Hòa Bình: Doanh nghiệp là lực lượng tiên phong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội

00:00 12/10/2020

Trong những năm qua, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chịu áp lực của cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng, đặc biệt là hậu quả của dịch bệnh Covid 19. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng phấn đấu, đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Được sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh cùng các cấp, các ngành đã tạo điều kiện về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, môi trường pháp lý, chính sách tín dụng, công tác đào tạo nguồn nhân lực và các dịch vụ công, thuộc lĩnh vực ngành, là việc làm rất thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện tốt những định hướng xây dựng phát triển. Từ những chủ trương, chính sách đúng đắn của cấp ủy Đảng, chính quyền đã làm cho Hòa Bình trở thành tâm điểm của các dự án đầu tư lớn. Nhiều nhà đầu tư, Tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh Hòa Bình. Nhiều dự án, trung tâm thương mại, khu đô thị lớn, đã hoàn thành và đang được đầu tư tại thành phố Hòa Bình, huyện Kỳ Sơn (cũ), Lương Sơn, Khu du lịch lòng hồ sông Đà… , các dự án nông nghiệp công nghệ cao được triển khai đạt hiệu quả. Đến nay các doanh nghiệp trong tỉnh đã yên tâm, mạnh dạn đầu tư nhiều dự án quan trọng như các dự án của Công ty Sao Vàng, Định Nhuận, Hoàng Sơn, Mỹ Phong, Hùng Mạnh...

Hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2016 - 2019 và 6 tháng năm 2020, có 1.586 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, gấp 1,21 lần so với giai đoạn 2011-2015; các chỉ tiêu về đăng ký doanh nghiệp đạt khá so với cùng kỳ, như: tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 27.545 tỷ đồng, vốn điều lệ đăng ký bình quân/1 doanh nghiệp đạt trên 17,3 tỷ đồng, tăng 8,9 tỷ đồng/doanh nghiệp so với giai đoạn 2011-2015. Ước tính giao đoạn 2016 đến hết năm 2020 trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.796 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn điều lệ đăng ký ước đạt 31.500 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2020 toàn tỉnh  có khoảng 4.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, với số vốn đăng ký khoảng 49.000 tỷ đông. Số doanh nghiệp hoạt động khoảng 2.800 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp quy mô lớn khoảng 2% còn lại là doanh nghiệp có quy mô vừa, quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Trao Cúp cho các doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Hòa Bình

Trong giai đoạn 2016 - 2020, mức đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã huy động được trong 5 năm đạt khoảng 80.630 tỷ đồng, bình quân hàng năm đạt 16.126 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư khu vực nhà nước chiếm tỷ lệ khoảng 33%; vốn đầu tư của người dân và doanh nghiệp dân doanh chiếm tỷ lệ khoảng 60%; còn lại khu vực có vốn FDI chiếm khoảng 7%. Những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đã được Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình đánh giá cao và coi là lực lượng chủ lực để phát triển kinh tế của tỉnh.

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp của tỉnh Hòa Bình có quy mô vừa và nhỏ, quy mô, năng lực sản xuất còn nhỏ bé, tính cạnh tranh chưa cao; ít sản phẩm xuất khẩu, chưa nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng lợi thế so sánh của tỉnh như nông nghiệp, du lịch. Trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý của chủ doanh nghiệp nhìn chung chưa cơ bản, chất lượng công nhân lao động thấp. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang đứng trước sức ép cạnh tranh gay gắt trong quá hội nhập ngày càng sâu rộng đang diễn ra…Đó là những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh.

Nhà máy may của Công ty CP Lạc Thủy tại xã Cố Nghĩa giải quyết việc làm cho trên 600 lao động địa phương, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII đặt mục tiêu: “Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 có thêm 2.500 doanh nghiệp, HTX thành lập mới, có khoảng 5.000 doanh nghiệp, HTX hoạt động kinh doanh hiệu quả, tăng gấp đôi so với năm 2020”; thu ngân sách đạt 10.000 tỷ đồng vào năm 2025…. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu cao độ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh.

Theo ông Bùi Văn Tỉnh- Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình: “Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh cần nhanh chóng thay đổi tư duy, nắm bắt thời cơ vận hội, chủ động đổi mới để hội nhập. Các doanh nghiệp cần rà soát, tự cơ cấu lại bộ máy quản lý, nâng cao năng lực quản trị, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: nông nghiệp công nghệ cao; du lịch, dịch vụ; tăng cường liên kết, hợp tác để vượt qua khó khăn sản xuất kinh doanh hiệu quả; đẩy mạnh các phong trào thi đua trong lao động, sản xuất, tiết giảm chi phí, hạ giá thành nâng cao chất lượng cạnh tranh của sản phẩm”.

Một dự án đầu tư BĐS nghỉ dưỡng tại tỉnh Hòa Bình

Cũng theo ông Bùi Văn Tỉnh, bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội mới thúc đẩy, sản xuất kinh doanh phát triển, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả, thiết thực cùng các cấp chính quyền chăm lo, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của nhà nước tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư; kịp thời phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền những kiến nghị, đề xuất và biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng và cải thiện môi trường kinh doanh cởi mở, thân thiện, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã xây dựng Chương trình hành động về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu: Tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động của các ngành, các cấp thực hiện chủ trương xuyên suốt là “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”. Xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, có năng lực cạnh tranh cao nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Minh Chính