Meta chịu mức phạt 1,86 triệu USD vì quảng cáo sai lệch

16:25 19/11/2023

Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng (Senacon) đã yêu cầu Meta rút lại các quảng cáo gây hiểu lầm về Desenrola Brasil từ ngày 26/9. Tuy nhiên, Meta đã không tuân thủ yêu cầu này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Mới đây, Bộ Tư pháp Brazil đã quyết định áp đặt mức phạt 9,3 triệu Real (khoảng 1,86 triệu USD) đối với Meta, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook, do vi phạm quy định về rút lại quảng cáo sai lệch liên quan đến chương trình tín dụng Desenrola Brasil, được chính phủ Brazil triển khai.

Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng (Senacon) đã yêu cầu Meta rút lại các quảng cáo gây hiểu lầm về Desenrola Brasil từ ngày 26/9. Tuy nhiên, Meta đã không tuân thủ yêu cầu này và tiếp tục phát sóng các quảng cáo được cho là liên quan đến nhiều hành vi gian lận, bao gồm chuyển hướng đến trang web cho vay tiền và làm rò rỉ dữ liệu cá nhân, theo thông tin từ Giám đốc Senacon - Vitor Hugo do Amaral Ferreira.

Đây không phải là lần đầu tiên Meta bị phạt. Hồi cuối tháng 7, Tòa án liên bang Australia cũng đã áp đặt mức phạt 20 triệu AUD (khoảng 14 triệu USD) đối với Meta do hành vi thu thập trái phép dữ liệu người dùng qua một ứng dụng điện thoại thông minh.

Gã khổng lồ mạng xã hội Meta cũng đã trở thành tâm điểm khi ngày 24/10 có 40 tiểu bang ở Mỹ đã đệ đơn kiện, cáo buộc ứng dụng Facebook và Instagram của hãng này gây tổn hại đến “sức khỏe thể chất và tinh thần của giới trẻ”.

Các cáo buộc tuyên bố rằng: “Meta che đậy cách thức mà các nền tảng này khai thác và thao túng những người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhất của họ… , bỏ qua những thiệt hại lớn gây ra đối với sức khỏe tâm thần người dùng”.

Hành động pháp lý này là đỉnh điểm của hơn hai năm điều tra đối với các hoạt động của 2 nền tảng của Meta mà chính quyền cho là “gây nghiện”.

Khi được hãng tin AFP liên hệ, Meta cho biết thất vọng vì động thái đó thay vì hợp tác hiệu quả với các công ty trong ngành để phát triển các tiêu chuẩn rõ ràng, phù hợp với lứa tuổi cho nhiều ứng dụng được thanh thiếu niên dùng.

Người phát ngôn của Meta nói: “Chúng tôi chia sẻ cam kết hợp tác trong việc cung cấp cho giới trẻ trải nghiệm trực tuyến tích cực và an toàn, đồng thời chúng tôi đã đưa ra hơn 30 công cụ để hỗ trợ những người trẻ tuổi và gia đình họ”.

Gần đây nhất, Công ty Meta cũng đã kháng cáo việc 2 dịch vụ của mình, Messenger và Marketplace, bị đưa vào danh sách theo dõi hay "người gác cổng - gatekeeper" ở châu Âu. Đây được xem là động thái đầu tiên của công ty công nghệ thuộc nhóm "Big Tech" trước những quy tắc mới của Liên minh châu Âu (EU), trong đó đặt ra quy định về điều nên làm và không nên làm đối với các dịch vụ trực tuyến.

Người phát ngôn của Meta cho biết: "Khiếu nại này nhằm làm rõ các điểm cụ thể liên quan đến việc đưa Messenger và Marketplace vào danh sách theo dõi. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không đưa ra khiếu nại cho các dịch vụ khác như Facebook, Instagram và WhatsApp".

Minh Anh (t/h)