Khoảng cách tiêm tăng cường tại các quốc gia châu Á ngày càng tăng cao

21:52 13/01/2022

Trong khi mức độ phủ sóng các mũi tiêm tăng cường Covid-19 của Singapore đạt gần 50% dân số thì khoảng cách này tại châu Á ngày càng giãn rộng.

Singapore dẫn đầu khu vực trong giai đoạn tiêm chủng lần thứ ba
Singapore dẫn đầu khu vực trong giai đoạn tiêm chủng lần thứ ba. (Ảnh: Our World in Data)

Hiện Đảo quốc Sư tử đã đi đến chặng đường tiêm chủng thứ ba cho gần một nửa dân số, dẫn đầu châu Á về mức độ bao phủ trong bối cảnh khu vực lo ngại làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Omicron gây ra. 

Không chỉ Singapore, rất nhiều chính phủ cũng đang xúc tiến các chương trình vắc xin bổ sung sau loạt bùng phát ở quốc gia phương Tây với hy vọng tránh tái diễn tình trạng phong tỏa diện rộng như năm ngoái. Các biện pháp khuyến khích bao gồm giới hạn thời gian cho các mốc tiêm và rút ngắn khoảng cách sau khi điều chỉnh thời gian chờ.

Tuy nhiên, tương tự như các đợt triển khai tiêm chủng trước đây, tốc độ tiếp cận ở mỗi quốc gia đều khác nhau khiến toàn khu vực phải đối mặt với thách thức lớn hơn, đòi hỏi nguồn cung dồi dào. Số liệu do Singapore công bố trong hôm thứ tư vừa qua cho thấy 48% trên tổng dân số khoảng 5,4 triệu người tại đây đã tiêm mũi tăng cường, đưa quốc gia công nghệ trở thành cái tên đầu tiên cán mốc 50%. Đáng chú ý, theo số liệu của Our World in Data, chỉ có số ít các quốc gia trên thế giới bao gồm Chile, Đan Mạch, Vương quốc Anh, Bahrain và Israel có được thành tựu như trên. 

Được biết, Singapore bắt đầu chiến dịch tiêm bổ sung cho người cao tuổi kể từ tháng 9, và đây cũng là nước đầu tiên áp dụng cách phân chia này. Kể từ đó, chính phủ đã kêu gọi người dân tiếp tục đi tiêm vắc xin Moderna hoặc Pfizer để tăng cường bảo vệ sức khỏe. Sang tháng tới, cơ quan chức năng dự kiến sẽ gia tăng áp lực. Từ ngày 14/2, người dân sẽ buộc phải tiêm phòng nhắc lại, duy trì trạng thái "tiêm đầy đủ" để được vào siêu thị, nhà hàng, thậm chí đến văn phòng làm việc. Khoảng cách tối đa giữa mũi thứ hai và thứ ba là 270 ngày, quá thời hạn trên sẽ bị hủy giấy chứng nhận tiêm chủng.

Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung chia sẻ việc thiết lập thời hạn tiêm vắc xin sẽ gửi "tín hiệu mạnh mẽ" đến người dân, giúp họ đi tiêm kịp thời. Chính phủ đặt mục tiêu giảm thiểu hạn chế cục bộ làm ảnh hưởng quá trình phục hồi kinh tế. Theo ông Ong, thắt chặt hạn chế sẽ là biện pháp cuối cùng.

Hàn Quốc, quốc gia có dân số lớn hơn nhiều với khoảng 51 triệu người, đã tăng tốc tiêm phòng lên khoảng 42% vào thứ hai. Cũng giống như Singapore, chính phủ xứ sở Kim Chi đã ấn định thời hạn vắc xin có hiệu lực là sáu tháng. Người dân nước này đã đổ xô đi tiêm chủng để không bị phạt. Malaysia có khởi đầu tương đối thuận lợi với 25% dân số đã tiêm nhắc lại. Con số này cao hơn Mỹ là 23%. Vào cuối tháng 12, Malaysia đã cắt giảm khoảng cách giữa liều chính và đợt tăng cường xuống còn ba tháng so với sáu tháng trước đó.

Nghiên cứu từ nhiều quốc gia, tổ chức chỉ ra rằng tiêm bổ sung giúp giảm nguy cơ lây nhiễm, bệnh trở nặng, hứa hẹn "hàng rào bảo vệ" tốt hơn chống lại chủng Omicron. Tổ chức Y tế Thế giới lưu ý trong một báo cáo hàng tuần vào thứ ba: "Trong khi tiêm chủng tăng cường dường như đã cải thiện hiệu quả của vắc xin, chúng ta vẫn cần có thêm dữ liệu để đánh giá mức độ và thời gian bảo vệ".

Biến chủng Omicron hiện đang hoành hành ở Mỹ và Châu Âu. Hôm thứ hai, một quan chức WHO cảnh báo biến thể này có thể lây nhiễm cho hơn 50% dân số châu Âu trong vòng sáu đến tám tuần tới nếu tốc độ lây truyền không suy giảm. Ở châu Á, chính sách kiểm soát biên giới nghiêm ngặt và bắt buộc đeo khẩu trang trộng rãi đã làm trì hoãn đường lây lan của vi rút. Nhưng số ca bệnh đang dần tăng trở lại, làm dấy lên lo ngại về một làn sóng dịch bệnh mới.

Nhiều quốc gia chấu Á vẫn đang trong giai đoạn đầu của chương trình tiêm tăng cường. Indonesia bắt tay triển khai kế hoạch với vắc xin Sinovac, AstraZeneca, Pfizer và Zifivax. Philippines là quốc gia ghi nhận số ca mắc hàng ngày cao kỷ lục trong tháng, tăng 3,9 triệu người với tổng dân số 110 triệu dân. Ít hơn một nửa số người dân nước này hoàn thành tiêm chủng đầy đủ. Với kế hoạch mới, Philippines sử dụng kết hợp Sinovac và ba thương hiệu phương Tây là Pfizer, Moderna và AstraZeneca.

Nhật Bản tức tốc đẩy nhanh các đợt tiêm bổ sung khi mức lây lan tăng cao nhất kể từ tháng 9/2021. Hiện nước này chỉ đạt 0,8% dân số, tức 951.054 người đã tiếp cận mũi thứ ba. Ưu tiên hàng đầu là tiêm chủng cho những người từ 65 tuổi trở lên hoặc những ai dễ bị tổn thương. Để đối phó với Omicron, chính phủ đã rút ngắn lịch tiêm cho người cao tuổi xuống còn sáu tháng sau liều thứ hai. Điều này có nghĩa là hầu hết những người cao niên sẽ đủ điều kiện tiêm trong tháng này, thay vì phải đợi sang tháng hai. Có khoảng 36 triệu người cao tuổi ở Nhật Bản, cùng với khoảng 4 triệu nhân viên y tế nằm trong diện tiêm đầu tiên. 

TL