Nền kinh tế trải nghiệm Mỹ trước tương lai mờ mịt

00:00 12/10/2020

Dù các hoạt động kinh tế đã bắt đầu được nối lại ở Mỹ nhờ các lệnh phong tỏa được nới lỏng nhưng phần lớn nền kinh tế trải nghiệm tại đây vẫn đang đóng băng.

Giải thi đấu bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) bị tạm dừng sau khi ngôi sao bóng rổ Rudy Gobert của đội Utah Jazz có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 hồi đầu tháng 3. Ảnh: USA Today

 Từng là ngành hốt bạc tại Mỹ

Trong những thập kỷ gần đây, một phần quan trọng trong mức tăng trưởng việc làm và GDP của Mỹ đến từ nền kinh tế trải nghiệm, bao gồm những ngành kinh doanh thu lợi từ những hoạt động đông người như những trận thi đấu thể thao, các lễ hội âm nhạc và nghệ thuật cho đến phòng ném rìu xả stress, bảo tàng kem…

Nhưng với mức độ lây nhiễm khủng khiếp của Covid-19, những sự kiện đông người này sẽ nằm trong số những hoạt động được khôi phục muộn nhất.

“Bất cứ nơi nào mọi người muốn tụ họp trước đây đều là nơi mà chẳng ai muốn có mặt vào thời điểm hiện nay”, Joe Pine, đồng tác giá của cuốn sách nhan đề The Experience Economy (Nền kinh tế trải nghiệm), nói.

“Sự tiếp xúc giữa người với người thực sự là những gì mà ngành kinh doanh của chúng tôi dựa vào để phát triển. Nếu điều đó mất đi thì thế giới sẽ trở thành một nơi buồn tẻ hơn”,  Roland Swenson, Giám đốc điều hành lễ hội phim ảnh, âm nhạc và công nghệ South by Southwest ở Austin, bang Texas, nói. Do tác động của dịch Covid-19, lễ hội South by Southwest đã bị hủy bỏ hồi tháng 3.

Sự phụ thuộc của nền kinh tế Mỹ vào các sự kiện trực tiếp ngày càng lớn dần qua mỗi năm. Sau khi công viên Disneyland đầu tiên khai trương vào năm 1955 ở bang California, sự kiện này đã châm ngòi cho cơn bùng nổ của ngành kinh doanh công viên chủ đề.

Trong những thập kỷ gần đây, sự xuất hiện của các công viên chủ đề như Thế giới phù thủy của Harry Potter, Công viên nước Great Wolf Lodge đã tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt thu hút sự quan tâm của các hộ gia đình Mỹ.

Khi các sự kiện thể thao trực tiếp trở thành tài sản truyền hình béo bở, các tổ chức như Hiệp hội bóng rổ nữ quốc gia Mỹ (WNBA) và Giải Bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS) ra đời, các sân vận động xa hoa với các trang thiết bị hiện đại được xây dựng và số lượng các trận thi đấu tăng mạnh.

Khi ngành công nghiệp thu âm suy sụp, các sự kiện hòa nhạc trở thành nguồn lợi nhuận chủ lực đối với các hoạt động âm nhạc.

Thậm chí, cơn bùng nổ của các nhà hàng không chỉ dựa vào các món ăn ngon mà còn phụ thuộc cách thiết kế không gian ăn uống. Starbucks thành công không chỉ nhờ tạo ra loại cà phê latte riêng với biên lợi nhuận lớn mà còn nhờ thiết kế một không gian mà mọi người muốn ghé vào và nán lại đó.

“Bằng cách kết hợp cà phê với một trải nghiệm thú vị, bạn có thể bán 1 tách cà phê với giá 5 đô la Mỹ”, Joe Pine nói.

Tại Mỹ, giá trị GDP được tạo ra nhờ nghệ thuật, giải trí, vui chơi, các dịch vụ lưu trú và thực phẩm đạt gần 1.600 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái, tăng mạnh so với con số 979 tỉ đô la cách đây một thập kỷ, theo Cục Phân tích kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ.

Trong 10 năm qua, việc làm trong ngành công nghiệp giải trí, lưu trú, nhà hàng tăng 30%, đạt gần 17 triệu vào hồi đầu năm nay, theo Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ.

Khi ngành công nghiệp sản xuất trong nước của Mỹ suy yếu, các ngành kinh doanh liên quan đến việc tập hợp một lượng người đông đảo lại với nhau trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với thị trường lao động.

Các sự kiện giải trí và thể thao không chỉ tạo ra công việc cho người bán dạo xúc xích, người trông giữ bãi xe và nhân viên bảo vệ. Hàng loạt lĩnh vực khác xuất hiện để hỗ trợ ngành kinh doanh các sự kiện trực tiếp, tạo ra lượng việc làm dồi dào cho các chuyên gia tổ chức sự kiện, chuyên gia âm thanh, ánh sáng và các công ty khởi nghiệp như Eventbrite, nền tảng bán vé trực tuyến cho các sự kiện tại địa phương.

Thậm chí, chức danh giám đốc trải nghiệm bắt đầu xuất hiện tại một số công ty.

Bị tổn thương nặng nề vì Covid-19

Xe cộ vắng bóng trên con đường dẫn vào công viên Walt Disney World ở Orlando, bang Florida, Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Trong 2 tháng qua, số người làm việc trong ngành giải trí, lưu trú và nhà hàng ở Mỹ giảm gần một nửa, chiếm 25% tổng số việc làm mất mát ở Mỹ do tác động của Covid-19.

Các rạp phim, các sân vận động và phần lớn các điểm du lịch ở Mỹ vẫn còn đóng cửa và nhiều trong số đó có thể chưa được phép tái mở cửa trong nhiều tháng tới.

Thống đốc bang California, Gavin Newsom, cảnh báo những người hâm mộ thể thao có lẽ không thể tham dự được các trận thi đấu cho đến khi vắc-xin phòng ngừa Covid-19 xuất hiện.

Ông nói: “Cho đến khi chúng ta được miễn dịch và cho đến khi chúng ta được tiêm vắc-xin, thật khó để hình dung cảnh tượng đầy ắp khán giả ở các sân vận động”.

Nếu thẩm định của Newsom là đúng, đó là tin xấu cho Giải bóng chày nhà nghề Mỹ (MLB), Giải Bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) và Giải Bóng bầu dục nhà nghề Mỹ (NFL), vốn kiếm được tổng cộng doanh thu 33,7 tỉ đô la vào năm ngoái.

Ngoài những khó khăn tức thời xuất hiện do làn sóng mất việc và hoạt động kinh doanh đình trệ, sự đóng băng của các sự kiện tụ tập đông người cũng đang gây tác động sâu sắc đến bầu tâm lý của người dân trên toàn quốc.

“Nếu bạn tham dự một trận thi đấu World Cup hay một buổi trình diễn nhạc rock, đó không chỉ là một giao dịch thương mại, mà còn là một cách thể hiện con người của bạn”, Priya Parker, tác giả của cuốn sách The Art of Gathering (Nghệ thuật của tụ tập), nói.

Những người trong ngành kinh doanh sự kiện đang tự hỏi không biết tương lai sẽ ra sao.Catherine Powell, Giám đốc trải nghiệm của nền tảng đặt thuê phòng trực tuyến Airbnb, bày tỏ lạc quan rằng đám đông sẽ quay trở lại các sự kiện nếu tình hình an toàn.

Có những dấu hiệu ban đầu cho thấy điều đó có thể trở thành sự thực. Disney đã tái mở cửa công viên chủ đề ở Thượng Hải, Trung Quốc trong thời gian gần đây và nhanh chóng bán sạch vé.

Tại TP. Orlando, bang Florida, hai công ty Disney và Universal đang tái mở cửa một số khu mua sắm của họ nhưng kèm theo các biện pháp giãn cách xã hội, chẳng hạn Universal đòi hỏi khách phải mang khẩu trang và đo thân nhiệt.

Song khi mà mối đe dọa của Covid-19 chưa thể rời xa tâm trí của mọi người, nếu được phép tái mở cửa, các công viên chủ đề, từng là cỗ máy tạo lợi nhuận lớn đối với một tập đoàn giải trí như Disney, sẽ chỉ kiếm được một phần nhỏ mức doanh thu mà họ kiếm được trước khi Covid-19 xảy ra.

PV/ Theo New York Times