Hỗ trợ lao động thời Covid, câu chuyện con cá và cần câu
- Vấn đề
- 14:27 29/06/2020
Trong bức tranh của nền kinh tế vĩ mô, các bản tin dự báo còn ảm đạm trong những tháng tới, người lao động sẽ còn chịu nhiều ảnh hưởng từ thu nhập và công ăn việc làm. Nếu rơi vào trường hợp bị thôi việc do doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc phải thay đổi cơ cấu, điểm tựa cho người lao động sẽ nằm ở đâu?
Nhiều doanh nghiệp đã không thể tiếp tục sản xuất do thiếu nguyên liệu hoặc không có đơn hàng xuất khẩu đã bắt đầu cho lao động nghỉ việc theo số lượng lớn. Ảnh minh họa: Minh Khuê.
Từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tổn hại không nhỏ tới đời sống kinh tế, xã hội, an sinh ở nước ta. Ngay cả trong thời điểm hiện tại, khi Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch và không có lây lan trong cộng đồng, các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam như Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước trong Liên minh châu Âu (EU) vẫn tiếp tục phải đóng băng kinh tế tìm cách đối phó với dịch.
Là một nước với độ mở cao bậc nhất thế giới, kinh tế nước ta không khỏi phụ thuộc vào sức khoẻ của các thị trường nước bạn. Ước tính trong 6 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm hơn 7,3% so với cùng kỳ năm trước; 70-80% doanh nghiệp phải cho lao động tạm hoãn hợp đồng, ngừng việc, giãn việc, làm việc luân phiên, tập trung chính ở các ngành du lịch, ăn uống, lưu trú, giáo dục và đào tạo, chế biến, chế tạo, sản xuất.
Trong hai tháng gần đây, nhiều công ty, doanh nghiệp đã không thể tiếp tục sản xuất do thiếu nguyên liệu hoặc không có đơn hàng xuất khẩu đã bắt đầu cho lao động nghỉ việc theo số lượng lớn, điển hình như Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, doanh nghiệp dệt may Huê Phong và doanh nghiệp ngành gỗ Woodworth Wooden.
Con cá to và con cá nhỏ
Khi dự kiến cắt giảm khoảng 2.786 lao động, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã thiết kế chính sách hỗ trợ thôi việc cho các công nhân của mình. Có người nhận được ít, nhưng có người nhận được tới gần 200 triệu tùy thuộc thâm niêm công tác. Nguyên nhân sâu xa của sự chênh lệch này không liên quan đến các quy định của Nhà nước, mà chủ yếu là sự thoả thuận giữa công ty và người lao động.
Trong khuôn khổ quản lý của Nhà nước hiện nay, thị trường lao động đã có những cơ chế giá đỡ phù hợp và hiệu quả cho nhiều trường hợp khác nhau dành cho người lao động. Ví dụ như ốm đau, bệnh tật thì có bảo hiểm y tế; nghỉ hưu thì có bảo hiểm xã hội.
Khi người lao động gặp phải những trường hợp xảy ra ở Công ty PouYuen, giá đỡ quan trọng nhất sẽ là bảo hiểm thất nghiệp, vốn dĩ sẽ đền bù một phần thu nhập cho người lao động, song song với việc tư vấn, giới thiệu việc làm để người lao động có việc làm mới một cách nhanh nhất.
Ở các thị trường càng phát triển, hệ thống bảo hiểm thất nghiệp càng lớn và gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động, đảm bảo vận hành theo cơ chế “hấp thụ sốc tự động".
Vì thế, đối với cơ chế bảo hiểm thất nghiệp, mức chi trả cần được cân đối một cách hợp lý, nếu mức chi trả quá thấp, người lao động sẽ bị ảnh hưởng lớn trong cuộc sống khi mất việc; ngược lại, nếu chi trả quá cao, người lao động sẽ không có động lực để tìm việc mới. Đây cũng là lí do mà nghiệp vụ bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam được thực hiện tại các trung tâm dịch vụ việc làm địa phương và được gắn với các yêu cầu tìm việc để tạo sự cân bằng cho chính người lao động.
Như vậy, trong một vài trường hợp khi các công ty phá sản có điều kiện để đưa ra những khoản trợ cấp nhất định, nhìn chung thị trường đã có sẵn một cơ chế giá đỡ đảm bảo quyền lợi cho hầu hết người lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Cần câu to và cần câu nhỏ
Khi các ngành giày da, may mặc sẽ còn khó khăn trong thời gian tới thì lực lượng lao động càng dễ bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa: Quốc Hùng.
Tất nhiên, trong câu chuyện hậu Covid-19 và việc sa thải hàng loạt tại các công ty hiện nay, cơ chế bảo hiểm thất nghiệp có thể sẽ không đủ để hỗ trợ người lao động, chủ yếu vì việc tìm kiếm một công việc mới có thể đặc biệt khó khăn.
Ví dụ như tại công ty PouYuen ở trên. Đây là một công ty có vốn đầu tư nước ngoài xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1996 với ngành nghề chính là sản xuất giày thể thao. Người lao động của công ty bị sa thải tại thời điểm này sẽ chủ yếu có tay nghề thủ công và trình độ thấp.
Thêm vào đó, những người lao động làm việc cho công ty từ những ngày đầu tính đến nay đã vào độ tuổi 40-45, không phải một độ tuổi thích hợp để bắt đầu một nghề mới đối với hầu hết mọi người. Trong bối cảnh kinh tế hậu Covid, những người này liệu có thể tìm được một công việc mới?
Trên thực tế, theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam dùng khoảng 67,3% lao động là không có bằng cấp, chứng chỉ, trình độ; khoảng 73,4% lao động trong các doanh nghiệp này có độ tuổi dưới 35 và số lao động được đào tạo tại doanh nghiệp trong khối FDI chỉ là 0,78%.
Trong khi các ngành giày da, may mặc sẽ còn khó khăn trong thời gian tới thì lực lượng lao động càng dễ bị ảnh hưởng, dễ bị mất việc làm, mất thu nhập và thách thức nặng nề nhất hiện nay là làm sao để họ có việc làm mới.
Trong khi đó, theo một báo cáo khác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong vòng 2 tháng qua theo đà tăng trưởng của một số ngành và việc thu hút FDI, rất nhiều việc làm mới đã được mở ra. Ước tính khoảng 31.000 lao động đang được tuyển dụng trong ngành lắp rắp linh kiện điện tử, nổi bật là ở các công ty như Lyxshare-ICT Việt Nam, Hồng Hải, Canon và Samsung; ngành thương mại điện tử, du lịch, dịch vụ cũng thấy được đà nhu cầu tuyển dụng đang có chiều hướng đi lên.
Điều đáng nói ở đây là sự chênh lệch về cung - cầu lao động, khi một số ngành tiếp tục sa thải lao động vì không thể duy trì, một số ngành khác lại không thể tìm được lao động để tuyển dụng. Đây là một thất bại của thị trường mà trong bối cảnh hiện nay, các bộ ban ngành cần có sự tham gia mạnh mẽ để hỗ trợ khắc phục những thất bại này.
Cụ thể, Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần phải quan tâm hơn nữa đến các chính sách, chương trình đào tạo hỗ trợ người lao động chuyển đổi cơ cấu việc làm. Việc đào tạo không chỉ tập trung vào các kỹ năng ngắn hạn phục vụ ngành nghề cụ thể mà cần ưu tiên cả các kỹ năng mềm khác, ví dụ như ngoại ngữ, cách tìm việc, xin việc, kỷ luật và quyền lợi trong lao động...
Hơn thế nữa, các cơ quan chức năng cũng cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường lao động trên toàn quốc và theo từng địa bàn để có chính sách, hành động kịp thời, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thích ứng nhanh nhất có thể với sự thay đổi của dịch tễ và kinh tế vĩ mô; đồng thời cũng cần nghiên cứu, đẩy mạnh hệ thống thông tin thị trường lao động và kết nối cung-cầu trực tuyến.
Khi thị trường đã vận hành được một cách hiệu quả hơn, người lao động có được các công cụ sắc bén hơn, những cú sốc kinh tế chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhỏ hơn đến việc làm, thu nhập của người lao động và an sinh xã hội nói chung.
TS. Nguyễn Xuân Hải
Tin liên quan
Đọc thêm Vấn đề
Xuất khẩu gạo có nhiều cơ hội tăng cả về sản lượng lẫn giá bán trong năm 2021
Ngay trong những ngày đầu tháng 1, các đơn hàng xuất khẩu gạo đã được doanh nghiệp xuất đi đã mở ra một khởi đầu thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu trong cả năm 2021.
Kiên Giang: Phát triển nuôi hải sản theo hướng bền vững
Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang phát triển nuôi hải sản biển theo hướng bền vững, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân.
Phát triển sản xuất, chế biến cà phê Việt Nam theo chuỗi giá trị
Để nâng cao giá trị và hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, cần phát triển ngành cà phê Việt Nam theo hướng chuỗi giá trị, tăng cường kết nối sản xuất với thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu,...
Hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử để tạo đà tăng trưởng bùng nổ của hoạt động thương mại điện tử Việt Nam
Thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển nhanh tại Việt Nam bởi vậy cần hoàn thiện pháp luật TMĐT nhanh chóng, để các cá nhân, doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh lâu dài và an toàn.
Kịch bản và triển vọng kinh tế năm 2021: Cải cách, hội nhập và phát triển bền vững
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã dự báo năm 2021 kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng theo 2 kịch bản. Kịch bản 1 tăng trưởng đạt mức 5,98%. Kịch bản 2 tăng trưởng đạt 6,46%.
Việt Nam tiếp tục là "ngôi sao đang lên", trung tâm của chuỗi cung ứng châu Á
Đó là nhận định của Bộ phận phân tích thông tin EIU (Economist Intelligence Unit) trong báo cáo đánh giá về Việt Nam mới đây.
Ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt: Người dân phải "sống chung với rác" đến bao giờ?
Những năm gần đây, bãi rác tổ dân phố 17, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều hộ dân sinh sống gần đó.
Không mua điện Trung Quốc trong năm 2021 để giải tỏa công suất điện mặt trời
Đây là thông tin này được ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết tại Hội nghị tổng kết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây.
Xúc tiến thương mại trên môi trường mạng cần hỗ trợ khu vực trưng bày, giới thiệu hàng hóa
Bộ Công Thương mới ban hành Thông tư 40/2020/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2019/TT-BCT, hướng dẫn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) phát triển ngoại thương, thuộc Chương trình cấp quốc gia về XTTM.
Phá bỏ nhiều “rào cản” trong lĩnh vực dược – mỹ phẩm và an toàn thực phẩm
Bộ Y tế đã bãi bỏ số lượng kỷ lục các văn bản quy phạm pháp luật, làm lợi cho các doanh nghiệp 2,4 triệu ngày công và 625 tỷ đồng mỗi năm.