Ngành Thuế thu gần 1.800 tỷ đồng thuế đầu năm từ Facebook, Google, Apple

14:26 29/01/2023

Các nhà cung cấp nước ngoài đã thực hiện kê khai, nộp thuế đạt 1.800 tỷ đồng qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Trong đó, các nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài như: Meta: 34,5 triệu EURO; Google: 28,8 triệu USD; Apple: 174 tỷ VND...

Ảnh minh họa

Meta, Google, Apple là ba trong 6 nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài lớn đã đăng ký kê khai, nộp thuế trực tiếp tại Việt Nam. 

Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác phối hợp kê khai và thu thuế giữa cơ quan thuế Việt Nam và các nhà cung cấp nước ngoài ngay từ những ngày đầu năm mới. Điều này thể hiện sự tin cậy, uy tín và nghiêm túc chấp hành pháp luật thuế của các nhà cung cấp nước ngoài đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số trên lãnh thổ Việt Nam.

Năm 2022, việc triển khai thành công Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đã đánh dấu một bước tiến đối với ngành Thuế Việt Nam trong quản lý thuế theo xu hướng quốc tế. Sau khi triển khai (từ ngày 21-3-2022) đến nay, đã có 45 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Trong đó gần 1.900 tỉ đồng các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp trực tiếp.

Phần còn lại do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay, bao gồm Facebook là 1.748 tỉ đồng; Google là 979 tỉ đồng. Đáng chú ý, có 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những con số nêu trên thì việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số vẫn còn nhiều thách thức đối với ngành thuế.

Cụ thể, theo Cục Thuế thành phố Đà Nẵng, hiện nay các loại hình mua bán các app (phần mềm tiện ích) trên các chợ ứng dụng App Store, Google Play… kinh doanh phần mềm là tài sản vô hình trên các nền tảng công nghệ như game, các ứng dụng cho thiết bị điện thoại, các ứng dụng dịch vụ cho tổ chức, cá nhân sử dụng mục đích quản lý, kinh doanh và tiêu dùng cá nhân trên các nền tảng công nghệ số có phát sinh thu nhập từ YouTube, Google, Facebook… Tuy nhiên, cơ quan thuế rất khó quản lý thuế do không quản lý được các nền tảng công nghệ như Google, Facebook...

Để xác định được tất cả các nguồn thu nhập phát sinh từ nước ngoài chuyển về của các tổ chức, cá nhân trong nước, Cục Thuế TP.HCM cho rằng cần thông qua các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Do đó, cơ quan thuế rất cần sự hỗ trợ của các ngân hàng thương mại.

"Tổng cục Thuế nên có văn bản gửi tất cả các ngân hàng thương mại trên cả nước về việc cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế hoặc số chứng minh nhân dân của các tổ chức, cá nhân nhận thu nhập phát sinh từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook, Apple...) từ đó chuyển cho các cục thuế địa phương để khai thác xử lý" - Cục Thuế TP.HCM đề nghị.

Tổng cục Thuế cho biết, thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023; trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng và khai thác hiệu quả dư địa thu ngân sách nhà nước. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn tập trung triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-TTg.

Hiện Việt Nam là một trong 4 quốc gia đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua Cổng thông tin điện tử trực tuyến.

Thanh Hà (t/h)