Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Quảng Bình đồng hành với nạn nhân chất độc da cam

11:22 12/04/2021

Trong nhiều năm qua, cùng với việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước, có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, Hội Nạn nhân da cam/Dioxin Quảng Bình được thành lập và từng bước đã làm tròn trọng trách đó.

 

Ông Nguyễn Quốc Trị, Chủ tịch Hội Nạn nhân dacam/Dioxin Quảng Bình

Trong cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, Quảng Bình là địa phương tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam. Mãnh đất này đã tiễn đưa hàng vạn người con ưu tú tham gia lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vào Nam chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong số đó, có nhiều người đã anh dũng hi sinh nằm lại chiến trường, hàng nghìn người mang trên mình nhiều thương tích, bệnh tật. Có khoảng 15 nghìn người bị phơi nhiễm chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Nhiều năm qua, cùng với Sở Lao động Thương binh và xã hội, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Hội nạn nhân chất độc dacam/Dioxin Quảng Bình và các ngành có liên quan, tỉnh đã giải quyết chế độ cho 5.212 người, trong đó có trên 3 nghìn người trực tiếp chiến đấu, hơn 2 nghìn người là con của người tham gia kháng chiến, số còn lại do không đủ giấy tờ, vì vậy chưa được xem xét giám định để giải quyết chế độ. Sau Hội nạn nhân dacam/Dioxin Việt Nam được tành lập, ngày 25/11/2009, Hội nạn nhân dacam/Dioxin Quảng Bình chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Hội là tổ chức xã hội nhằm đoàn kết, tập hợp nạn nhân bị tổn thương vì chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và tổ chức, công dân Việt Nam tự nguyện tham gia tích cực, khắc phục hậu quả chất độc dacam/Dioxin, góp phần vào sự nghiệp phát triển Kinh tế - Văn hóa, xã hội của tỉnh Quảng Bình.

Đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình tặng quà cho các nạn nhân dacam/Dioxin

Với tinh thần “Đoàn kết – Nghĩa tình – Trách nhiệm – Vì nạn nhân chất độc da cam”, Hội nạn nhân chất độc dacam/Dioxin đã tập trung chăm lo xây dựng, phát triển cũng cố tổ chức Hội, triển khai toàn diện các mặt công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trở thành chỗ dựa vững chắc, là “Tổ ấm tình thương” của các nạn nhân chất độc dacam trong tỉnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Trị, Chủ tịch Hội dacam/Dioxin Quảng Bình chia sẽ: “Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ và họ đang rất cần sự cảm thông, chia sẽ, động viên, giúp đỡ của cộng đồng trong nước và bạn bè Quốc tế”. Từ ngày đi vào hoạt động đến nay, Hội nạn nhân chất độc dacam/Dioxin Quảng Bình phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân trong tỉnh, trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài cũng như bạn bè Quốc tế hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh  hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là tàn bạo, dã man, gây nên thảm họa da cam lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam. Công cuộc khắc phục hậu quả thảm họa da cam ở Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng.

Những năm qua, hoạt động của các cấp hội, nhất là công tác xây dựng tổ chức, tập hợp hội viên, vận động các nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân được đẩy mạnh. Đến nay, tổ chức Hội đã được thành lập ở 8/8 huyện, thành phố, thị xã; 137/159 xã, phường, thị trấn có chi hội. Theo số liệu của Hội nạn nhân chất độc dacam/Dioxin Quảng Bình, nhiều năm qua được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, Hội CCB, tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ cùng với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, Hội nạn nhân chất độc dacam/Dioxin Quảng Bình đã đầu tư trên 13 tỷ đồng để xây dựng nhà ở, nhà tẩy độc cho nạn nhân. Từ ngày đưa Trung tâm tẩy độc đi vào hoạt động (tháng 4/2016) đến nay đã tẩy độc cho 1.027 nạn nhân với 59 đợt xông hơi, tẩy độc tập trung. 

Xác định vận động nguồn lực để chăm sóc nạn nhân da cam là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của Hội, các cấp Hội từ tỉnh xuống đến hội cơ sở đã chủ động triển khai bằng nhiều hình thức để vận động nguồn lực như: Tham mưu cho Cấp ủy, chính quyền cho chủ trương để vận động các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng quỹ nạn nhân chất độc dacam/Dioxin. Tính đến hết tháng 9/2019, các cấp hội trong tỉnh đã vận động được trên 46 tỷ đồng. Chi quỹ để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân trên 40 tỷ đồng. Trong đó xây mới và sửa chữa nhà trên 5 tỷ đồng. Hỗ trợ sản xuất và học nghề 1.773 triệu đồng, hỗ trợ tẩy độc trên 2 tỷ đồng, xây dựng Trung tâm bán trú trên 13 tỷ đồng. Số tiền còn lại, các cấp Hội chi vào việc tặng quà nhân ngày Lễ, Tết. Tặng học bỗng cho các cháu là con của nạn nhân. Khám, chữa bệnh cấp thuốc miễn phí; thăm ốm đau và viếng nạn nhân qua đời; Trợ cấp khó khăn và hỗ trợ bão lụt; chi quản lý quỹ và công tác tuyên truyền vận động quỹ…

Xác định hoạt động đối ngoại là một nhiệm vụ quan trọng, nên từ ngày thành lập Hội đến nay, Hội đã đẩy mạnh các hoạt động như gửi thư kêu gọi hội đồng hương con em Quảng Bình đang sinh sống tại các nước Cộng hòa Séc, Liên bang Đức, Thái Lan…và đã quyên góp tiền ủng hộ nạn nhân trên 700 triệu đồng. Hội cũng đã phối hợp chặt chẽ với Sở Ngoại vụ, tổ chức nhiều đoàn nước ngoài đến làm việc với Hội để tiếp nhận tiền và hiện vật ủng hộ nạn nhân chất độc da cam.

Từ phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”, những năm qua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến với nhiều đối tượng khác nhau, như: cán bộ làm công tác Hội, hội viên, nạn nhân vượt khó, người chăm sóc nạn nhân, các nhà tài trợ, các cơ quan, đơn vị, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, mặt trận và các đoàn thể… Nhiều năm qua, với những cố gắng của mình, Hội nạn nhân dacam/Dioxin Quảng Bình đã được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của Trung ương Hội và UNND tỉnh. 15 bằng khen của Trung ương Hội và 10 bằng khen của UBND tỉnh Quảng Bình đã được trao cho các tập thể và cá nhân xuất sắc. Tỉnh hội cũng đã tặng trên 1000 giấy khen cho tập thể và cá nhân thuộc các Hội huyện, thị xã trong tỉnh.

Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai! Đó là nỗi đau của cả dân tộc và cả nhân loại. Chung tay xoa dịu nỗi đau là trách nhiệm của cả cộng đồng. Hơn ai hết, Hội nạn nhân chất độc dacam/Dioxin Quảng Bình đã làm tốt hơn thế trong những năm vừa qua. 

Trọng Lãnh