Ngành du lịch Nhật Bản thành công "thoát ly" khỏi khách quốc tế hậu Covid

10:31 07/12/2021

Tokyo và Kyoto là hai cái tên thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Tuy nhiên, sau thời gian dài thích nghi và thay đổi, các doanh nghiệp nhỏ nơi đây, đặc biệt là trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn nhận thấy ngành du lịch không còn phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố quốc tế. Thay vào đó, du khách nội địa là lực lượng mới giúp vực dậy nền kinh tế nước nhà.

Ông Ryohei Shimazaki đã dốc một phần tiền tiết kiệm để thực hiện ước mơ kinh doanh tuổi xế chiều, đó là mở một quán cà phê boutique ở Kamakura, cách Tokyo một giờ chạy xe về phía Nam. Quán cà phê nằm ở vị trí đắc địa trên con đường tấp nập dẫn lối đến một ngôi đền nổi tiếng trong khu vực. Bắt đầu mở quán cuối năm 2019, ông Shimazaki những tưởng mọi thứ sẽ thuận lợi cho đến khi dịch bệnh xuất hiện. Ông chia sẻ: "Tình hình rất căng thẳng. Chúng tôi đã khai trương Sasuke Cafe vào tháng 10 năm 2019, mặc dù cửa hàng đã có thời điểm bận rộn với khách du lịch Trung Quốc và Nga ghé thăm nhưng đến tháng 1 chúng tôi buộc phải ngừng hoạt động hoàn toàn". 

Quán cà phê của Ryohei Shimazaki
Quán cà phê của Ryohei Shimazaki. (Ảnh: Neil Newman) 

Khi đại dịch bùng phát, quán cà phê của Shimazaki giống như nhiều cơ sở kinh doanh khác trong khu vực đối mặt với khó khăn chồng chất khi lượng khách du lịch gần như bốc hơi hoàn toàn. Trong năm tiếp theo, Nhật Bản đóng cửa biên giới, kinh tế đất nước thiệt hại 7% đóng góp từ ngành du lịch.

Tuy nhiên, bất chấp những biến động phức tạp, thậm chí là sự xuất hiện của biến thể Omicron, ngành du lịch của Nhật Bản đang dần hồi phục trở lại. Sau cú sốc ban đầu, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa như quán cà phê của Shimakazi học được cách sống chung với dịch bệnh. Hiện hàng quán đã bắt đầu phục vụ trở lại và có lượng khách ổn định. Gần hai năm trôi qua, nhiều doanh nghiệp từng phụ thuộc vào khách quốc tế ngày nay hoàn toàn có thể xoay sở tốt với du khách nội địa. Năm ngoái, chính phủ Nhật Bản đã huy động được 52,6 triệu lượt khách du lịch trong nước với chương trình "GoTo". 

Theo ước tính của Cục Du lịch Nhật Bản, chi tiêu cho các chuyến du lịch tại địa phương đạt 1,8 nghìn tỷ Yên trong năm 2021. Phía các doanh nghiệp cho biết, hơn 3/4 dân số đã tiêm phòng tạo điều kiện cho đất nước hoạt động trở lại, người dân cảm thấy yên tâm hơn cũng như tích cực chi tiêu nội địa do thiếu các lựa chọn quốc tế. Nằm ẩn mình phía sau nhà ga xe lửa, cách quận Ginza sang trọng của Tokyo vài phút đi bộ là một nhà hàng hải sản có tuổi đời từ suốt những năm 1945. Chủ sở hữu nhà hàng Shin-Hinomoto nổi tiếng cho hay: "Chúng tôi đã vượt qua điều tồi tệ nhất. Nhà hàng từng đón hàng đoàn khách Trung Quốc trung bình lên tới 70 người mỗi đoàn nhưng giờ đây phụ thuộc nhiều hơn vào khách hàng địa phương và doanh nhân từ nơi khác đến".

Không chỉ các doanh nghiệp dần thích nghi với bình thường mới mà theo nhiều người dân, giảm bớt lượng khách quốc tế, đặc biệt là khách Trung Quốc cũng không phải là điều hoàn toàn xấu. Ngành du lịch Nhật bản đã trải qua nhiều thăng trầm trong suốt 50 năm qua với những làn sóng, xu hướng khác nhau. Từ những người Mỹ hào hoa năm 1970 cho đến du khách Nga theo chủ nghĩa Tân cổ điển những năm 2000, ngày nay, khách nhà giàu Trung Quốc đã lựa chọn xứ sở Hoa Anh đào trở thành điểm đến lí tưởng.  

Du khách Trung Quốc ồ ạt mua sắm tại các cửa hàng lưu niệm
Du khách Trung Quốc ồ ạt mua sắm tại các cửa hàng lưu niệm. (Ảnh: Neil Newman) 

Theo Cục Du lịch Nhật Bản, năm 2019 nước này ghi nhận 9,6 triệu người Trung Quốc đến du lịch, tăng gấp 10 lần so với năm 2007 với 940 nghìn người. Lượng du khách ngày càng đông đúc đến nỗi người Nhật đã đặt riêng thuật ngữ "bukugai" để chỉ khách du lịch Trung điên cuồng mua sắm trong các cửa hàng lưu niệm. Tại Ginza đã xuất hiện các cửa hàng chuyên về hình thức trên. Thế nhưng do lượng người đổ về quá đông khiến không gian xung quanh trở nên xô bồ, ồn ã, đặc biệt là tại Kyoto vốn rất yên tĩnh. Eiko Sasaki, cư dân lâu năm của Kyoto cho hay: "Khách du lịch quá đông. Các gaijin (người nước ngoài) cố gắng chụp ảnh các maiko (geisha) và đuổi theo họ ở sân sau bất chấp quy định đã nghiêm cấm. Điều này không thể chấp nhận được".

Vào thời kỳ đỉnh cao, Kyoto chỉ có vỏn vẹn khoảng 1,5 triệu dân đã đón 53,5 triệu du khách mỗi năm, trong đó 1,15 triệu người đến từ Trung Quốc. Khách du lịch đến với Kyoto là một tổ hợp bao gồm Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và xuất hiện ngày càng nhiều người phương Tây. Càng đông khách du lịch, người dân địa phương càng tỏ ra bất bình. Nhiều người đổ lỗi cho du khách đã tàn phá vẻ đẹp cổ kính, cư xử không đúng mực, can thiệp vào cuộc sống dân cư bản địa,... Truyền thông địa phương liên tục đưa tin khách du lịch chặn geisha trên đường đi để lấy đồ trang trí tóc, khắc tên lên rặng tre cùng nhiều hành động thiếu chuẩn mực khác.

Câu hỏi đặt ra là liệu trong bối cảnh bình thường mới, lượng khách du lịch đến với Nhật Bản có còn đông như trước? Hay nói cách khác, người dân nơi đây có mong muốn đông khách du lịch như vậy quay trở lại khi đã hoàn toàn thoát ly khỏi du khách quốc tế. 

TL