Thời gian qua, khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới và tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt thực hiện “mục tiêu kép” vừa hoạt động sản xuất vừa phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ. Ông đánh giá thế nào về sự nỗ lực vượt bậc, quyết tâm vượt khó nhằm duy trì, ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống người lao động trong bão Covid-19 của cộng đồng doanh nghiệp?

TS. Tô Hoài Nam:Thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa hoạt động sản xuất là hoạt động rất khó đối với các DN. Vì mục tiêu kép là công cụ để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế và phòng chống dịch. Trong đó các biện pháp công nhau, từ biện pháp thành phần cho tới tổng thể. Một bên là hạn chế giao lưu, giãn cách xã hội; một cái là tăng cường giao lưu, lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế.

Các DN cũng đã cố gắng rất nhiều, bằng khả năng mình có, bằng trí tuệ, tính linh hoạt của DN đã áp dụng nhiều giải pháp khác nhau, muôn hình vạn trạng. Có thể với DN này thì phù hợp nhưng DN kia lại không.

Vì thế, đây là thách thức rất lớn. Nhưng từ quy mô, tính chất khác nhau, các DN đã tổ chức thực hiện đều có sự sáng tạo để duy trì sản xuất. Đây là điểm rất quan trọng. Có nhiều cái mới. Ví dụ với “3 tại chỗ”, DN không đủ điều kiện thì thuê nhà trọ, thuê khu nhà ở cho công nhân để duy trì sản xuất. Vẫn đảm bảo duy trì sản xuất.

Tất nhiên, để duy trì sản xuất trong điều kiện phòng chống dịch thì DN phải đẩy chi phí lên cao. Đây cũng là khó khăn. Những DN đã duy trì sản xuất dù đã giảm quy mô 30%, 50% hay nhiều hơn nữa đều thể hiện sự cống hiến, nỗ lực và quyết tâm tồn tại của DN.

 

 

 

 

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, Chính phủ cũng như các địa phương đều có các giải pháp đồng hành và hỗ trợ...Theo ông, điều gì đang cần nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và mỗi doanh nghiệp nói riêng?

TS. Tô Hoài Nam: Cộng đồng DN thì cần nhất là sự liên kết. Vì sau gần 2 năm DN của chúng ta phải chống chọi với dịch bệnh, nhiều DN cạn kiệt đồng vốn, cạn kiệt sức chịu đựng, bộc lộ nhiều yếu điểm. (Ví dụ nguồn vốn giảm, cung nguyên liệu giảm, doanh thu giảm, cung ứng nguyên liệu đứt gãy).

 

 

Mọi thứ thay đổi mạnh mẽ trong thời gian dài khiến DN yếu. Đặc biệt là dòng tiền của DN rất lúng túng. Tuy nhiên cái cần của cộng đồng DN là sự liên kết. Bởi vì về mặt lý thuyết, dù DN quy mô rất nhỏ nhưng nếu liên kết thì có thể tạo ra quy mô lớn dạng chuỗi. Vì vậy đối với cộng đồng phải là yếu tố hợp tác, liên kết kinh doanh. Trong các DN cùng ngành hàng, cùng loại sản xuất phải liên kết tạo quy mô lớn hơn.

Trong bối cảnh dịch vẫn còn, DN phải thực hiện mục tiêu kép cũng như điều kiện bình thường mới thì các DN cần quan tâm tới hướng dẫn về phòng chống dịch từ các cơ quan Chính phủ. Bởi nếu DN không quan tâm, chỉ sơ ý một người trong DN bị nhiễm COVID-19 thì dù khoanh vùng nhỏ nhất cũng tạo ngưng trệ sản xuất. Vì trong DN phải tính toán các vị trí sản xuất đều có mối liên hệ nhất định với nhau, chỉ thiếu một người thôi có khi dây chuyền đó phải dừng.

Thứ hai là phải không ngừng đổi mới. Tất cả những gì số hóa được thì phải số hóa. Để làm sao tương thích được với sự số hóa đang diễn ra mạnh mẽ từ phía các cơ quan của nhà nước. Ví dụ như Chính phủ số chẳng hạn, các địa phương các cơ quan nhà nước,… để mình tương thích với nó, để mình giải quyết các dịch vụ hành chính được đơn giản hơn, chi phí thời gian ít hơn, chủ động hơn, phù hợp với khách hàng. Giờ khách hàng tìm hiểu sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử, điều đó vừa thôi thúc vừa là lực đẩy DN phải tập trung vào số hóa và thực hiện nhiều hoạt động TMĐT.

Thứ ba là phải giữ chân được người lao động. Như tôi đã nói ở trên, DN thực hiện nhiều biện pháp, trong đó rất coi trọng người lao động.

Tất nhiên trong đợt dịch vừa qua, số lượng tùy từng DN nhưng gần 90% DN đều phải cắt giảm lao động (trong đó 84% DN vừa, 94% DN nhỏ, 90% DN siêu nhỏ phải cắt giảm). Nguyên nhân thì do phải giãn cách XH, những vùng đỏ, vùng cam, vùng nguy cơ dịch cao thì phải giảm lao động của mình đi, thậm chí cắt giảm hoàn toàn. Tiếp đó là do đứt gãy nguyên liệu đầu vào, không có đủ nguyên liệu để tổ chức sản xuất. Cùng đó, do đầu ra cũng bị đứt gãy, DN phải giảm lao động. 

 

Khi khôi phục dần sản xuất thì DN phải làm sao đó để giữ chân người lao động, để người lao động quay trở lại. Vừa qua tình trạng người lao động “hồi hương”, đồng nghĩa người lao động bỏ xa nơi sản xuất để trở về quê hương với mong muốn an toàn hơn. Tuy nhiên, người lao động vẫn cần việc làm, vẫn cần kiếm tiền để nuôi sống họ và gia đình của họ. Ngược lại, DN cũng cần tạo ra việc làm để duy trì sản xuất cũng như trả lương cho người lao động, tạo ra những chiến lược hút người lao động. Đây cũng là điều kiện giữa DN và người lao động. Mặc dù bùng lên đợt “hồi hương” nhưng quan điểm cá nhân tôi cho rằng, không mạnh bằng lực hút người lao động trở về làm việc như tôi phân tích ở trên. 

Lao động là tài sản của DN, dù sản xuất hay dịch vụ đều có văn hóa riêng. Khi người lao động đã làm ở DN mình rồi, đã quen thuộc với các thức điều hành thì sẽ tạo cho DN sự nhuần nhuyễn trong điều hành sản xuất kinh doanh. Trong lúc này, DN rất cần điểm nhấn trong chính sách khác với giai đoạn trước khi có dịch bệnh để hấp dẫn, tạo nên niềm tin cho người lao động. DN cùng người lao động tổ chức sản xuất kinh doanh, cùng  vượt lên, qua đó tạo nên việc làm cho người lao động. Mối quan hệ này không đơn thuần chỉ là quan hệ giữa chủ DN và người lao động mà nó cần hàm chứa sự hợp tác lúc khó khăn nữa.

Hiện nay, hệ thống pháp luật  và những chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn trong COVID rất nhiều, phủ rất rộng, từ lĩnh vực bảo hiểm, thuế, tiền thuê đất, thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng, … phủ tương đối rộng mọi mặt đời sống của DN và người lao động trong DN. Vì thế DN cần tìm hiểu rất kỹ và phải hành động quyết liệt để làm sao thụ hưởng được sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước.

Cuối cùng, DN cần phải có niềm tin tiến lên phía trước. Nếu không có niềm tin, người doanh nhân “thiếu lửa” thì không thể phát triển được, đặc biệt trong lúc khó khăn. Hoàn cảnh khó khăn là phép thử cho bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam. Từ đó cũng thấy vị trí của DN trên thương trường, tạo điều kiện thuận lợi cho người làm kinh doanh có “chiều dài, chiều sâu”, đặc biệt là đối với khu vực DN tư nhân. 

Là người đồng hành với cộng đồng doanh nhân tư nhân từ nhiệm kỳ thứ nhất của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đến nay, ông có thể cho biết khu vực kinh tế tư nhân còn gặp những rào cản, khó khăn nào? Trên cương vị là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư kí, ông có đề xuất gì với Chính phủ để hướng tới một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tư nhân phát triển?

TS. Tô Hoài Nam: Ngoài những chính sách vĩ mô, tài khoá như giãn, hoãn, miễm thuế, phí, bảo hiểm, các chính sách hỗ trợ tín dụng…v.v. Việt Nam rất cần phải tiếp tục hoàn thiện một số nhóm biện pháp cấp bách trong thời gian tới để ngăn chặn suy giảm và kích thích phục hồi kinh tế.

Thứ nhất, cần xác định ưu tiên hàng đầu là chuyển nhanh từ mục tiêu tăng trưởng kinh tế sang mục tiêu ổn định vĩ mô và tạo việc làm.

Nếu giữ ổn định được vĩ mô, tức là giữ được nền tảng quan trọng để tạo nên các cơ hội, điều kiện và môi trường tạo tiền đề cho sự phục hồi phát triển của cộng đồng kinh doanh. Theo đó sẽ tạo đà cho phát triển kinh tế những năm tiếp theo. Thống kê chưa đầy đủ đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động bất lợi đến khoảng 30 triệu lao động và  gần 8 triệu người mất việc làm. Vì vậy, khuyến khích mọi hình thức tạo việc làm là bài toán an sinh xã hội cho hàng chục triệu lao động và gia đình của họ, chúng ta không thể  xem nhẹ, hay do dự, chậm trễ trong mục tiêu này. Trong bối cảnh trước mắt, tạo việc làm để đảm bảo an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội có nhiều ý nghĩ hơn tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, rất cần một gói kích thích kinh tế để ngăn chặn suy giảm, nhưng phải thay đổi chiến thuật từ  “một mũi tên trúng nhiều mục tiêu” của các gói kích thích kinh tế những năm trước.  Chúng ta phải thiết kế cẩn trọng hơn với phương châm “một mũi tên chỉ cần trúng một mục tiêu”, điều này sẽ an toàn hơn cho việc kiểm soát lạm phát. 

Thứ ba, tiếp tục đấy mạnh, hoàn thiện thể chế kinh doanh, trong đó tăng cường tư pháp và thực thi pháp luật được coi là biện pháp trung tâm của cải cách môi trường pháp lý kinh doanh. Bởi lẽ, kinh doanh và kinh tế thị trường đòi hỏi sự chắc chắn của pháp luật. Môi trường pháp lý kinh doanh hiện nay đã bao trùm, gắn chặt và tác động tới doanh nghiệp cả về mặt tổ chức và hoạt động và  cả việc giải quyết những vướng mắc, tranh chấp của doanh nghiệp với mọi chủ thể. Và sự chắc chắn của pháp luật hiểu theo nghĩa doanh nghiệp mong muốn, là chỉ cần làm đúng quy định pháp luật khi thực hiện một dự án, hay đăng ký sản phẩm, hoặc thực hiện một TTHC là yên tâm chờ đợi kết quả. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam trong nhiều trường hợp không phải như vậy. Đây cũng chính là “nút thắt” về thể chế cần phải giải toả. 

Thứ tư, tăng cường ưu tiên đầu tư công vào lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ hải sản, du lịch, chế biến chế tạo và cơ sở hạ tầng thuỷ lợi, giao thông nông thôn. Trong nhiều nghiên cứu định lượng cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ-hải sản, du lịch, chế biến chế tạo và cơ sở hạ tầng thuỷ lợi, giao thông nông thôn có hiệu ứng liên kết rất cao, nếu được tập trung đầu tư  sẽ giải phóng được nhiều nhất sức sản xuất cho các doanh nghiệp nội địa. Qua đó sẽ tạo được sự lan toả đến nhiều lĩnh vực khác. Tất nhiên, để đảm bảo hiệu quả, chính sách sẽ được thiết kế cẩn trọng với những tiêu chí cụ thể về tính công khai, minh bạch cùng với cơ chế giám sát, đánh giá.

Thứ năm, rất cần một chính sách hỗ trợ mua bán trực tuyến dành riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ và tiểu thương để giúp họ thích ứng với sự thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng của khách hàng, bạn hàng từ giao dịch mua, bán hàng hoá trực tiếp sang  online, để giúp họ tồn tại và phát triển.  Đây cũng cần được cân nhắc như một giải pháp đặc biệt, bởi phần lớn các đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ và tiểu thương được xác định là công cụ kinh doanh thoát nghèo. 

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông muốn gửi thông điệp gì tới các doanh nhân, doanh nghiệp?

TS. Tô Hoài Nam: Có thể nói năm nay là một năm rất đặc biệt đối với cộng đồng DN. Bởi vì hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị tác động bởi một điều kiện khách quan rất bất lợi. DN nào cũng gặp khó khăn.

DN tham gia sản xuất kinh doanh, trong quá trình đó đã tạo nên việc làm, đóng thuế cho Nhà nước. Dù DN lớn hay nhỏ, nếu nhìn ở góc độ này đều góp phần vào xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, làm giàu cho đất nước. Chính vì vậy, DN Việt Nam cần tự hào vì mình là thành phần quan trọng để xây dựng đất nước. Đảng và Nhà nước đã nhìn thấy được điều đó.

Những năm gần đây, thông qua chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật, Đảng và Nhà nước ngày càng đề cao DN, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Đơn cử như các Nghị quyết về kinh tế tư nhân, các DN kinh tế tư nhân đều được đề cao. Thậm chí hộ kinh doanh cũng được đề cao. Đây là nhìn nhận rất đúng đắn, là điều kiện để DN tự tin bước vào kinh doanh, DN có thể thành công ở Việt Nam và sau đó vươn tầm quốc tế.

Trong bối cảnh khó khăn, điều cần nhất là phải quyết liệt hành động để vượt qua. Cụ thể có DN cần mở rộng sản xuất, có DN phải cơ cấu lại ngành hàng của mình, có DN thì phải chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mỗi DN cần chú ý chuyển đổi để phù hợp với điều kiện của mình.

Đối với những yếu tố khách quan như dịch bệnh, thiên tai, DN phải học cách chấp nhận nó, không thể làm gì khác được. Tuy nhiên, DN có thể tìm cách để giảm thiểu tác động bất lợi đối với DN mình và chuẩn bị để “bật dậy”. Niềm tin trong kinh doanh và quyết liệt hành động chính là điều tôi mong muốn từ các DN.

Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ!  

 

An Thảo – Hà Linh (t/h)