Ngày 15/04, HDBank công bố tờ trình miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Tâm – Thành viên HĐQT theo nguyện vọng cá nhân. Để kiện toàn, HDBank trình ĐHĐCĐ thường niên 2023 bầu bổ sung ông Phạm Quốc Thanh – Tổng Giám đốc vào HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027.
Bà Nguyễn Thị Tâm đã đồng hành cũng HDBank 10 năm qua trên nhiều cương vị khác nhau. Bà có đóng góp quan trọng cho HDBank trong hành trình hiện đại hóa ngân hàng. Trong suốt quá trình công tác, bà Tâm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Cùng với việc bà Tâm từ nhiệm, HDBank trình ĐHĐCĐ bầu bổ sung một thành viên HĐQT và ứng viên được đề cử là ông Phạm Quốc Thanh - Tổng Giám đốc HDBank. Ông Thanh sinh năm 1970, cử nhân Tài chính ngân hàng và cử nhân Ngoại ngữ. Ông từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại các ngân hàng như HSBC, ACB, ABBank, Techcombank... trước khi gia nhập HDBank năm 2013.
Từ tháng 3/2020, ông Phạm Quốc Thanh được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc HDBank. Trong hơn 3 năm qua, ông đã dẫn dắt ngân hàng ứng phó linh hoạt, hiệu quả với thách thức do đại dịch và biến động của thị trường để đạt kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, bền vững, chất lượng tài sản và các chỉ tiêu an toàn được đảm bảo tốt so với ngành.
Báo cáo tài chính quý IV/2022 của HDBank ghi nhận, với toàn bộ các chỉ tiêu tăng trưởng cao, hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra.
Tổng thu nhập hoạt động quý IV đạt 5.869 tỷ đồng, tăng 26,8% so với quý IV/2021 và lũy kế cả năm 2022 đạt 21.967 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 29,7%, thu thuần từ dịch vụ tăng 53,4%. Chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng phù hợp kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế đạt 10.268 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng này. Các chỉ tiêu ROAE đạt 23,5%, ROAA đạt 2,1%, hệ số an toàn vốn CAR đạt hơn 13,4% nằm trong nhóm cao dẫn đầu toàn ngành.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của HDBank lần đầu vượt mốc 416 nghìn tỷ đồng. Huy động vốn đạt 366 nghìn tỷ đồng, trong đó tiền gửi từ tổ chức kinh tế và dân tư đạt 216 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước và gấp gần 3 lần mức tăng toàn ngành (khoảng 6%). Dư nợ đạt hơn 268 nghìn tỷ đồng, tăng trên 25,6% và phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN giao. Tỉ lệ nợ xấu riêng lẻ thấp, chỉ 1,3%. Ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng các lĩnh vực là động lực của nền kinh tế như nông nghiệp nông thôn, tín dụng xanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thương, các chuỗi cung ứng và phân phối.
P.V (t/h)