Hơn 70.000 tài xế ở Anh đã được hãng taxi công nghệ Uber công nhận là nhân viên chính thức

15:57 18/03/2021

Uber lần đầu tiên cấp tư cách nhân viên cho tài xế ở Anh, một trong hàng loạt động thái gần đây của các nước châu Âu trong nỗ lực tìm kiếm quyền lợi công bằng cho những người lao động trong nền kinh tế hợp đồng.

Hãng taxi công nghệ Uber công nhận tài xế là nhân viên chính thức

Hãng taxi công nghệ Uber công nhận tài xế là nhân viên chính thức.

Kể từ 17/3, hơn 70.000 tài xế ở Anh đã được hãng taxi công nghệ Uber công nhận là nhân viên chính thức với các lợi ích bao gồm mức lương tối thiểu. Đây là động thái cấp quyền lợi cho lái xe đầu tiên trên thế giới của gã khổng lồ taxi công nghệ của Mỹ.

Nhiều tuần sau phán quyết của tòa án cấp cao Anh vốn làm rung chuyển 'nền kinh tế hợp đồng' của 5,5 triệu lao động, Uber cho hay các tài xế của hãng cũng sẽ được chi trả lương cho kỳ nghỉ và lương hưu. Trước đó, các tài xế Uber được coi là lao động tự do, tức là theo luật họ chỉ được bảo vệ quyền lợi ở mức tối thiểu.

Đó là sự thay đổi lớn trong mô hình kinh doanh của công ty vốn tranh cãi trước Tòa án tối cao Anh rằng các tài xế của họ là lao động tự do. Uber nói: 'Kể từ ngày 17-3, hơn 70.000 tài xế tại Anh sẽ được coi là người lao động, có được nguồn thu nhập thấp nhất bằng mức lương tối thiểu quốc gia khi lái xe cho Uber'. Theo Uber, đây là mức thu nhập sàn chứ không phải mức trần, các tài xế có thể kiếm được nhiều hơn nữa.

Trước đó, ngày 19/2, Tòa án Tối cao Anh ra phán quyết yêu cầu Uber phải coi các tài xế là nhân viên chính thức, qua đó phải được nhận các quyền cơ bản của người lao động . Theo như dư luận Anh, phán quyết này của tòa án đã làm rung chuyển "nền kinh tế hợp đồng" ở nước này.

Vụ kiện ban đầu chống lại Uber được đưa ra vào năm 2016 bởi hai tài xế của công ty. Các tài xế lập luận rằng, Uber kiểm soát gần như tất cả khía cạnh trong điều kiện làm việc, tức là đóng vai trò người sử dụng lao động. Tòa án đã bác bỏ kháng cáo của Uber và giữ nguyên phán quyết của các tòa áp cấp dưới đưa ra vào năm 2016, 2017 và 2018. Phán quyết ngày 19/2 của Tòa án Tối cao Anh được cho là đặt dấu chấm hết cho mọi nỗ lực chống đối của Uber.

Đây được xem là một chiến thắng lớn với người lao động tại Anh, trong khi tiếp tục là một cú đánh mới vào các tập đoàn kinh doanh dựa trên công nghệ theo mô hình kinh tế Gig economy. Đây là mô hình nền kinh tế dựa trên nền tảng cung ứng dịch vụ của các lao động tự do, những người làm việc trong những vị trí tạm thời và linh hoạt, không chịu sự kiểm soát khắt khe của người thuê lao động, chấp nhận không hưởng lương thường xuyên và các chế độ phúc lợi từ người thuê lao động, gọi nôm na là nền kinh tế hợp đồng. Phán quyết được cho là có thể có tác động đáng kể đến khoảng 4,7 triệu người lao động trong nền kinh tế hợp đồng của Anh, từ những gã khổng lồ công nghệ như Uber và công ty giao đồ ăn Deliveroo cho đến các tên tuổi nhỏ hơn.

Mức lương tối thiểu ở Anh sẽ tăng nhẹ lên 8,91 bảng Anh (12,37 USD) mỗi giờ kể từ tháng 4/2021. Theo Uber, các tài xế trung bình kiếm được 17 bảng Anh/giờ ở London và 14 bảng Anh/giờ ở các khu vực khác tại “xứ sở sương mù”.

Anh là thị trường nước ngoài lớn nhất của Uber. Vụ việc thua kiện của nền tảng này tại Anh được cho là có thể tạo một hiệu ứng lan toả rộng hơn, ở phạm vi khu vực hay thế giới, thậm chí không chỉ tác động tới Uber mà tới cả nền kinh tế Gig economy. Đây cũng là một trong hàng loạt động thái gần đây của các nước châu Âu trong nỗ lực tìm kiếm quyền lợi công bằng cho những người lao động trong nền kinh tế hợp đồng.

B.B