Hội thảo là diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các đơn vị xuất bản Việt Nam và các nước Đông Nam Á trao đổi kinh nghiệm, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế lĩnh vực xuất bản.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Indoneisa, Malaysia, Thái Lan, Philippines … cùng các đơn vị xuất bản tại Việt Nam đã nêu lên thực trạng về tình hình vi phạm bản quyền trên không gian mạng hiện nay, cũng như đưa ra những giải pháp, mô hình nhằm bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng.
Đây cũng là dịp hiếm hoi nhà văn của tuổi thơ tham dự hội thảo và lên tiếng về vấn nạn sách lậu.
Tham dự hội thảo, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói rằng: “Nhà văn chỉ biết viết sách. Nhà văn không có công cụ để chống sách lậu. Nhà văn viết cho trẻ em cũng mỏng manh như các độc giả bé thơ của mình.
“Theo tôi, chỉ có các cơ quan chức năng quản lý về kinh tế và văn hóa mới có đủ công cụ để trấn áp tệ nạn này, bởi vì không ai có thể “chống giặc bằng tay không”. Tôi hy vọng các nhà thực thi luật pháp nghiêm minh hơn và các nhà làm luật cần phải rà soát lại hành lang pháp lý để điều chỉnh tội danh và khung hình phạt đối với các đơn vị làm sách giả, sách lậu sao cho đủ sức răn đe. Nếu chỉ phạt 30 triệu cho hành vi bất chính thu lợi tới 300 triệu hoặc nhiều hơn nữa, thì con số nhỏ nhoi này giống như là khuyến khích hơn là trừng phạt.
Và đối tượng làm sách giả, sách lậu sẽ không bao giờ chùn tay. Để đẩy lùi tệ nạn này, dĩ nhiên cần phải có sự chung tay của toàn xã hội, kêu gọi nâng cao ý thức của cộng đồng, nhưng tôi vẫn trông chờ nhất ở các cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền. Nếu chỉ để những nạn nhân thâm niên của tệ nạn này là các nhà văn và các đơn vị xuất bản tuyệt vọng lên tiếng như lâu nay thì đó là hiện tượng bất thường và tất nhiên hành trình chống sách giả, sách lậu sẽ chẳng thể nào đến đích.”, nhà văn nói.
Theo Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Nguyên, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ bản quyền với các quy định bảo vệ bản quyền tại Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản dưới luật liên quan.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam còn khá phức tạp. Các giải pháp của các cơ quan chính phủ, của các Hội và của chính doanh nghiệp, chủ sở hữu tác phẩm, tác giả đang gặp rất nhiều khó khăn do những thách thức mới của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số với sự phát triển các hình thức truyền thông và thương mại điện tử trên không gian mạng.
Vị này cũng nêu ra 3 phương thức vi phạm bản quyền phổ biến trên không gian mạng hiện nay: bán sách giả/sách lậu online, các website cung cấp sản phẩm sách (hình thức đọc, xem, nghe) và sử dụng AI tạo ra các sản phẩm phái sinh vi phạm bản quyền.
Ông Arys Hilman Nugraha, Chủ tịch Hội Xuất bản Indonesia, cho biết vi phạm bản quyền sách đã trở thành một vấn nạn lớn trong ngành xuất bản Indonesia. Hơn 75% thành viên của Hiệp hội Nhà xuất bản Indonesia (Ikapi) đã phát hiện sách của họ bị vi phạm bản quyền trên các chợ trực tuyến. Thủ tục khiếu nại và loại bỏ sách lậu khỏi chợ không hề dễ dàng. Các sàn thương mại thậm chí có thể trốn tránh trách nhiệm phân phối các sản phẩm bất hợp pháp.
Ông Atty. Dominador D. Buhain, Chủ tịch Hội Xuất bản Philippines cho biết, tại Philippines, “những tên cướp” - những kẻ bắt chước và sao chép tràn lan các tác phẩm của người khác bất hợp pháp - đang nhắm mục tiêu vào ngành xuất bản.
Để ngăn chặn tình trạng này, chính phủ Philippines cử một cơ quan phụ trách bảo vệ bản quyền. Cơ quan này nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục ý thức bản quyền và thúc đẩy các khuôn khổ pháp lý tạo ra sự thay đổi lâu dài trong việc giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền.
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á nhiệm kỳ 2022-2023, khẳng định, Việt Nam là một thành viên tích cực của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA), hiện đang là Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội. Việt Nam ý thức được vai trò, tầm quan trọng của ngành xuất bản, trong đó có vấn đề bảo vệ bản quyền và đang tiếp tục đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành xuất bản.
Mị Dung