Nhà máy chip mới của Samsung giúp Hoa Kỳ trở lại cuộc đua chất bán dẫn toàn cầu

11:38 13/12/2021

Động thái của Samsung có nghĩa quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ cũng như toàn bộ chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Nhà máy chip của Samsung tại Texas
Nhà máy chip của Samsung tại Texas. (Ảnh: Nikkei Asia)

Tháng 11 vừa qua, "gã khổng lồ" công nghệ Samsung đã công bố xây dựng một nhà máy chip trị giá 17 tỷ đô la tại thành phố Taylor, bang Texas, Hoa Kỳ. Theo Thống đốc bang Greg Abbott, động thái của Samsung đánh dấu "khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào bang Texas". 

Các quốc gia phát triển liên tục củng cố thế mạnh khác nhau trong từng phân khúc của ngành. Trong đó, Hoa Kỳ có truyền thống và kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, tuy nhiên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn đã thay đổi trong những năm gần đây với 75% quy trình sản xuất tập trung ở Đông Á. Đài Loan đạt vị trí dẫn đầu về sản xuất tiên tiến, Hàn Quốc nổi bật về thiết kế công nghệ và Trung Quốc là một trong những nước mạnh nhất về các giải pháp ATP. 

Đứng trước nhu cầu nguồn cung chất bán dẫn ngày càng gia tăng, việc Samsung mở nhà máy sản xuất chip tại Texas có khả năng chuyển hướng thị trường quay trở lại Hoa Kỳ. Mặc dù chưa chính thức đi vào hoạt động, nhà máy cho thấy nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm cạnh tranh quyết liệt trong hoạt động sản xuất chip. Trước đây, Trung Quốc có thế mạnh về ATP nhưng đồng thời nước này cũng đang nâng cao khả năng thiết kế, cụ thể chính phủ Trung Quốc đang đầu tư hơn 150 tỷ đô la Mỹ cho đến năm 2030. Dự kiến những năm tới sẽ là cuộc đối đầu giữa hai phe Hàn Quốc cùng với Hoa Kỳ đối trọng Trung Quốc. Trong khi quốc gia đông dân nhất thế giới chiếm 25% giá trị lắp ráp thiết bị điện tử toàn cầu vào năm 2020, nhà máy của Samsung tại Mỹ có khả năng chuyển cán cân của chuỗi cung ứng chất bán dẫn trở lại Mỹ.

Bên cạnh giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, động thái của "gã khổng lồ" nhằm khai thác chuyên môn sản xuất điện tử của Mỹ. Thông qua cách tiếp cận này, nhà máy của Samsung sẽ giúp giảm chi phí chuỗi cung ứng nhờ giảm nhu cầu lưu kho và vận chuyển, đồng thời thúc đẩy khả năng sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ. Mặt khác, hoạt động của Samsung có nguy cơ giảm khả năng sản xuất tại thị trường châu Á, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tiếp theo trong khu vực. 

Nhà máy sản xuất chip mới của Samsung cũng báo hiệu tăng trưởng kinh tế và phát triển các cơ hội khác tập trung vào các công nghệ mới nổi trên khắp nước Mỹ. Bất chấp các chuỗi cung ứng toàn cầu đã chuyển dịch sang châu Á trong những thập kỷ gần đây, sự hiện diện của một nhà máy sản xuất chất bán dẫn Hàn Quốc tại Hoa Kỳ cho thấy khả năng hồi sinh tiềm lực công nghệ cũng như khai thác các xu hướng mới ở quốc gia này.

TL