Quý I/2023 của Công ty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR/UPCoM) diễn ra như những gì được dự báo trước về một kỳ kinh doanh sụt giảm sau kết quả kỷ lục năm 2022. Nhưng với việc đặt mục tiêu giảm mạnh từ ĐHĐCĐ thường niên 2023, doanh nghiệp gần hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau một quý.
Cụ thể, quý I, BSR ghi nhận doanh thu giảm 2%, còn hơn 34 ngàn tỷ đồng. Giá vốn cũng giảm nhẹ 1%, còn gần 32 nghìn tỷ đồng. Do mức giảm doanh thu mạnh hơn giá vốn, lãi gộp của doanh nghiệp còn hơn 2 ngàn tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 21%.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh lên gần 810 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí tài chính gấp 3, tăng lên gần 639 tỷ đồng. Hai hạng mục chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng, lần lượt đạt hơn 325 tỷ đồng và gần 89 tỷ đồng. Kết quả, lãi ròng của BSR giảm 30% so với quý I/2022, còn gần 1,63 nghìn tỷ đồng.
Trên thực tế, kết quả kinh doanh sụt giảm là điều BSR đã dự báo trước sau một năm đạt kết quả kỷ lục, qua đó khiến doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế giảm mạnh so với thực hiện năm cũ, lần lượt hơn 95,6 nghìn tỷ đồng và gần 1.63 ngàn tỷ đồng. Chiếu theo kế hoạch này, doanh nghiệp đã thực hiện được 35,6% kế hoạch doanh thu, và gần như hoàn thành mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm (99,5%) chỉ sau quý I.
Kết thúc quý I/2023, tổng tài sản của BSR giảm 8% so với đầu năm, còn hơn 72,3 nghìn tỷ đồng. Doanh nghiệp nắm giữ gần 21,7 nghìn tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương (tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng), cùng hơn 6,87 nghìn tỷ đồng dưới dạng tiền gửi kỳ hạn trên 3, dưới 1 năm. Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ ghi nhận hơn 10,8 nghìn tỷ đồng, giảm 35% so với đầu năm. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần như đi ngang, ghi nhận 1,28 nghìn tỷ đồng, với gần 1,1 nghìn tỷ dành cho chi phí dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Tại Đại hội cổ đông thường niên, diễn ra vào ngày 13/4 vừa qua, lãnh đạo BSR đã đánh giá về những khó khăn Công ty sẽ gặp phải trong năm 2023, như thuế nhập khẩu xăng giảm từ 8% xuống còn 5%, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm của BSR. Trong khi đó, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 5% lên 10%, khiến lợi nhuận của BSR có thể giảm. Lạm phát tại các nền kinh tế lớn trên thế giới đang ở mức rất cao và Việt Nam có nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ nước ngoài khi nhiều sản phẩm trong nước phụ thuộc vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu…
Tuy vậy, theo BSR, chênh lệch giá dầu thô và sản phẩm trung bình các tháng đầu năm 2023 vẫn còn là lợi thế, nhu cầu dầu thô còn tăng cao do bất ổn địa chính trị và cân bằng cung cầu dầu thô chưa được thiết lập. Công ty đang đẩy mạnh quản trị biến động, ứng phó tốt với các thách thức như căng thẳng địa chính trị, giá dầu vận động khó dự báo…
Việc trình kế hoạch kết quả kinh doanh thấp nhằm dự phòng kịch bản khó lường về biến động giá dầu trong năm, với nhiều biến số khó xác định. Còn trên thực tế, Công ty vẫn nỗ lực ở mức cao nhất để gia tăng hiệu quả kinh doanh, đem lại lợi ích lớn cho cổ đông. Điều này thể hiện rõ ở kết quả kinh doanh hai năm qua đều vượt xa kế hoạch đề ra.
P.V (t/h)