Nhóm hàng xuất nhập khẩu đóng góp lớn vào nguồn thu chiếm 54,5% tổng số thu ngân sách của Hải quan Hải Phòng. Cụ thể gồm: máy móc, thiết bị 9.319 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ 2021; ô tô nguyên chiếc 8.510 tỷ đồng, tăng 2,1%; sắt thép 4.487,5 tỷ đồng, tăng 41,6%; xăng dầu 2.248 tỷ đồng, tăng 70,6%. Ngoài ra còn nhiều nhóm hàng nhập khẩu đóng góp nguồn thu hàng trăm tỷ đồng/nhóm hàng, như: bánh kẹo và đường 480,5 tỷ đồng; đồ nội thất 330,5 tỷ đồng; thực phẩm 298,4 tỷ đồng; bia rượu 287,85 tỷ đồng.
Trong số thu được hơn 52.029 tỷ đồng trong 8 tháng năm 2022, Cục Hải quan Hải Phòng đã đạt 77,6% chỉ tiêu Tổng cục Hải quan giao (67.050 tỷ đồng), tăng gần 7.473 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tháng 8 thu được gần 6.966 tỷ đồng tăng 8,1% so với tháng trước. Đến nay 100% thuế, phí, lệ phí hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua hải quan Hải Phòng đều được thực hiện bằng phương thức điện tử tiên tiến.
Như vậy, với mức thu bình quân như 8 tháng đầu năm thì năm 2022, Hải quan Hải Phòng thu ngân sách sẽ vượt mốc 70.000 tỷ đồng/năm. Đây là con số rất khả thi mà nhiều năm chưa đạt được (năm 2019 đạt 68.655 tỷ đồng, năm 2021 đạt 66.363 tỷ đồng).
Để đạt được kết quả trên, Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, đó là nhờ vào việc cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng số hóa, cụ thể như Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Hải quan số, Hải quan thông minh, thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu qua hệ thống thông quan tự động Vnaccs/Vcis ... Tạo thuận lợi, nhanh chóng cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, giảm tối đa chi phí và rút ngắn thời gian thông quan.
Phạm Hường