Liệu nền kinh tế Trung Quốc có thể tránh được tình trạng trì trệ?

17:30 25/07/2022

Một số nhà kinh tế kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ tránh được tình trạng trì trệ giống như Nhật Bản nếu các chính sách đúng đắn trở nên có hiệu lực. Nền kinh tế Nhật Bản đã đình trệ, nhìn chung tăng trưởng chậm hơn so với Mỹ và Trung Quốc kể từ những năm 1990, sau khi bong bóng chứng khoán và bất động sản vỡ.

GDP của tỉnh Sơn Tây là một trong những tỉnh tăng trưởng nhanh nhất ở Trung Quốc trong nửa đầu năm 2022, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh chụp ở đây vào ngày 14 tháng 1 năm 2022, là một cánh tay robot đang hàn khung của một chiếc xe năng lượng mới ở Sơn Tây.

Trong năm nay, nhiều ngân hàng đầu tư đã cắt giảm dự báo GDP Trung Quốc xuống dưới 4% do chính sách zero-Covid của nước này.

Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc hầu như không tăng trong quý thứ hai khi các biện pháp phong tỏa đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng. Những hạn chế đó đã được nới lỏng, nhưng các biện pháp kiểm soát vẫn khiến nhiều người cảm thấy không chắc chắn. Quốc gia này đang chờ đến cuộc họp báo hàng quý của các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng. 

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2021 chưa bằng 1/5 so với Hoa Kỳ.

Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie, cho biết: “Do dư địa để bắt kịp vẫn còn, Trung Quốc vẫn sẽ duy trì mức tăng trưởng 4% đến 5% trong vòng 5 đến 10 năm tới”. Ông cho biết, có những bất ổn có thể ảnh hưởng đến ước tính của ông, bao gồm cả việc liệu Trung Quốc có thể chuyển từ dựa vào đầu tư sang tiêu dùng để tăng trưởng hay không.

Phần lớn các bài phân tích kinh tế chính thức của đất nước đã nhấn mạnh tác động “bất ngờ” của Covid và “cuộc xung đột Nga-Ukraine”, đồng thời chỉ ra rằng áp lực lạm phát đang cao hơn nhiều ở các nước.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có phải đối mặt với tình trạng trì trệ kinh tế như Nhật Bản hay không, Trưởng nhóm nghiên cứu Zong Liang của Ngân hàng Trung Quốc đã bác bỏ khả năng này. Ông cho biết, Trung Quốc luôn kiểm soát tiền tệ của mình, trong khi đồng yên của Nhật Bản biến động quá nhanh.

Zong cũng nhấn mạnh sự đầu tư và khả năng tự lực của Trung Quốc trong đổi mới công nghệ. Đối với tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, ông kỳ vọng các biện pháp hỗ trợ được được công bố vào tháng 5 sẽ có hiệu lực trong quý 3 hoặc quý 4, và một số lợi ích đến từ thương mại gia tăng theo các hiệp định thương mại tự do khu vực mới.

Tuy nhiên, Zong cho biết, Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự như Nhật Bản khi tham gia vào thị trường nhà ở.

Bắc Kinh đã cố gắng kiềm chế hoạt động đầu cơ trên thị trường trong vài năm qua. Nhưng một vấn đề cơ bản, khó khăn hơn đối với bất động sản là dân số già, một vấn đề “đáng được chúng ta quan tâm", Zong nói với CNBC.

Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với thời kỳ tăng trưởng thấp

Tuy nhiên, cũng có nhiều người tỏ ra không mấy lạc quan. Michael Pettis, Giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Trung Quốc đôi khi còn gặp những vấn đề thậm chí còn khắc nghiệt hơn cả sự mất cân bằng của Nhật Bản khiến việc dựa vào tiêu dùng để tăng trưởng trở nên khó khăn hơn".

Nền kinh tế Nhật Bản đã đình trệ, nhìn chung tăng trưởng chậm hơn so với Mỹ và Trung Quốc kể từ những năm 1990, sau khi bong bóng chứng khoán và bất động sản vỡ.

Pettis cho biết, Nhật Bản tăng trưởng nhanh chóng trong những năm 1970 và 1980 nhờ xuất khẩu và đầu tư cơ sở hạ tầng tăng trưởng cao, nhưng đến đầu những năm 1990, nước này ngày càng đầu tư vào các dự án lãng phí, Pettis nói.

Ông cho biết, Nhật Bản đã không thể hướng tới người tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng. Pettis đã viết vào tháng 4 rằng, Trung Quốc không nhất thiết phải đi theo con đường của Nhật Bản và Trung Quốc có thể thực hiện những thay đổi đáng kể phù hợp với thể chế chính trị của mình .

Tuy nhiên, ông cho biết, có nhiều khả năng là Trung Quốc không bước vào một cuộc khủng hoảng tài chính hay khủng hoảng kinh tế gay gắt, và thay vào đó, họ sẽ phải đối mặt với một thời kỳ tăng trưởng thấp theo kiểu Nhật Bản trong một thời gian rất dài”.

Nếu đầu tư không hiệu quả - chủ yếu vào cơ sở hạ tầng và tài sản bị giảm bớt và không được thay thế bằng nguồn tăng trưởng tương đương, Pettis ước tính GDP của Trung Quốc sẽ tăng không quá 2% hoặc 3% mỗi năm trong những năm tới.

Trong năm nay, nhiều ngân hàng đầu tư đã cắt giảm dự báo GDP Trung Quốc của họ xuống dưới 4% do chính sách zero-Covid của nước này.

Xu Hongcai, Phó Giám đốc Ủy ban Chính sách Kinh tế tại Hiệp hội Khoa học Chính sách Trung Quốc cho biết: “Các nhà kinh tế không thể giải quyết vấn đề này".

Xu nhấn mạnh một giọng bi quan, lưu ý rằng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa có thể đóng góp rất ít, và việc tăng quy mô của chúng sẽ chỉ gây ra các vấn đề dài hạn hơn.

Rắc rối trong lĩnh vực bất động sản khổng lồ của Trung Quốc cũng bùng phát trong tháng này, với nhiều người mua nhà từ chối thanh toán các khoản thế chấp của họ cho đến khi các chủ đầu tư tìm được nguồn lực để hoàn thành việc xây dựng các căn hộ.

Cần thêm sự hỗ trợ từ nhà nước

Nền kinh tế Trung Quốc có thể phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính phủ. Sau khi cảnh báo những rủi ro từ sự hỗ trợ quá mức của chính phủ trong cuốn sách năm 2016 "China’s Guaranteed Bubble", tác giả Zhu Ning hồi tháng trước cho biết, giải pháp tốt nhất cho vấn đề thất nghiệp và bong bóng nhà ở là tăng cường hỗ trợ của nhà nước.

Zhu, Giáo sư tài chính kiêm Phó trưởng khoa tại Học viện Tài chính Cao cấp Thượng Hải cho biết: “Tôi không thể nghĩ ra cách tiếp cận nào khả thi chỉ nhờ vào việc dựa trên thị trường".

Ông cho rằng, cũng giống như Nhật Bản, họ đã xây dựng mạng lưới xã hội an toàn của mình trong thời kỳ gặp khó khăn, Trung Quốc cũng nên dành nhiều nguồn lực hơn để đảm bảo ba nhu cầu cơ bản: nhà ở, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Zhu nói rằng, việc giảm bớt những chi phí đó cho người tiêu dùng Trung Quốc có thể khuyến khích họ chi tiêu hơn. 

Lyly