Tổng cục Thuế cho biết, theo số liệu tại hệ thống quản lý thuế thì hiện nay có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 8 trang điện tử hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế. Số thuế thu được thông qua các tổ chức, cá nhận Việt Nam khấu trừ, nộp thay khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.
Ảnh minh họa.
Đối với các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook,... từ năm 2018 đến hết tháng 9/2021, các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền hơn 4.099 tỷ đồng. Chỉ riêng trong năm 2020, số thu thuế từ hoạt động hương mại điện tử xuyên biên giới đạt 1.143,8 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2021 đạt 1.017,38 tỷ đồng (bằng 88,95% năm 2020).
Tuy nhiên, thực tế, việc quản lý thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức với ngành Thuế. Suốt thời gian qua, ngành Thuế đã tăng cường quản lý thuế với hoạt động này và ghi nhận được những kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo toàn Ngành tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử, đặc biệt chú trọng tới các hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động kinh doanh thông qua các sàn thương mại điện tử.
Cơ quan Thuế địa phương cũng đã chủ động triển khai phối hợp với lực lượng chức năng các cấp (bao gồm cả công an xã, phường, thị trấn), các ngân hàng thương mại, các công ty viễn thông, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng... trên địa bàn để cập nhật đầy đủ các thông tin của tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử.
Ngành Thuế cũng quyết liệt truy thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh trên mạng mà không khai báo với cơ quan thuế. Đồng thời chủ động chia sẻ, cung cấp thông tin cho các cơ quan có liên quan đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử để cùng phối hợp xử lý kịp thời.
Đặc biệt, năm 2021, Tổng cục Thuế tiếp tục có văn bản chỉ đạo về việc thực hiện kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, yêu cầu các cục thuế thành lập ban chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh. Cùng với đó là phối hợp với Công an phường, các tổ dân phố trong công tác xác định các địa chỉ, xác minh, định danh đối tượng có hoạt động kinh doanh bán hàng online. Rà soát các kênh thông tin trên các trang mạng xã hội của những người nổi tiếng, có nhiều người theo dõi để nắm bắt và đưa vào quản lý thuế.
Mới đây, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã xây dựng Đề án: “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam”. Theo đó, trong lộ trình ngắn hạn từ nay đến hết 2023, Bộ tài chính sẽ tập trung các giải pháp tăng cường công tác quản lý thông qua một số giải pháp quan trọng như: tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; triển khai thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề; hiện đại hoá công tác quản lý thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro; phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi kết nối thông tin...
Đối với lộ trình dài hạn đến 2025, Bộ Tài chính sẽ đề xuất sửa đổi các Luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quản lý thương mại điện tử; xây dựng Đề án bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan Thuế.
P.V