Trong nửa cuối năm nay, kinh tế toàn cầu có nguy cơ giảm tốc

17:33 06/09/2023

Trong vài tuần gần đây, dấu hiệu đáng lo ngại về sức khỏe kinh tế toàn cầu ngày càng rõ rệt hơn. Thương mại thế giới đã sụt giảm, ghi nhận mức tăng trưởng -0,7% trong quý 1/2023 và rủi ro địa chính trị tiếp tục đè nặng lên hoạt động kinh tế.

Theo Báo Le Monde dẫn đánh giá của các chuyên gia quốc tế cho rằng việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương bắt đầu đè nặng lên hoạt động kinh tế, có khả năng làm giảm tốc tăng trưởng cả ở châu Âu và Mỹ trong nửa cuối năm 2023. Theo bài viết, tình trạng phá sản hàng loạt của các trung tâm thương mại lớn ở Đức, lãi suất tăng cao ở Mỹ, thị trường bất động sản lao đao ở Trung Quốc... đã được quan sát thấy.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong vài tuần gần đây, dấu hiệu đáng lo ngại về sức khỏe kinh tế toàn cầu ngày càng rõ rệt hơn. Thương mại thế giới đã sụt giảm, ghi nhận mức tăng trưởng -0,7% trong quý 1/2023 và rủi ro địa chính trị tiếp tục đè nặng lên hoạt động kinh tế.

Đầu năm 2023, những lo lắng liên quan đến khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã hoàn toàn tan biến. Thay vào đó là sự lạc quan có phần thái quá. Nhiều người tin rằng kinh tế châu Âu có thể vận hành tốt mà không cần đến khí đốt của Nga, trong khi Trung Quốc cuối cùng đã mở cửa trở lại và ngành du lịch bắt đầu phục hồi.

Nhưng chuyên gia kinh tế của ngân hàng BNP Paribas, Hélène Baudchon, lưu ý cả hai chỉ số môi trường sản xuất và kinh doanh đều khá tệ và bây giờ mọi nhìn nhận đều trở lại với sự bi quan rõ rệt.

Điều này đặc biệt đúng với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Nếu kinh tế Pháp và Tây Ban Nha đã gây bất ngờ trong quý 2/2023, đạt tăng trưởng lần lượt 0,5% và 0,4%, thì nền kinh tế Đức lại rơi vào sự đình trệ khi tăng trưởng quanh mức 0%.

Tuy nhiên, xu hướng lạm phát giảm tại Eurozone, từ 10% xuống còn 6,1% trong khoảng thời gian từ tháng 1-7/2023, là tin tốt cho các hộ gia đình châu Âu. Đặc biệt việc làm không bị ảnh hưởng nhiều do tình trạng thiếu lao động ở nhiều lĩnh vực, cho dù tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.

Các công ty thích giảm số giờ làm việc (nếu cần) hơn là sa thải nhân viên. Nhờ vậy, theo nhận định của chuyên gia Baudchon, sự giảm tốc của hoạt động kinh tế sẽ không quá rõ rệt và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone dự báo vẫn tăng 0,5% trong năm 2023 và 0,6% vào năm 2024.

Hơn nữa, việc châu Âu quyết định siết chặt trở lại quy định ngân sách trong năm 2024 sẽ buộc các nước phải thận trọng hơn trong việc đưa ra các biện pháp hỗ trợ kinh tế, từng được áp dụng rộng rãi để giải quyết cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 và khủng hoảng năng lượng.

Ngọc Phi (TH)

Tags: