Giáo sư Hà Tôn Vinh: Tôi luôn tự hào là người Việt Nam

11:30 28/01/2022

“Tôi nghĩ, Việt Nam dư sức để trở thành một nước phát triển công nghiệp, một quốc gia hùng cường. Tôi đã đi hơn 90 nước. Chẳng ai đoán được mình là người nước nào, vì họ nghĩ Việt Nam chưa có dấu ấn đậm nét trong tiềm thức của họ. Nhưng đến đâu, tôi cũng luôn tự hào tôi là người Việt Nam”. Đó là chia sẻ của Giáo sư Hà Tôn Vinh với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập nhân dịp năm mới Nhâm Dần.

iáo sư Hà Tôn Vình, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo và Tư vấn Quản lý Stellar Management, Chủ nhiệm Chương trình Giáo dục & Đào tạo Doanh nghiệp cao cấp của Đại học Tổng hợp California Miramar University (CMU) tại Việt Nam và là chuyên gia Tư vấn Cao cấp vùng châu Á cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới (WB)
Giáo sư Hà Tôn Vình, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo và Tư vấn Quản lý Stellar Management, Chủ nhiệm Chương trình Giáo dục & Đào tạo Doanh nghiệp cao cấp của Đại học Tổng hợp California Miramar University (CMU) tại Việt Nam và là chuyên gia Tư vấn Cao cấp vùng châu Á cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới (WB).

PV: Thưa ông, giá trị lớn nhất của dân tộc Việt Nam, người dân Việt Nam đó là ý chí tự lập, tự cường, bất khuất. Trong suốt quá trình lịch sử, chúng ta đã chiến thắng rất nhiều thế lực thù địch. Nhưng đến nay dân tộc Việt Nam vẫn còn thiếu thốn nhiều so với mặt bằng chung của thế giới. Dù chúng ta ghi nhận rằng con người Việt Nam thông minh và sẵn sàng hy sinh cho sự tồn tại và vươn cao của dân tộc. Theo ông, chúng ta sẽ làm gìđể tiếp bước xây dựng một đất nước VN hùng cường sau thời kỳ chiến tranh?

Giáo sư Hà Tôn Vinh: Để nói về Việt Nam, sự hùng cường và tự hào dân tộc thì chúng ta phải nhìn vào 3 yếu tố rất quan trọng. Đó là lịch sử, địa lý và văn hoá.

Về lịch sử, đất nước ta có hàng ngàn năm lịch sử, từ xây dựng nước, bảo vệ đất nước đến phát triển đất nước. Từ một nhóm, dân tộc hay bộ lạc, chúng ta xây dựng thành một đất nước. Và lịch sử qua mấy ngàn năm, chúng ta không mất đi cái gọi là bản sắc dân tộc, chúng ta không mất đi tinh thần dân tộc. Chúng ta vẫn là người Việt, nói tiếng Việt, chúng ta vẫn giữ được tinh thần Việt.

Về văn hoá, trong cuộc sống người Việt Nam gắn bó với nhau, tôn trọng ông bà cha mẹ, tôn trọng hàng xóm. Tất cả những vấn đề về văn hoá nó kết nối lại và giúp cho chúng ta trở thành một dân tộc. Văn hoá là chất keo để kết nối từ thuở ban đầu những sự khác biệt của nhiều người, nhiều nhóm và nhiều dân tộc.

Về địa lý, xưa cha ông ta chỉ có miền Bắc sau đó chúng ta bắt đầu mở mang bờ cõi. Cho đến nay, chúng ta đã có một đất nước rõ rệt về địa lý được thế giới công nhận. Việt Nam có một địa lý rất tốt, rất chiến lược, có hàng ngàn ki-lô-mét đường biển từ Bắc vô Nam. Đất nước chúng ta trải dài theo dọc phần lớn biển Đông. Khi các nước như Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản... nhìn vào Việt Nam đều thấy địa lý nước ta rất là quan trọng trong vấn đề bảo vệ biển Đông.

Trên thế giới đã có những liên minh quân sự bảo đảm và bảo vệ an ninh cho vùng phía Nam và phía Bắc của biển Đông. Tuy nhiên, ở khu vực giữa biển Đông lại chưa có nước nào đủ mạnh về kinh tế và quân sự. Việt Nam là một nước mạnh, có vị trí chiến lược. Năm 2019, Việt Nam theo đuổi  chiến lược ba không và bây  giờ là bốn không: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Để phát triển đất nước, chúng ta đã có 3 yếu tố nói trên rất là tốt, giờ chỉ còn yếu tố thứ 4 đó là kinh tế. Năm 2045, chúng ta sẽ kỷ niêm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bây giờ là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Còn 24 năm, không phải là thời gian dài nhưng cũng đủ để chúng ta phát triển đất nước. Năm 1949, châu Âu bị tàn phá nặng nề nhưng chỉ sau 70 năm, châu Âu đã trở thành một lục địa khác. Châu Âu rất thành công trong việc tái thiết và phát triển. Nhìn lại Việt Nam chúng ta thống nhất đất nước vào năm 1975, đến nay sắp 50 năm, nhưng chúng ta vẫn chưa thành công trong vấn đề kinh tế và tái thiết đất nước như lãnh đạo và người dân chúng ta mong đợi. Chúng ta đang thiếu một mô hình, chiến lược phát triển đồng bộ và quy mô.

Chúng ta đã thành công trong việc giữ nước, xây dựng dân tộc và có một vị trí địa lý đặc biệt. Nhưng nếu so sánh sự phát triển kinh tế với những nước có hoàn cảnh giống chúng ta như Hàn Quốc, Nhật Bản thì họ phát triển rất mạnh. Nhiều người nói Việt Nam đang phát triển kinh tế rất tốt nhưng so với tiềm năng cơ đồ thì chúng ta vẫn còn đi sau rất nhiều nước.

"Tôi đã đi hơn 90 nước, gặp gỡ rất nhiều người, chẳng ai đoán được tôi đến từ nước nào và càng không nghĩ tôi đến từ Việt Nam. Với họ, Việt Nam vẫn là một hình ảnh quốc gia mang đậm dấu ấn chiến tranh. Những lúc như thế, tôi luôn mong muốn giới thiệu hình ảnh một Việt Nam năng động, đang trên đà đổi mới đến với bạn bè quốc tế. Tôi luôn tự hào mình là một người Việt Nam." 

PV: Vậy theo ông, tính từ nay đến năm 2045 chúng ta đặt mục tiêu là phải giữ cái chúng ta đã có, đang có là lịch sử, địa lý, văn hoá và tiếp tục phát triển kinh tế. Và để phát triển kinh tế thì những yếu tố nào là quan trọng?

Giáo sư Hà Tôn Vinh: Đầu tiên là con người. Không việc gì làm mà lại không có con người. Con người có ba loại con người: con người là lãnh đạo, con người là quần chúng, con người là những người tham gia đóng góp vào sự phát triển của đất nước - đó là những nhà kinh tế, chuyên gia. Trong đó, lãnh đạo phải là đầu tàu, người dân đồng lòng cùng đi và cần phải có những người tài đóng góp.

Thứ hai là công nghệ. Năm 1975 chúng ta  bắt đầu mới biết đến máy tính để bàn. Đến năm 1992 thế giới mới nghe đến một khái niệm mới là internet. Đến năm 2021 đã có 4.6 tỷ người dùng internet. Tức là 70% dân số thế giới đang dùng internet. Và cách đây 15 năm, chúng ta bắt đầu nói đến công nghệ số, kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số, đất nước số. Công nghệ rất quan trọng và là công cụ để phát triển đất nước.

Thứ ba là cơ sở hạ tầng. Có đến 2, 3 loại cơ sở hạ tầng, nhưng cái mà tôi muốn nhấn mạnh đến là cái cơ chế, mặt bằng cho mọi người cùng phát triển. Bác Hồ từng nói, ai có súng thì dùng súng, ai có dao dùng dao, ai có gậy dùng gậy. Tất cả mọi người đều có bổn phận chiến đấu, giữ gìn và bảo vệ đất nước.

Thứ tư là tinh thần doanh nghiệp hay khởi nghiệp. Tất cả mọi người cùng phải làm, cùng kinh doanh, khởi nghiệp. Chúng ta thường hay hiểu sai về khái niệm khởi nghiệp. Khởi nghiệp không phải là bắt đầu kinh doanh. Đó chỉ là một ý tưởng khởi nghiệp thôi. Khởi nghiệp là cải tổ, là sáng tạo lại, là làm lại chứ không phải khởi nghiệp là bắt đầu từ đầu. Tôi không khuyên các em sinh viên khởi nghiệp bắt đầu từ đầu, khi các em học ra các em chưa có kinh nghiệm, chưa có tiền, chưa có ý tưởng kinh doanh, chưa có người hỗ trợ kinh doanh mà ra làm ăn thường là thất bại ngay. Nhưng nếu các em vừa học xong, các em đi tìm một người nào đó, một công ty nào đó để học tập, học cách người ta thành công, học tại sao người ta thất bại. Không chỉ thanh niên cần khởi nghiệp, doanh nghiệp cũng cần phải khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp. Doanh nghiệp và quốc gia không thể nào cứ làm theo lối cũ được.

Một điều quan trọng nữa là phát triển đồng bộ không phải là ai cũng làm, làm giống nhau. Mà đồng bộ là nhìn vào thế mạnh của từng vùng, Hải Phòng nên làm gì, Bắc Ninh làm gì hay Hà Nội nên làm gì. Tất cả như một bức tranh có hàng ngàn mảnh ghép và dần dần chúng ta mới nhìn thấy toàn cảnh. Chính phủ phải định hình thế mạnh của từng vùng, từng tỉnh. Phát triển kinh tế rất quan trọng, có kinh tế đất nước mới đủ 4 chân vững chắc: lịch sử, địa lý, văn hoá, kinh tế. Từ đây đến 2045, mục tiêu của chúng ta phải là phát triển kinh tế. Kinh tế cho chúng ta bệ phóng để chúng ta nhảy cao hơn. Nông thôn và thành thị phải phát triển ngang nhau. Không thể để nông thôn tiếp tục nghèo đói còn thành thị thì quá giàu có. Cách đây 150 năm, nước Mỹ cũng như Việt Nam, có hơn 80% người Mỹ làm nghề nông. Nhưng rồi họ sử dụng công nghệ, các ngành công nghiệp, họ đưa khoa học, tài chính về với nông thôn. Giờ đây nước Mỹ chỉ có 1,3% dân số làm nghề nông và họ là nước lớn nhất thế giới về xuất khẩu nông phẩm. Đó là công nghệ, đó là chiến lược phát triển. Nước ta có khoảng gần 70% làm nghề nông, nuôi 30% dân số ở thành phố. Đó là một sự bất công của xã hội. Chúng ta phải đưa đến một điểm quân bình, hài hoà giữa nông thôn và thành thị. Chính phủ tham khảo kinh nghiệm của Mỹ, đưa Việt Nam thành một  nước an ninh lương thực. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân phải đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển đất nước. Chúng ta phải đưa công nghệ, đưa con người, đưa  tài chính về nông thôn để người nông dân họ thấy làm nông dân được nhiều ưu đãi thì người ta mới làm, mới ở lại nông thôn để sản xuất.

Thành thị cũng chẳng phải chỗ tất cả mọi người phải đến hay muốn đến. Mở rộng thành thị cũng có cái lý của nó, cần đưa thành thị về với nông thôn. Nhưng mà đâu cứ phải mở rộng vị trí hành chính địa lý là giải quyết được vấn đề. Thành phố vẫn có thể nhỏ và ta đưa những dự án lớn về nông thôn. Chúng ta phải làm sao để các dự án lớn được phân bổ đều ở các vùng chiến lược. Đâu phải Hà Nội mở rộng ra thì Hà Nội sẽ trở thành một thành phố chiến lược. Thủ đô nuớc Mỹ, Áo, Bỉ và nhiều nước vẫn còn rất nhỏ.

Về giáo dục, có 2 phần là giáo dục và đào tạo. Trong đó, giáo dục là lâu dài, đào tạo là ngắn hạn theo chuyên ngành. Chúng ta phải đào tạo nhiều hơn, làm sao cho thợ nhiều hơn thầy. Chúng ta cứ đào tạo thầy rồi đến lúc làm thì không có ai làm thợ. Cần có những chương trình đào tạo ngắn hạn. Từ giờ đến năm 2045, chúng ta phải phát triển kinh tế bền vững, cần phải có tầm nhìn chiến lược. Phải học kinh nghiệm các nước rồi xem khả năng chỗ đứng của mình. Mỗi một nơi phải có chiến lược riêng chứ không phải toàn quốc giống nhau được. Chúng ta phải định hình như thế nào về công nghệ và nhu cầu đầu tư tài chính. Chúng ta phải cam kết, chúng ta phải làm, đầu tư nguồn lực nhân lực. Phải có thước đo kết quả, không thể cứ đầu tư mà không có thước đo, không có đánh giá kết quả hay tác động. Điều này rất là quan trọng cho sự thành đạt của các chiến luợc và chuơng trình phát triển. Chính phủ đã có các gói hỗ trợ kinh tế, doanh nghiệp và người dân trong 3 đợt Covid-19 vừa qua. Gần đây Quốc hội và Chính phủ đưa ra một gói hỗ trợ nữa, gần 30 ngàn tỷ đồng cho đợt Covid-19 lần thứ tư. Các gói hỗ trợ này có tác dụng gì, đủ hay không, ảnh hưởng đến xu hướng hồi phục của nền kinh tế như thế nào, v.v. Cần có các nhận định, đánh giá, đề xuất, khuyến nghị.

"Không chỉ thanh niên cần khởi nghiệp, doanh nghiệp cũng cần phải khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp. Doanh nghiệp và quốc gia không thể nào cứ làm theo lối cũ được.".

PV: Chúng ta đều công nhận, không có một dân tộc nào hùng cường ngay từ lúc khai sinh, không có một thể chế nào hoàn thiện ngay từ khi lập quốc. Phải qua cả một quá trình, cả một dân tộc phấn đấu bền bỉ, đấu tranh, lao động, xây dựng và phát triển đất nước. Một thực tế cho thấy có những dân tộc không có tài nguyên, không có điều kiện địa lý thuận lợi, thậm chícòn là đất nước thuộc địa. Vậy mà trong thời gian ngắn, bằng một thể chế chính trị tốt, hđã xây dựng một đất nước hùng cường. Ông có bình luận như thế nào về câu chuyện xây dựng quốc gia hùng cường.

Giáo sư Hà Tôn Vinh: Như tôi đã nói, để phát triển kinh tế con người là đầu tiên. Chúng ta cần phải có người lãnh đạo và có người tài. Chúng ta có Đảng lãnh đạo, nên Đảng phải lãnh đạo, đưa ra chiến lược, phải đầu tư vào con người và đầu tư vào nguồn lực.

Ở Việt Nam chúng ta có 98 triệu dân, có 5 triệu là Đảng viên. Họ là những người tài, người giỏi, những người có lòng và được đào tạo bài bản. Tất cả 5 triệu Đảng viên này được sử dụng, được đặt vào những vị trí quan trọng, đều có vai trò và chỗ đứng trong chính quyền, các cơ quan Nhà nước, từ Trung ương xuống tận thôn làng. Trong số 93 triệu người còn lại, chúng ta thử lấy ra 5 triệu người, họ cũng giỏi, cũng có lòng, cũng có tâm và cũng được đào tạo bài bản. Mình làm gì để tận dụng và không phung phí tài năng của họ, tôi chắc chẳng ai có câu trả lời rõ rệt. Những người này họ sẽ làm được gì cho đất nước, đóng góp được gì cho sự phát triển chung khi họ không có tiếng nói hay không được đặt vào những vị trí có quyền quyết định. Ai cũng biết rằng họ không mong chờ được Nhà nước hay chính quyền sử dụng. Tôi gọi đó là sự phí phạm về nguồn nhân lực, về tài năng con người.

Nói về nhân lực, nhân sự, có bốn việc phải làm: tìm người tài; sử dụng người tài; đãi ngộ người tài; giữ được người tài. Người lãnh đạo không cần phải giỏi tất cả mọi thứ. Người lãnh đạo cần có lòng can đảm, can đảm nói, can đảm nói thật, và can đảm nói đúng lúc. Nói, dám làm, và làm được khó lắm. Có nhiều người nói giỏi nhưng không làm được, có nhiều người làm được nhưng không nói gì thì không có sức mạnh lan toả. Người lãnh đạo cần nhìn thấy vấn đề, rồi đi tìm người tài, đặt người tài vào những vai trò những vị trí phù hợp. Phải lãnh đạo về giải pháp chứ không phải chỉ làm. Làm lãnh đạo chỉ cần 2 thứ: lòng can đảm và cam kết sử dụng nhân tài. Đất nước phải mở rộng ra, có những thứ Đảng viên làm được, có những thứ không cần Đảng viên cũng làm được.

PV: Và ông vẫn  tập trung vào vấn đề sử dụng người tài ?

Giáo sư Hà Tôn Vinh:Trở về vấn đề nhân tài. Có những người sinh ra đã có khả năng lãnh đạo, có những người tài phải qua thử thách, phải do “thời thế tạo anh hùng”. Ông Hồ Chí Minh,khi thấy sự áp bức của chế độ thực dân Pháp, đã tìm mọi cách để giải phóng dân tộc. Nếu mà thái bình thịnh trị thì làm gì có những người anh hùng như Hồ Chí Minh.

Tôi nghĩ VN có đủ sức và nguồn lực để trở thành một nước phát triển công nghiệp. Tôi đã đi hơn 90 nước. Chẳng ai đoán được tôi người nước nào, từ đâu đến vì họ nghĩ Việt Nam vẫn là một nước lạc hậu còn nhiều dấu ấn chiến tranh trong tiềm thức của họ. Nhưng ở đâu tôi cũng tự hào tôi là người Việt Nam. Những thập niên ’50 ’60 hay ’70 nhiều nước Châu Á hay ở các châu lục khác vẫn ở một mặt bằng ngang nhau. Những nước như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, đã bật lên và đã tiến xa hơn Việt Nam hàng vài chục năm. Họ làm được vì lý do gì? Có thể là vì họ có đội ngũ lãnh đạo vì dân vì nước, có thể họ có nhiều thế hệ người tài được sử dụng và trọng dụng, có thể là cả dân tộc đang chiến đấu cùng một mục tiêu.

GS. Hà Tôn Vinh với ông Donald Trump ở New York
GS. Hà Tôn Vinh với ông Donald Trump ở New York. (Ảnh chụp năm 2007)

PV: Để xây dựng một dân tộc Việt Nam hùng cường thì lòng tự tôn, trọng trách, nghĩa khí của cộng đồng doanh nghiệp phải được hun đúc bằng cả nỗi niềm thao thức đam mê ?

Giáo sư Hà Tôn Vinh: Trong tất cả chúng ta đều có lòng yêu dân tộc. Làm sao để đất nước phát triển hơn, đó là trọng trách của người làm doanh nghiệp. Doanh nhân nếu chỉ nói yêu nước và nộp thuế thì ai cũng làm được, chả có gì khác biệt. Doanh nhân phải có trách nhiệm với chính mình, doanh nghiệp của mình, công nhân của mình, với xã hội với đất nước. Và sau đó trở thành doanh nhân quốc tế toàn cầu.

Nói đến Panasonic, Honda, Sony ai cũng biết của Nhật, nói đến Samsung ai cũng biết của Hàn Quốc. Chúng ta không những cần trở thành doanh nghiệp có thương hiệu Việt Nam, thương hiệu Châu Á, mà còn cần có thương hiệu quốc tế. Điều đó không hề xa vời. Năm 1939, Chủ tịch tập đoàn xe ôtô Toyota - ông Toyoda sau khi thành lập công ty, ông đã nói rằng: “ Nước Nhật không phải là thị trường của Toyota mà thế giới mới là thị trường của Toyota”. Ngay lúc đó ông Toyoda đã nghĩ đến chuyện làm cho nước Nhật hùng mạnh. Sau khi nước Nhật bị thảm bại ở Thế chiến Thứ II, một nhóm năm anh em trẻ đã cùng nhau thành lập một công ty với chỉ một mục tiêu là làm cho nước Nhật hùng mạnh trở lại, giúp cho nước Nhật như chim phượng hoàng bay lên từ đống tro tàn. Ngày nay trên thế giới ai cũng biết công ty Sony, một công ty đuợc năm anh em trẻ xây dựng từ đống tro tàn với một niềm thao thức và đam mê. Microsoft, Amazon, Google, Tesla,  cũng chỉ bắt đầu trong vài chục năm gần đây thôi.

Nhưng chúng ta nói gì về Việt Nam, chẳng nhẽ cứ nói mãi thương hiệu chiến tranh, chống Mỹ cứu nước. Chúng ta đã qua cái giai đoạn lập quốc, xây dựng đất nước, đến giai đoạn kiến quốc phát triển đất nước, chúng ta phải có gì chứ. Doanh nghiệp phải khởi nghiệp lại. Đến một lúc nào đó phải có một doanh nghiệp vượt lên, để trở thành một doanh nghiệp thế giới, thương hiệu thế giới.

Covid-19 là một cái lối thử, thử xem khi gặp khó khăn chúng ta có tồn tại được không, chúng ta có sống được không, hay là chúng ta lại phải bắt đầu lại từ đầu. Nhật Bản có những công ty có tuổi đời đến 700, 800 năm. Trong khi ở Việt Nam có công ty nào 50, 100 năm không... Chúng ta cần sự phát triển bền vững. Người Mỹ  khi họ giàu có, họ không để lại cho con, họ để lại cho xã hội. Vì của cải là của xã hội, mình chỉ là người giữ, mình cầm nó để giúp cho sự phát triển, giờ mình trả lại cho xã hội để người khác tiếp tục phát triển.

Đối với nhiều người ở nhiều nước, đầu xuân luôn là cơ hội để nhìn lại, để đặt mục tiêu cho sự phấn đấu, tiến về phía trước. Đặt mục tiêu bây giờ cho việc Việt Nam trở thành một nước hùng cuờng, phát triển bền vững vào năm 2045 là việc cần thiết và không có gì là ngoài tầm tay của tất cả chúng ta.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ngát Đỗ (thực hiện)