Mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao

17:33 30/11/2021

Chiều ngày 30/11, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cùng với Tập đoàn FPT phối với Tập đoàn SBI và Công ty DENBA tại Nhật bản cùng tổ chức Diễn đàn trao đổi Công nghệ và Nông sản Việt Nam – Nhật bản. Diễn đàn được tổ chức với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Nhật bản đang hoạt động và quan tâm đến lĩnh vực Nông nghiệp và chuyển đổi số công nghệ cao với các mô hình và dây truyền sản xuất tối ưu cho nhà cung ứng và người tiêu dùng.

Toàn cảnh Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn.

Những tháng đầu năm 2021, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở nhiều tỉnh thành phố đã ảnh hưởng to lớn tới tình hình sản xuất cũng như tiêu thụ, làm đứt gãy chuỗi lưu thông từ sản xuất, nguyên vật liệu vật tư nông nghiệp đầu vào cho đến các khâu như thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, phân phối tới các tỉnh thành phố để tiêu thụ cũng như xuất khẩu.

Hiện tại, trong thời gian này, khi các phương án giao nhận phù hợp đã, đang được triển khai để bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế. Và một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là khôi phục nên kinh tế đất nước, trong đó đặc biệt quan tâm đến nông sản Việt, một mặt hàng là thế mạnh của nền Nông nghiệp Việt Nam. Và thị trường Nhật Bản đã và đang được đánh giá là thị trường vô cùng tiềm năng về lĩnh vực nông sản Việt, các loại trái cây của Việt Nam hiện đang rất được ưa chuộng tại thị trường này. Đồng thời đây cũng là nơi có nhiều dây truyền sản xuất, công nghệ tiên tiến hướng tới nông nghiệp xanh, sạch an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như người sản xuất.

Kể từ khi Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, sự hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản không ngừng được đẩy mạnh và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp. Hợp tác nông nghiệp giữa hai nước đã đi vào chiều sâu và đang đóng góp tích cực cho sự  phát triển kinh tế của cả hai nước. Việt Nam là quốc gia đang phát triển và nông nghiệp vẫn là ngành giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức khá lớn như: nhu cầu lương thực thực phẩm không ngừng tăng do dân số ngày càng tăng; diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do xu hướng đô thị hóa; sự diễn ra mạnh mẽ của biến đổi khí hậu; quá trình hội nhập nền kinh tế quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản không ngừng tăng cao.

Những thách thức trên đòi hỏi nông sản Việt Nam phải không ngừng gia tăng về sản lượng và nâng cao về chất lượng. Do đó, việc áp dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu trong nông nghiệp và là giải pháp giải quyết những thách thức cho nền nông nghiệp nước nhà.

Có thể nói, những tác động tích cực từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nông nghiệp thế hệ mới đã góp phần làm cho ngành nông nghiệp của Việt Nam có được những khởi sắc rõ rệt, với những triển vọng to lớn, hứa hẹn sẽ là một trong những ngành đạt được bứt phá trong tương lai.

Nhật Bản từ lâu được biết đến là đất nước có ngành nông nghiệp tiên tiến và phát triển đứng đầu thế giới với đặc điểm nổi bật là áp dụng các trang thiết bị hiện đại nhằm tự động hóa tối đa các khâu từ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản và phân phối. Nông nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản là ngành đang được nhiều nước trên thế giới học hỏi, đặc biệt trong bối cảnh diện tích đất trồng đang ngày càng bị thu hẹp và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở nên nhức nhối trên toàn thế giới.

Diễn đàn trao đổi Công nghệ và Nông sản Việt Nam – Nhật Bản được tổ chức với mong muốn có thể giới thiệu tới doanh nghiệp những công nghệ tiên tiến trong hoạt động sản xuất và kinh doanh nông nghiệp cũng như những nông sản chất lượng cao phù hợp với những quy chuẩn của thị trường hai nước. 

ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT.

Tại Hội thảo, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT chia sẻ: "Ngay trong chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã rất ấn tượng với kết quả ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp ở Nhật, và phải khẳng định là ngành Nông nghiệp tiên tiến và phát triển đứng đầu thế giới với đặc điểm nổi bật là áp dụng các trang thiết bị hiện đại nhằm tự động hóa tối đa các khâu từ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản và phân phối. Nông nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản là ngành đang được nhiều nước trên thế giới học hỏi, đặc biệt trong bối cảnh diện tích đất trồng đang ngày càng bị thu hẹp và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở nên nhức nhối trên toàn thế giới". 

Sau những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã gây ảnh nghiêm trọng đến nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới, trong đó cũng có Việt Nam và Nhật Bản, ông Bình cho rằng, điều này khiến  việc kết nối, hợp tác giữa các đơn vị, tập đoàn để khôi phục lại nền kinh tế là vô cùng quan trọng. Và điều đó thể hiện bằng sự bắt đầu bằng những cuộc trao đổi, tìm hiểu, hỗ trợ lẫn nhau như ngày hôm nay.

Thông qua Diễn đàn, ông Bình mong muốn có thể giới thiệu tới doanh nghiệp những công nghệ tiên tiến trong hoạt động sản xuất và kinh doanh nông nghiệp cũng như những nông sản chất lượng cao phù hợp với những quy chuẩn của thị trường hai nước. 

Sơ qua về thực trạng nông nghiệp của Nhật Bản, hiện tại dân số làm nông nghiệp của Nhật Bản đang giảm nhanh chóng, so với năm 1995 thì 20 năm qua đã giảm hơn một nửa. Ngoài ra, độ tuổi trung bình của lao động nông nghiệp ở Nhật Bản đã tăng 8 tuổi trong 20 năm qua, và tình trạng thiếu lao động do lao động nông nghiệp già đi và thiếu người kế thừa đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng.

Trong bối cảnh như vậy, tổng diện tích đất canh tác bị bỏ hoang ở Nhật Bản là 423.000 ha, sự suy yếu của cơ sở sản xuất đang gia tăng và tổng sản lượng nông nghiệp đến năm 2017đã giảm 2,4 nghìn tỷ yên từ mức đỉnh cao năm 1984. Chính phủ Nhật Bản đang nghiên cứu và khuyến nghị phát triển các công nghệ mới và các mô hình quản lý năng suất cao nhằm phát triển bền vững nông nghiệp như một mục tiêu của các chính sách kinh tế.

Ông Kitao, đại diện từ Tập đoàn SBI cho biết, Tập đoàn cũng đang đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề xã hội nêu trên bằng cách đầu tư quy mô lớn vào các công ty cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau.

Tại Diễn đàn, ông cũng chia sẻ: "Chúng tôi hy vọng rằng diễn đàn hôm nay sẽ là cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam, đồng thời cải thiện các vấn đề khác nhau liên quan đến nông nghiệp. Ngoài ra, tôi rất vui nếu nó có thể là cầu nối cho sự phát triển hơn nữa của mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam".

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nakatsuka - Giám đốc sàn giao dịch hàng hóa tương lai Dojima đã chia sẻ mong muốn, từ năm 2025 công ty có thể trở thành một trung tâm giao dịch tổng hợp có thể giao dịch các sản phẩm tài chính. "Trung tâm giao dịch Doujima đã và đang tiến hành cải tiến bộ máy công ty để hướng đến mục tiêu biến công ty trở thành một trung tâm giao dịch khác với các sàn giao dịch khác đang có ở Nhật. Và với mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm giao dịch quốc tế xuyên quốc gia, trung tâm giao dịch Doujima, chúng tôi tin rằng từ Việt Nam đến Nhật và các quốc gia khác ngoài Nhật thì đều có thể sử dụng", ông Nakatsuka nhận định. 

Diễn đàn đã tạo điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác sản xuất, phát triển kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp như: sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối cũng như thương mại, đầu tư và công nghệ.

PV