Nghệ An có 113 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên

20:36 10/11/2021

Đó là thông tin được nêu lên tại Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2020…

Theo báo cáo của Lãnh đạo Sở NN&PTNT Nghệ An tại Hội nghị nêu trên cho thấy: Sau 2 năm triển khai thực hiện, Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2020 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần vào thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị hàng hóa làm tăng thu nhập. Qua đó, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần người dân ở nông thôn. Đến nay, đã có 16/21 huyện, thị, thành của Nghệ An tổ chức đánh giá, phân hạng và có sản phẩm đạt hạng sao. Tổng nguồn vốn huy động giai đoạn 2019-2020 cho Chương trình OCOP đạt 117.958 triệu đồng. Toàn tỉnh đã có 113 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên (vượt 25,6% so với mục tiêu giai đoạn 2018-2020), trong đó: 87 sản phẩm đạt 03 sao, chiếm 77,0% và 26 sản phẩm đạt 4 sao, chiếm 23%. Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Hiện toàn tỉnh Nghệ An đã có 319/411 xã đạt tiêu chí số 10 về Thu nhập (chiếm 77,6%), có 280/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 68,1%. 

  Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2020 diễn ra vào chiều nay (10/11)

Số lượng chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP trong 02 năm 2019-2020 là 106 chủ thể, trong đó 75 chủ thể có sản phẩm đạt hạng 3 sao đến 4 sao, gồm: 27 hợp tác xã; 21 doanh nghiệp; 6 cơ sở sản xuất; 9 tổ hợp tác và 12 hộ sản xuất kinh doanh doanh. Khu vực đồng bằng có 40 chủ thể/72 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên, khu vực miền núi có 35 chủ thể/41 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên. Sản phẩm OCOP của Nghệ An đã bám sát các yêu cầu của Chương trình, phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm đặc sắc, truyền thống, chất lượng, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý, được các doanh nghiệp phân phối và thị trường chấp nhận, hình thành xu hướng ưu tiên trong phân phối sản phẩm OCOP.

Sản phẩm OCOP của Nghệ An bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Các địa phương đã từng bước thấy được lợi thế, cơ hội để phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. 

  Ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một nội dung quan trọng, là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mặc dù triển khai Chương trình trong điều kiện khó khăn do nguồn lực hạn chế, tình hình dịch bệnh phức tạp, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự nỗ lực của các doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực, quan trọng. Đến nay, Chương trình OCOP đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh và có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo để đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh thành hàng hoá dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại, đảm bảo chất lượng và giá trị sản phẩm được gia tăng. Vì thế, thu nhập của người dân được nâng lên, góp phần mang lại nhiều kết quả thiết thực và đã trở thành động lực trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

“Đề nghị các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương, đơn vị, các chủ thể căn cứ vào các nội dung của Chương trình OCOP tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 729/QĐ-UBND ngày 12/3/2019 của UBND tỉnh, các văn bản có liên quan, đặc biệt là Báo cáo tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2020 để tích cực thảo luận, tham gia ý kiến nhằm làm rõ hơn tình hình thực tiễn tại cơ sở. Qua đó, phân tích những kết quả đã đạt được, những tồn tại, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP thời gian qua. Hội nghị cũng là dịp để trao đổi kinh nghiệm, cách làm những mô hình hay, sáng tạo và hiệu quả ở các địa phương, đơn vị để các địa phương, đơn vị khác học tập và nhân ra diện rộng. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm triển khai Chương trình có hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo (2021-2025)" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu yêu cầu. 

  Một sản phẩm OCOP của Nghệ An được trưng bày trong không gian Hội nghị thu hút các đại biểu. 

Để Chương trình OCOP đạt kết quả cao trong giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu có ít nhất 300 sản phẩm OCOP, Ban điều hành Chương trình OCOP Nghệ An đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh hiểu rõ lợi ích, giá trị kinh tế để tích cực tham gia. Tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng tại địa phương. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho chương trình và chú trọng hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho các sản phẩm OCOP…

Văn Cương – Hoàng Lan