Ngành thủy sản Việt Nam có thể sớm vượt khó khăn trong năm 2023

23:38 30/11/2022

Dự báo ngành trong quý 4 và năm 2023, Tổng Thư ký VASEP, ông Trương Đình Hòe nhìn nhận tình hình thực tế của ngành thuỷ sản khá khó khăn. Đây không phải là khó khăn của năm tới mà là khó khăn của cuối năm 2022 chuyển sang 2023.

Tại hội thảo “Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức & giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng”, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết xuất khẩu thủy sản năm 2022 dự kiến đạt kim ngạch khoảng 11 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm 4.3 tỷ USD, cá tra 2.5 tỷ USD, hải sản 3.2 tỷ USD, cá ngừ 1 tỷ USD.

Các sản phẩm xuất khẩu tăng trưởng từ 18 - 77%. Các thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản chiếm 74% tổng kim ngạch xuất khẩu; riêng Mỹ lần đầu vượt 2 tỷ USD. 

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam.

Theo Tổng Thư ký VASEP, có 1.500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm 2022. Cả ba ngành hàng đều ghi nhận tăng trưởng cao.

100 đơn vị xuất khẩu hàng đầu, có doanh số trên 20 triệu USD/năm, chiếm 65% giá trị. 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu gồm 6 doanh nghiệp tôm và 4 doanh nghiệp cá tra.

Dự báo ngành trong quý 4 và năm 2023, Tổng Thư ký VASEP, ông Trương Đình Hòe nhìn nhận tình hình thực tế của ngành thuỷ sản khá khó khăn. Đây không phải là khó khăn của năm tới mà là khó khăn của cuối năm 2022 chuyển sang 2023.

Trong đó, việc tỷ giá tại 4 thị trường lớn (trừ Mỹ) đang giảm khiến giá xuất khẩu có thể cao ở những thị trường gồm Trung Quốc Hàn Quốc, Nhật Bản, EU. Khi bán qua những thị trường này, khách hàng sẽ yêu cầu giảm giá để phù hợp với đồng nội tệ của các nước trên. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó là nguyên liệu cho chế biến, ông Hoè đưa ra những thách thức như quỹ đất cho nuôi trồng thủy sản; cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng; chất lượng con giống, giống bố mẹ; chi phí đầu vào; công tác quản lý thủy sản theo quy định IUU; chi phí nhiên liệu cho khai thác thủy sản; cường lực khai thác và đánh giá nguồn lợi.

Ngành thuỷ sản Việt Nam cũng gặp sự cạnh tranh khó khăn với các nước cung cấp thủy sản có điều kiện nuôi trồng tốt hơn. Lạm phát, suy giảm tăng trưởng ở các thị trường chính ảnh hưởng đến chi tiêu và hạn chế nhu cầu tiêu dùng. Cạnh tranh khó khăn với các nước cung cấp thủy sản có điều kiện nuôi trồng tốt hơn.

Thị trường Trung Quốc cũng hết sức tiềm năng nhưng bên cạnh nhiều cơ hội cũng có những rủi ro do sự đa dạng trong thương mại cũng như chính sách quản lý. Tất cả khó khăn này đòi hỏi nguồn vốn lớn trong trung dài hạn, để ngành giữ được phong độ tăng trưởng và nhắm tới mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2030.

Trước những thách thức làm lo ngại về triển vọng xuất khẩu trong năm 2023, Tổng Thư ký VASEP nhận định thị trường không thể xuống mãi được mà vẫn sẽ có lúc lên nhưng quan trọng thị trường lên trở lại khi nào.

PV (t/h)