Loạt đàn áp người nổi tiếng tại Trung Quốc đẩy lĩnh vực livestream đến bên bờ vực

16:18 05/01/2022

Trở thành người có sức ảnh hưởng cũng rất rủi ro. Khi chính phủ muốn trấn áp, lĩnh vực livestream hay bất kỳ ngành công nghiệp nào cũng sẽ trở thành "con mồi".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: SCMP) 

Không ít ngôi sao livestream khai thác thị trường thương mại điện tử, mạng xã hội của Trung Quốc, nâng tầm ảnh hưởng cá nhân nhằm thúc đẩy sự trỗi dậy của ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la trong những năm gần đây. Phương tiện truyền thông nhà nước đã nhiều lần khen ngợi các gương mặt này, hầu hết là người trẻ tuổi như những tấm gương đổi mới đất nước. Giờ đây, khi toàn ngành đã đạt được thành công nhất định, nhà nước rời sự chú ý đến lĩnh vực này, đặt mục tiêu đàn áp mới cho chiến dịch thịnh vượng chung. 

Các nhà chức trách Hàng Châu đánh thuế người nổi tiếng Internet như Viya với mức phạt 210 triệu đô la vì trốn thuế. Một nhà bình luận đã viết: "Ngành công nghiệp livestream là một trong những ví dụ sinh động nhất về cách các ngành 'hút máu' nền kinh tế thực". Tờ Nhân dân Nhật báo đăng trên Weibo rằng khoản tiền phạt của Viya là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người. Bài báo nêu rõ: "Bạn nổi tiếng đến đâu không quan trọng, nếu trốn thuế, chắc chắn sẽ bị trừng phạt". Hầu hết giới lắm tiền nhiều của xứ Trung đều gấp gáp nộp thuế cuối năm và tránh bị tồn nợ. 

Trước đó, những quy định hà khắc đối với giới công nghệ, giáo dục tư nhân đóng vai trò đưa tư tưởng, định hướng của nhà cầm quyền vào nền kinh tế mới sau nhiều năm tăng trưởng bùng nổ. Fang Kecheng, trợ lý giáo sư tại trường Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Thành phố Hồng Kông, nhận định: "Những người có sức ảnh hưởng này không được các nhà lãnh đạo hàng đầu coi là hình mẫu lý tưởng cho xã hội". Chẳng hạn Viya thu hút được hơn 37 triệu người xem trong một tháng nhưng càng nhiều nhiều mua hàng lại càng mâu thuẫn với mong muốn phân phối lại của cải. Yik Chan Chin, Phó Giáo sư Đại học Sư phạm Bắc Kinh chỉ ra: "Từ quan điểm của chính phủ, phát trực tiếp không phải là ngành chính mà chỉ là mua sắm và giải trí".

Cơ quan quản lý Internet đã xóa hơn 20 nghìn tài khoản có ảnh hưởng vì "lạm dụng trên mạng xã hội" và "phổ biến nội dung sai lệch". Tháng 8, Bộ Thương mại đưa ra tiêu chuẩn mới về quy cách ăn mặc, nói chuyện trước ống kính để "không vi phạm trật tự công cộng hoặc đạo đức". Những người nổi tiếng đang phải đối mặt với giám sát chặt chẽ hơn. Guo Yanbo, người sáng tạo nội dung 28 tuổi có tên gọi là Big Monster với hơn 10 triệu người hâm mộ trên Douyin chia sẻ: "So với hai hoặc ba năm trước, chúng tôi bây giờ thận trọng hơn với nội dung đăng tải. Khi làm clip hài, tôi không làm những gì quá dung tục và phải đảm bảo không khoe khoang".

Số phận của Viya cũng phản ánh số phận bất định của người nổi tiếng ngay cả khi góp sức cho với chính phủ. Năm ngoái, người này đã gây quỹ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn ở Vũ Hán sau đợt bùng phát dịch. Những tên tuổi khác như Li Jiaqi được mệnh danh "ông hoàng son môi" quảng cáo nhiều hơn cho sản phẩm nội địa. Tuần trước, ca sĩ nhạc pop Vương Tuấn Khải đã chấm dứt quan hệ đối tác với Intel sau khi công ty yêu cầu các nhà cung cấp không lấy nguồn cung từ Tân Cương. Kể từ khi bị phạt, Viya đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng. Cô đăng lời xin lỗi trên Weibo: "Sai là sai. Tôi sẵn sàng chịu mọi hậu quả cho sai lầm của mình" nhưng các tài khoản đều đã bị gỡ bỏ kéo theo hàng loạt sự kiện. Như Fang từng trải lòng: "Trở thành người có sức ảnh hưởng cũng rất rủi ro. Khi chính phủ muốn trấn áp, họ và lĩnh vực đang theo đuổi dễ bị nhắm mục tiêu hơn".

TL