Hà Nội: 2.921 công trình thuộc diện báo động khi mùa khô sắp đến

15:15 09/09/2022

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra hỏa hoạn gây nên thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan chức năng gần đây nhất, hiện có tới 2.921 công trình trên địa bàn thành phố dù chưa được nghiệm thu PCCC nhưng vẫn đang được đưa vào hoạt động, điều này là vô cùng nguy hiểm khi mùa khô sắp đến…

Chuyện tang thương như lời cảnh báo

Trước khi phân tích, bàn sâu về vấn đề nêu trên, người viết xin được nhắc lại câu chuyện đau lòng của vụ cháy xảy ra mới đây đã được nhiều các cơ quan báo chí đăng tải, để người đọc hiểu rõ hơn về sự tang thương do hỏa hoạn gây ra.

“Nhắn tin cho mẹ vào lúc 10h sáng ngày 01/08/2022, Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc thuộc lực lượng PCCC TP Hà Nội kể về quá trình làm việc của mình,vụ cháy buổi sáng xảy ra rất may không gây thiệt hại về người.Chẳng ai biết được rằng, đây cũng là lần cuối Phúc còn có thể nói chuyện với mẹ vì chỉ ngay buổi chiều cùng ngày, một vụ cháy khác tại quán karaoke số 231 Quan Hoa đã khiến Phúc cùng Thượng tá Đặng Anh Quân và Thượng úy Đỗ Đức Việt hy sinh sau khi cứu thoát nạn 8 người khỏi “biển lửa”. Khép lại những ước mơ còn đang dang dở, Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc đã mãi mãi ra đi ở tuổi 19”.

Quán Karaoke nơi xảy ra đám cháy
Quán Karaoke nơi xảy ra đám cháy. 

Câu chuyện thương tâm xảy ra cũng đồng thời là hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân và các cơ quan chức năng hiểu rõ hơn về tầm quan trọng trong công tác PCCC trên địa bàn TP Hà Nội. Chỉ trong thời gian ngắn, “Thần Hỏa” đã liên tục ghé thăm và để lại những mất mát vô cùng to lớn không chỉ cho người dân mà còn cả những chiến sĩ cứu hộ cứu nạn.

Theo thống kê từ CATP Hà Nội, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn đã xảy ra 206 vụ cháy khiến 22 người thương vong, thiệt hại tài sản ước tính lên tới 5,6 tỷ đồng...

Mặc dù hỏa hoạn có tính chất gây ra thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện chỉ thị về việc nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn được tổ chức mới đây cho thấy, UBND TP Hà Nội xác định có tới 2.921 công trình dù chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn đang được đưa vào hoạt động trên địa bàn. Đây là con số “khủng” rất đáng để báo động đối với các cơ quan chức năng, đặc biệt là những người phụ trách quản lý về công tác quản lý PCCC tại thủ đô.

Chưa nghiệm thu vẫn hoạt động, uẩn khúc gì đằng sau?

Thủ đô ngày càng phát triển, dân cư từ khắp nơi đổ về sinh sống và làm việc ngày càng nhiều thì cũng đồng nghĩa với sức ép gia tăng dân số ngày càng tăng. Cụ thể, chỉ trong 10 năm, kể từ 2012 đến nay, dân số Hà Nội đã tăng từ 6,8 triệu người lên đến 8,5 triệu người. “Đất chật – người đông” là câu thành ngữ đang xảy ra đúng nghĩa tại Hà Nội, trực tiếp khiến cho áp lực nhu cầu về nhà ở cho người dân cũng tăng theo, thế nhưng công tác quản lý về chỗ ở lại đang có dấu hiệu bị nới lỏng...

Thông tin 2.921 công trình trên địa bàn Thành phố Hà Nội chưa nghiệm thu PCCC vẫn đang được đưa vào hoạt động khiến cho chúng ta tự hỏi, vậy có bao nhiêu trong số lượng công trình kia là những tòa nhà cao tầng? và bao nhiêu là công trình thuộc diện thấp tầng? Sở dĩ người viết đặt ra câu hỏi này vì: Nếu không may xảy ra hỏa hoạn, nhà thấp tầng có thể dễ xử lý hơn và thiệt hại cũng bớt nặng nề hơn, nhưng nếu đó là những tòa nhà cao tầng thì liệu chỉ dựa vào đội PCCC có thể đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân hay không? Dù nguy hiểm là thế nhưng thực trạng đáng buồn này vẫn diễn ra suốt nhiều năm nay bởi nhiều lí do.

Ảnh minh họa
Cứu hỏa tại công trình thấp tầng có thể xử lý đơn giản hơn.

Nêu quan điểm về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, trước tiên phải nói đến việc có một số lượng lớn dự án nhà cao tầng hiện nay được xây dựng từ khi luật PCCC còn đơn giản, sơ sài nên thực trạng PCCC chưa đảm bảo và tiềm ẩn về nguy cơ cháy nổ khá phổ biến. Cùng với đó là sự chủ quan trong công tác PCCC đã được báo chí chỉ ra tại rất nhiều dự án chung cư trên địa bàn. Từ đó cho thấy nhiều nhà đầu tư xây dựng công trình cao tầng chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác PCCC.

Theo khảo sát của các cán bộ chuyên ngành và phản ánh của người dân, tại nhiều chung cư, hệ thống PCCC chỉ mang tính hình thức, đối phó. Chính vì thế, tình trạng nhiều công trình nhà ở, căn hộ cao tầng dù đầy đủ các thiết bị PCCC nhưng khi xảy ra sự cố lại không sử dụng được khá phổ biến.

Ngoài ra, một trong những vấn đề cũng được rất nhiều người dân sinh sống tại các tòa nhà cao tầng quan tâm là: “Thang chữa cháy lên được tầng bao nhiêu?” Nỗi lo này cũng không hề khó hiểu khi hầu hết các hộ chung cư đều cư trú từ tầng 5 trở lên, chỉ các hộ từ tầng 5 trở xuống có khả năng chạy nạn bằng thang thoát hiểm, các hộ khác hoàn toàn có thể rơi vào nguy hiểm nếu đám cháy xảy ra.

Về phương tiện PCCC ở Hà Nội, Đại tá Nguyễn Trường Sơn từng trả lời với báo chí rằng, xe thang tốt nhất hiện nay của lực lượng PCCC Hà Nội cao 52 mét, tức là có thể lên được đến tầng 16 của các chung cư cao tầng. Phương tiện chỉ đáp ứng việc cứu hộ, cứu nạn ở tầng thấp. Đối với lực lượng PCCC, việc xe thang chỉ lên tới tầng 16 không có nghĩa là lực lượng chữa cháy không đảm bảo công tác chữa cháy cũng như cứu hộ, cứu nạn.

Hỏa hoạn tại các chung cư cao tầng gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản.
Hỏa hoạn tại các chung cư cao tầng gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Với các tòa nhà cao tầng, việc chữa cháy phải tiến hành từ bên trong nên cảnh sát PCCC phải leo thang bộ, tiếp cận các điểm cháy để dập lửa. Vậy nếu như hỏa hoạn xảy ra tại một số tòa cao tầng trong số 2.921 công trình kia, nơi mà hệ thống PCCC chưa thể vươn tới thì hậu quả nghiêm trong sẽ như thế nào?

Câu chuyện chủ đầu tư chú trọng đến lợi nhuận, đưa người dân vào ở dù chưa nghiệm thu PCCC nhằm mục đích thu tiền, sớm thu lợi nhuận thực tế đã không còn xa lạ. Nhưng để tình trạng trên tiếp diễn trong suốt thời gian dài, không thể không nói đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Mặc dù các cơ quan chức năng nắm trong tay thanh “Bảo kiếm” là Luật, là Thông tư, là Nghị Định, để đảm bảo an toàn cho người dân nhưng Công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý hệ thống PCCC ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức, hiện tượng “phạt để tồn tại” đối với các sai phạm vẫn còn phổ biến. Chính vì việc xử lý không triệt để của  cơ quan quản lý đã dẫn tới tình trạng chủ đầu tư có biểu hiện “nhờn” Luật, gián tiếp đẩy rủi ro hoàn toàn về phía người dân.

Chẳng thế mà mới đây, tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị 14 về việc tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động. Chỉ thị nêu rõ: “Công tác quản lý nhà nước về PCCC còn những hạn chế nhất định; vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị chưa quyết liệt, thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu "buông lỏng" trong quản lý; cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ"…

Quản lý PCCC trên thế giới, bài học cho Việt Nam

Vậy tăng cường khắc phục tồn tại thế nào? Xử lý vi phạm chưa nghiệm thu PCCC ra sao? Chúng ta luôn có thể so sánh, học hỏi, chọn lựa cái hay và khắc phục cái khuyết bằng cách nhìn từ công tác PCCC của các nước trên thế giới.

Không chỉ riêng Việt Nam, sống trong các tòa cao tầng cũng là lựa chọn của phần lớn người dân ở những thành phố lớn trên thế giới khi mà tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, quỹ đất lại hạn hẹp. Điều khiến cư dân của những tòa nhà chọc trời này lo ngại nhất là công tác phòng chống cháy nổ. Do đó, hầu hết các nước trên thế giới đều có những quy định cụ thể về phòng chống cháy nổ tại những khu chung cư, tòa nhà cao tầng:

Ảnh minh họa

Tại San Francisco, Mỹ: Bên cạnh việc hướng dẫn kỹ năng cho người dân sống ở các tòa chung cư, cơ quan quản lý đồng thời liên tục kiểm tra và đánh giá hoạt động của các thiết bị phòng cháy chữa cháy của tòa nhà như chuông báo động, hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống chống khói tràn. Nếu những thiết bị này không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả, nhà chức trách sẽ xử phạt ban quản lý tòa nhà và yêu cầu lắp đặt thay thế hoặc bổ sung. 

Canada thì chú trọng công tác phòng tránh, việc làm chặt chẽ ngay từ khâu quy hoạch đến thiết kế, xây dựng, lắp đặt các thiết bị. Tòa nhà chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được các cơ quan chức năng nghiệm thu hệ thống phòng chống cháy nổ.

Trước khi tòa nhà bàn giao, các nhà quản lý sẽ làm việc với chủ đầu tư kiểm tra toàn bộ hệ thống báo cháy và chữa cháy của tòa nhà. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, chủ đầu tư sẽ không được phép bàn giao cho người mua. Cùng với đó là các biện pháp quản lý, xử phạt đối với chủ đầu tư và ban quản lý các chung  cư cao tầng nếu có vi phạm. Tất cả đều hướng tới sự an toàn, chất lượng sống của người sử dụng.

Còn tại Nhật Bản, với Đặc điểm của các công trình kiến trúc sử dụng rất nhiều vật liệu bằng gỗ, do vậy dễ phát sinh hỏa hoạn. Vì thế, phòng cháy đã thành ý thức mạnh mẽ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác tại Nhật Bản, trong đó chú trọng Giáo dục công tác PCCC ở mọi lứa tuổi.

Người dân Nhật có thể tìm thấy các biển chỉ dẫn khu lánh nạn trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn ở khắp nơi. Các tòa nhà chung cư đều được trang bị các công cụ cứu hỏa. Nội dung phòng cháy chữa cháy ở Nhật là một trong những nội dung giáo dục quan trọng nhất với mục đích mang lại kiến thức cho mỗi cá nhân, giúp họ bảo vệ tính mạng của mình, an toàn của cộng đồng và tài sản chung của xã hội. 

Từ đấy để nhìn về Việt Nam, hệ thống PCCC tại chỗ cần được quan tâm đến hơn bao giờ hết. Thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ nhà, chung cư cao tầng có thể giảm thiểu đến mức tối đa thông qua việc áp dụng đồng bộ các giải pháp từ công tác quy hoạch, thiết kế công trình đến thực hiện công tác bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy (PCCC) khi công trình đi vào sử dụng.

Đồng thời đẩy mạnh và đổi mới công tác, đưa nội dung lánh nạn khi có thiên tai, hỏa hoạn vào giảng dạy tại các lớp cơ sở, giáo dục để mỗi cá nhân trong hoạn nạn có thể chủ động bảo vệ bản thân và những người xung quanh khi có cháy nổ.

Từ chủ trương tới hiện thực, từ lời nói đến việc làm là một quãng đường rất dài và đầy gian truân. Tuy nhiên, để “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” thì không chỉ từ Trung ương, từ Thành phố mà còn phải từ địa phương. Vì, không đâu rõ tình hình hơn địa phương. Người làm công tác quản lý PCCC ngay từ địa phương cần phải chính trực, bản lĩnh, đặt lợi ích của xã hội, đặt an toàn của người dân lên hàng đầu, kiên định với công cuộc “phòng cháy hơn chữa cháy”…

Một số dự án vi phạm về PCCC tại Hà Nội được báo chí đưa tin thời gian gần đây.

- CT1 Usilk City - La Khê (Hà Đông) - Công ty CP Sông Đà Thăng Long.

- SME Hoàng Gia - Quang Trung (Hà Đông) - Công ty CP tập đoàn BĐS Hoàng Gia.

- Tháp Doanh Nhân - Phường Mộ Lao (Hà Đông) - Công ty CP xuất nhập khẩu Tây Đô

- Chung cư cao tầng và dịch vụ Phương Đông (Mỹ Sơn Tower)- Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) - Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu Mỹ Sơn.

Tecco Diamond Thanh trì - Thanh Trì (Hoàng Mai) - Công ty Cổ phần Tổng công ty Tecco Hà Nội.

Viễn Đông Star - Thịnh Liệt (Hoàng Mai) - Công ty Cổ phần Sông Đà 1.

Tòa nhà chung cư 102 Thái Thịnh - Trung Liệt (Đống Đa) .../

Ban Bạn đọc Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập có vai trò là cầu nối tiếp thu ý kiến của bạn đọc và giải đáp những khúc mắc của bạn đọc liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp thuộc phạm vi tôn chỉ mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí.

Bạn đọc có vấn đề gì khúc mắc cần được giải đáp, xin vui lòng gửi nội dung câu hỏi đến địa chỉ mail: banbandoc.tapchidnhn@gmail.com hoặc Hotline: 0964.273.397

Nguyễn Anh