Nguyễn Trung Kiên – Founder kiêm CEO của Pavana: Với các startup nguồn lực con người còn quan trọng hơn cả tiền

10:04 23/08/2021

Pavana hoạt động trong một thị trường ngách là Camera AI cho ô tô và giám sát nhà máy. Người sáng lập startup này là một tên tuổi có tiếng trong làng công nghệ Việt Nam. Dù mới thành lập nhưng startup này đã ngay lập tức được 2 công ty công nghệ lớn là CNCTech và Sky Light quyết định rót vốn đầu tư lên tới 1 triệu USD.

Ông Nguyễn Trung Kiên là Tiến sĩ về điện tử viễn thông tại Đại học Hannover Leibniz (Đức), sau đó trở thành Giám đốc Sản phẩm, quản lý toàn bộ quy trình phát triển sản phẩm công nghệ của công ty VNPT Technology. Trước khi khởi nghiệp với Pavana, ông Kiên là một trong những người đầu tiên gia nhập VinSmart, chịu trách nhiệm xây dựng nhà máy, thiết kế dây chuyền sản xuất và quản lý vận hành nhà máy sản xuất Thiết bị điện tử, viện trưởng Viện nghiên cứu thiết bị Gia đình, Giám đốc khối Hệ thống thông minh tại VinSmart. 

Ông Nguyễn Trung Kiên – Founder kiêm CEO của Pavana. Nguồn: Internet
Ông Nguyễn Trung Kiên – Founder kiêm CEO của Pavana. Nguồn: Internet.

Công ty cổ phần công nghệ Pavana vừa chính thức đăng ký kinh doanh vào ngày 16/07/2021, trở thành cái tên "mới toanh" trong làng công nghệ Việt. Tuy nhiên, startup này đã ngay lập tức được 2 công ty công nghệ lớn là CNCTech và Sky Light quyết định rót vốn đầu tư lên tới 1 triệu USD.

Ông Nguyễn Trung Kiên – Founder kiêm CEO của Pavana cho biết, Pavana theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu phát triển và sản xuất camera thông minh cho xe hơi, xe bus và giám sát các nhà máy. Đây là lĩnh vực mới không chỉ tại Việt Nam và cả trên thế giới.

Startup này có hai mảng việc chính là vừa cung cấp dịch vụ outsourcing về Camera cho các ODM (Original Design Manufacturing, tạm dịch: nhà sản xuất thiết kế gốc) và vừa phát triển sản phẩm mang thương hiệu riêng.

"Từ trước đến nay, ở Việt Nam, khi nhắc đến Outsourcing là nghĩ đến phát triển phần mềm, nhưng Pavana đặt mục tiêu làm outsourcing cả phần mềm, phần điện tử và cơ khí kiểu dáng" – Ông Kiên nói.

Theo đó, các dự án outsourcing giúp Pavana tích lũy kinh nghiệm, tiếp cận được với khách hàng lớn, đối tác lớn và có dòng tiền tái đầu tư cho R&D. Việc phát triển sản phẩm mang thương hiệu riêng để giải quyết các nhu cầu cụ thể của khách hàng ở thị trường ngách, không cạnh tranh với sản phẩm của khách hàng outsourcing.

Giải thích về lý do chọn lĩnh vực này, ông Nguyễn Trung Kiên cho biết, thông thường, nhắc đến Camera AI là nói đến nhận diện khuôn mặt, chấm công cho văn phòng hay camera an ninh cho gia đình. Lĩnh vực này ở Việt Nam đã có một số công ty đã theo đuổi và trên thế giới có nhiều thương hiệu lớn.

Camera AI cho ô tô là thị trường ngách, có tiềm năng tăng trưởng rất lớn khi sản lượng xe ô tô thông minh sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai. Với công nghệ AI giải quyết những bài toán rất cụ thể, có tính hiện thực hóa cao, Pavana có lợi thế lớn để chiếm lĩnh thị trường nội địa và tiến tới xây dựng thương hiệu mang tầm quốc tế.

Đối với sản phẩm Camera AI dùng trong hệ thống giám sát nhà máy, bao gồm đảm bảo an ninh, an toàn, nâng cao hiệu suất nhà máy đòi hỏi có am hiểu sâu sắc (insights) về lĩnh vực sản xuất và hoạt động của Nhà máy và đội ngũ của Pavana là những người có kinh nghiệm như vậy.

Chia sẻ về yếu tố quan trọng nhất khi là startup về công nghệ, Nguyễn Trung Kiên – Founder kiêm CEO của Pavana cho biết: Tôi cho rằng vẫn là con người, với các startup nguồn lực con người còn quan trọng hơn cả tiền. Và đây cũng là khó khăn lớn nhất mà startup công nghệ Việt Nam sẽ phải đối mặt.

Chúng ta là nước dân số trẻ, có lực lượng lao động dồi dào nhưng nhân sự công nghệ có khả năng làm R&D thì chúng ta thiếu cả về lượng và chất. Nếu có, các nhân sự này cũng tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn, khiến cho các startup gặp nhiều khó khăn trong bài toán nhân sự.

My An (tổng hợp)