Nhà đầu tư hy vọng kỳ lân “nuốt” các startup Đông Nam Á

00:00 12/10/2020

Việc WeWork – startup cho thuê không gian làm việc chung hoãn IPO khiến cho việc phát hành cổ phiếu không còn là kênh huy động vốn hấp dẫn cho các startup. Thay vào đó, xu hướng các kì lân mua lại các startup nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng khiến cho các nhà đầu tư mạo hiểm phấn khởi về tiềm năng thoái vốn của mình.

Nổi bật trong số các kì lân có tham vọng bành trướng và liên tục mua lại các công ty đó là Go-Jek và Grab. Grab đã mua lại thị phần của Uber tại Đông Nam Á, mua lại công ty thanh toán Moca, iKaaz. Còn Go-Jek, với sự hậu thuẫn của các tập đoàn lớn như Google, Tencent và JD.com, Go-Jek đã trở thành doanh nghiệp thôn tính nhiều công ty nhất ở Đông Nam Á với con số 11 startup chỉ trong 2 năm 2018 và 2019. Bát sát họ là Trax- công ty phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo đã mua 3 công ty chỉ trong năm 2019. Ngoài ra, còn nhiều cái tên khác như Tokopedia, Traveloka cũng đã mua các công ty đối thủ tại Đông Nam Á.

Ảnh minh họa

Sự xuất hiện của những “kẻ mua lại: là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh giới phân tích dự đoán IPO vẫn là thách thức lớn đối với giới startup. Nhiều nước thiếu tầng lớp đầu tư đủ lớn để có thể mua cổ phiếu của các doanh nghiệp công nghệ lên sàn. Một số sàn giao dịch chứng khoán cũng ban hành những quy định để ngăn chặn những doanh nghiệp chưa có lợi nhuận niêm yết cổ phiếu.

Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate nhận định hoạt động mua lại của giới doanh nghiệp lớn và các quỹ đầu tư sẽ tăng do nền kinh tế Đông Nam Á đang trở nên hấp dẫn hơn. Theo công bố mới đây của Quỹ ESP Capital, tổng số tiền đầu tư vào các startup Đông Nam Á tính từ đầu năm tới nay là 5,9 tỉ đô la Mỹ.

Xu hướng ấy là tín hiệu vui đối với những quỹ đầu tư mạo hiểm, bởi họ có thể thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ngay cả khi thị trường chứng khoán chưa phát triển. Công chúng đánh giá quỹ mạo hiểm dựa trên khả năng thoái vốn và hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Việc thoái vốn thành công khỏi các công ty càng diễn ra thường xuyên, quỹ mạo hiểm càng có nhiều cơ hội để huy động khoản vốn lớn hơn, tạo ra một vòng xoáy tích cực. Tuy nhiên, nó cũng khiến các nhà đầu tư vào startup trong giai đoạn đầu sẽ phụ thuộc ngày càng lớn vào khả năng của những kì lân như Go-Jek hay Grab để tiếp tục huy động khoản vốn lớn.

Nếu nhu cầu đầu tư mạo hiểm giảm trên phạm vi toàn cầu, nguy cơ chững lại sẽ tăng, theo giới phân tích. Chính quyền Mỹ giám sát rất chặt chẽ những công ty đang lỗ nặng nhưng lại định giá quá cao để niêm yết cổ phiếu. Trường hợp của Uber, Lyft và mới đây là WeWork chính là ví dụ điển hình.

Uber, “anh cả” trong mảng gọi xe, tự định giá hơn 60 tỉ USD trước khi IPO, nhưng vốn hóa của họ giảm xuống mức 54 tỉ USD ngay sau phiên giao dịch đầu tiên. WeWork, hãng cung cấp không gian làm việc chung, tự định giá 47 tỉ USD, nhưng sau đó họ tự giảm giá trị xuống dưới mức một nửa con số đó.

“Chừng nào nền kinh tế còn tiếp tục tăng trưởng, ưu tiên tăng trưởng hơn lợi nhuận vẫn là lựa chọn dễ với doanh nghiệp”, giáo sư Claudia Zeisberger, một thành viên trong nhóm lập báo cáo của Golden Gate Ventures, bình luận.

Mặc dù vậy, Claudia lưu ý rằng, nền kinh tế sẽ không tăng trưởng mãi. “Vào một thời điểm nào đó, các kì lân sẽ phải chứng minh rằng họ có thể sống sót trong thời kì suy thoái mà không nhận vốn mới”, vị giáo sư nhấn mạnh.

Hàn Mai (Theo DealStreetAsia)