thị trường Việt Nam.

Các doanh nghiệp Đức cũng thường xuyên tận dụng Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Khi triển khai hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, doanh nghiệp Đức đánh giá những yếu tố sau là quan trọng nhất: nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật (58,3%), chất lượng giáo dục của các ngành kỹ thuật (58,3%), hàng rào thương mại thuế quan (56,5%).

PV