Hành trình rẽ ngang từ bất động sản sang ngành sữa của Chủ tịch Nutifood Trần Thanh Hải

10:12 12/04/2021

Doanh nhân Trần Thanh Hải - Chủ tịch của Nutifood vốn không phải là một chuyên gia về thực phẩm hay dinh dưỡng. Vài năm trước, ông Hải kinh doanh bất động sản. Khi NutiFood do bà Trần Thị Lệ làm Chủ tịch HĐQT gặp khó khăn, ông Hải bỏ địa ốc tạm thời về làm sữa giúp vợ. Ban đầu, doanh nhân này chỉ định giúp vợ vài năm rồi sau đó quay lại bất động sản nhưng ông Trần Thanh Hải hóm hỉnh chia sẻ rằng, bản thân như bị sữa "bỏ bùa" và chưa biết khi nào sẽ quay lại nghề cũ...

Doanh nhân Trần Thanh Hải. Nguồn ảnh: Internet
Doanh nhân Trần Thanh Hải. Nguồn ảnh: Internet.

Mới đầu Doanh nhân Trần Thanh Hải là một cái tên khá mới ở ngành sữa. Tuy nhiên, trong giới kinh doanh bất động sản, tên tuổi của ông đã được không ít người biết đến ở vai trò Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Đất Thắng, một doanh nghiệp bất động sản với nhiều dự án tại khu vực quận Tân Bình và quận 10, TP.HCM.

Sự khó khăn của thị trường trong mấy năm qua đã khiến nhiều khu đất của Đất Thắng không thể triển khai thành dự án. Tuy nhiên, chiến lược xây nhà hàng trên những khu đất này đã mang lại thành công hơn mong đợi cho ông Hải. Chuỗi nhà hàng sân vườn Mùa Vàng là một ví dụ.

Năm 2007, khi đang là một ngôi sao trên thị trường sữa Việt Nam, NutiFood nuôi một tham vọng lớn hơn. Hãng này nổi lên nhờ hiệu quả từ sản phẩm sữa đặc trị và việc quảng cáo truyền miệng của các mẹ bỉm sữa. Tuy nhiên, họ muốn đi nhanh hơn nên quyết định bắt tay với một đối tác dày dạn thương trường và xây dựng đội ngũ điều hành chuyên nghiệp.

Thế nhưng, việc mở rộng đầu tư rơi vào đúng thời điểm giá nguyên liệu đầu vào của ngành sữa tăng vọt. Cộng với đó là sự thất bại của việc giới thiệu các sản phẩm mới vào đúng lúc nền kinh tế rơi vào khủng hoảng đã đẩy NutiFood rơi vào cảnh thua lỗ. Chưa hết, chiến lược hoạt động của ban điều hành mới lại xa rời giá trị cốt lõi của NutiFood từ thuở thành lập là tập trung vào sản phẩm dinh dưỡng đặc trị.

Chỉ sau 1 năm, theo yêu cầu của HĐQT, bà Trần Thị Lệ quay trở lại với vai trò Tổng giám đốc điều hành và NutiFood bắt đầu có lãi năm 2009, nhưng vẫn chưa bù đắp được khoản lỗ luỹ kế trong nhiều năm sau. Đến năm 2011, các cổ đông lớn dần dần thoái vốn, ông Trần Thanh Hải (chồng bà Lệ - lúc đó vẫn là Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư Đất Thắng) mua lại phần vốn góp, trở thành Chủ tịch HĐQT Nutifood.

Chia sẻ với báo giới, ông Hải nói vui: "Ở nhà tôi không biết làm gì nên vợ kêu lên làm Chủ tịch HĐQT". Trên thực tế, ông Hải đã bán hết các tài sản của mình ở lĩnh vực bất động sản cũng như các nơi khác để lấy tiền mua lại cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất.

Ông tiếp lời: "Tôi cũng tính về giúp Lệ vài năm rồi quay lại bất động sản và vẫn có thể làm song song, nhưng để có tiền mua lại số cổ phần của các cổ đông lớn thì phải thoái hết vốn ở nơi khác mới đủ nên không còn chỗ mà làm nữa (cười). Nhưng thực ra, khi đi sâu vào ngành sữa thấy nó có ý nghĩa và hay nên cứ làm tới đến tận giờ".  

Nguồn ảnh: Internet

Nguồn ảnh: Internet.

Trở thành chủ tịch tại một công ty sữa, ông Hải tự coi mình như một người học việc đúng nghĩa. "Mỗi cuộc họp đối với tôi là một bài học và mình phải học từng thứ một về ngành sữa để còn chia sẻ các quyết định với ban điều hành", doanh nhân này tâm sự.

Trong khi đó, ông Lê Nguyên Hòa – Phó Chủ tịch HĐQT NutiFood cười và nói với chúng tôi: "Chủ tịch Hải thông minh nên ‘học việc’ rất nhanh, vài tháng là đã hiểu và nắm được tình hình rồi".  

Ông Hải không phải là một chuyên gia về marketing nhưng khi trở thành Chủ tịch NutiFood, dấu ấn quan trọng của người đàn ông này chính là quyết định trở thành nhà tài trợ dinh dưỡng toàn diện cho Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG và đội tuyển U19 Việt Nam (2013-2014).

Khi đó, NutiFood thực sự gây "sốc" bởi lần đầu tiên có một hãng sữa Việt Nam (vốn được người Việt Nam mặc định là sản phẩm cho trẻ em) sử dụng hình ảnh các cầu thủ bóng đá để quảng cáo. Trước đó, NutiFood vốn nổi tiếng nhất nhờ sự truyền miệng của các mẹ bỉm sữa thì với thương vụ tài trợ lớn cho bóng đá, đối tượng quan tâm chủ yếu là đàn ông.

Cuối năm 2014, NutiFood trở thành nhà tài trợ cho CLB Hoàng Anh Gia Lai mùa giải 2015 với tổng tài trợ khoảng 15 tỷ đồng – đây là mức tài trợ lớn nhất trước giờ khai cuộc với một CLB chuyên nghiệp. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai tiết lộ, với khoản tài trợ của Nutifood, năm 2015 cũng là năm đầu tiên CLB này có lãi sau 12 năm gắn bó với bóng đá đỉnh cao ở Việt Nam.

Giải thích về quyết định có vẻ ngược đời, ông Hải nói: "Bóng đá là hình ảnh rõ nét nhất cho câu chuyện về dinh dưỡng bởi môn thể thao đỉnh cao này đòi hỏi thể lực và sức vóc rất lớn. Thông qua bóng đá mà nói về chuyện dinh dưỡng cộng đồng, đó là cách truyền tải trực quan và hiệu quả nhất".

Thực tế ở nhiều giải đấu quốc tế, cầu thủ Việt Nam thường bị yếu thế về thể lực: đầu giải có thể rất "sung" nhưng càng về sau càng đuối. Theo ông Hải, một nguyên nhân là bữa ăn của các cầu thủ rất tự phát. Năm 2014, lần đầu tiên trong lịch sử, U19 Việt Nam đi thi đấu quốc tế với hệ thống đầu bếp và bác sĩ riêng để đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Và, cũng năm đó, đội tuyển Việt Nam với màn trình diễn tuyệt vời của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn… đã tạo ra một cơn sốt khủng khiếp, điều chưa bao giờ xuất hiện tại Việt Nam. Với hình ảnh thương hiệu tràn ngập sân cỏ đi kèm với những thông tin tích cực về đóng góp hậu trường cho U19 Việt Nam, chiến dịch marketing của NutiFood cũng thành công rực rỡ.

 

Nguồn ảnh Internet
Nguồn ảnh Internet.

Kể từ khi vợ chồng ông Hải, bà Lệ điều hành NutiFood, kết quả kinh doanh của "hãng sữa bác sĩ" có những thay đổi lớn. Kể từ khi bị lỗ gần hết vốn điều lệ công ty 10 năm trước, năm 2017, NutiFood đã đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng, đặt mục tiêu 200 triệu USD xuất khẩu sang thị trường Mỹ (sau 5 năm kể từ 2018).

Ngoài ra, sau những năm tháng bươn chải, đầu tư và thành công với ngành sữa, khi có cơ hội, những người sáng lập NutiFood đã quyết tâm làm cà phê, dù xác định cơ hội của người đến sau không phải màu hồng. Và, các chuyên gia của NutiFood, sau hơn 1 năm nghiên cứu, đã thành công với nhiệm vụ đóng gói nguyên vẹn ly cà phê sữa đá đặc trưng Việt Nam, như ước mơ của ông Hải. Nuticafé được nhiều người dùng đánh giá giữ nguyên chất, hương vị, giữ nguyên cả văn hóa uống cà phê của người Việt: Có vị đắng thơm vừa đủ của cà phê, chút béo ngọt của sữa đặc được đóng gói trọn vẹn trong gói cà phê tiện dụng. Tỷ lệ này nếu không hợp lý thì sẽ không đảm bảo được đúng vị của một ly cà phê sữa đá...

Với ông chủ hãng sữa Việt, chuyện mở rộng sang cà phê là hoài bão, cũng là cơ hội cho doanh nghiệp, nhưng để thực hiện được thì cũng không hề đơn giản. Hành trình doanh nghiệp đi nhiều chông gai, thử thách, nhưng điều đó không ngăn cản ông đến với thị trường cà phê, với trách nhiệm của mình... 

TH