Giữa Mĩ và Trung Quốc các quốc gia chọn ai?

00:00 12/10/2020

Cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa đến hồi kết và gây ảnh hưởng sâu rộng không chỉ trong phạm vi hai nước mà còn rộng khắp các nước khác trên thế giới. Việc lựa chọn một hướng đi trong tình hình gia tăng căng thẳng như hiện nay được đánh giá khó trọn vẹn đôi đường, mỗi quốc gia đều dựa trên lợi ích của mình để xác định chọn lựa đúng đắn, tránh rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Vậy thì chiến tranh thương mại 2019, các quốc gia sẽ chọn ai?

Nga

 Khác với dự đoán rằng Nga sẽ ủng hộ Hoa Kì, hiện phía Nga đang thắt chặt mối quan hệ với Trung Quốc trong cuộc chiến lần này, thiết lập liên minh được đánh giá có khả năng đe dọa đến cường quốc mạnh nhất thế giới.

Từ trước tới nay, Trung Quốc và Nga vốn không duy trì được mức bình đẳng về kinh tế nhưng nhờ cuộc chiến thương mại lần này, mối quan hệ giữa hai bên đã chuyển hướng, hợp tác tạo ra một hàng rào chống lại áp lực quốc tế. Trong khi Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn của Nga, giúp bù đắp, củng cố địa chính trị không vững chắc của nước này đối với phương Tây, phía điện Kremlin hiện đang cố gắng khẳng định đây là điểm đến không thể thiếu đối với Bắc Kinh trong cuộc chiến với Washington. Tuy còn phải thực hiện nhiều cải cách kinh tế nhưng Nga vẫn được đánh giá là một thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu cơ khi ít bị tổn thương hơn so với tác động bên ngoài. Và lần này định hướng thương mại tới Trung Quốc của Nga được mong chờ mang tới nhiều lợi thế khác.

 Hai quốc gia ngày nay được xem là ở vị thế thích hợp cho hợp tác nhất kể từ những năm 1960 mối quan hệ Trung - Liên Xô rạn nứt. Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đến thăm Mát- cơ - va nhiều hơn bất cứ thủ đô nào kể từ khi ông lên nắm chính quyền. Tháng 6 năm ngoái ông đã trao tặng Huân chương tình bạn đầu tiên tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, vinh danh ông Putin là người bạn thân thiết nhất của mình. Trên đà thắt chặt tình ngoại giao, Nga đẩy mạnh phát triển xuất khẩu đa dạng mặt hàng, phát triển phong phú ngành nghề tới đất nước tỷ dân.

Thương mại song phương hai nước đã tăng từ 69,6 tỷ đô la Mỹ năm 2016 lên 107,1 tỷ đô la Mỹ vào năm ngoái, biến Trung Quốc thành đối tác cá nhân lớn nhất của Nga trong cả xuất khẩu và nhập khẩu. Moscow cũng nổi lên với vai trò nhà cung cấp dầu thô lớn nhất và đang lên kế hoạch cung cấp 38 tỷ mét khối khí đốt hàng năm trong một thỏa thuận trị giá 400 tỷ đô la. Công ty hóa dầu lớn nhất của Nga - Sibur cũng nhắm mục tiêu Trung Quốc là thị trường tăng trưởng chính

Về mặt nông nghiệp, Nga cũng sẵn sàng lấp đầy khoảng trống lương thực do Mỹ để lại trong cuộc chiến thương mại. Dịch lợn châu Phi bùng nổ tàn phá công nghiệp địa phương, Trung Quốc chuyển sang các nguồn protein khác và các nhà sản xuất thịt tại Nga mong muốn đưa đậu nành, gia cầm sang nước bạn. Họ đã sẵn sàng lấp đầy khoảng trống của Hoa Kì trong tình cảnh đất nước đông dân nhất thế giới bị kìm kẹp bởi dịch lợn châu Phi và chiến tranh thương mại. Bắc Kinh cũng đã đưa thịt lợn và thịt gà và danh sách thuế trả đũa đối với các sản phẩm trị giá 60 tỷ đô la của Mỹ hồi tháng 5 và đồng thời đình chỉ nhập khẩu đậu nành từ đây. Giám đốc điều hành của công ty sản xuất thịt lớn nhất nước Nga Cherkizovo Group, ông Mikhailov cho biết công ty ước tính tiềm năng xuất khẩu gia cầm sang Trung có thể khoảng 200 nghìn tấn mỗi năm và nhắm mục tiêu 40 nghìn tấn sản phẩm chỉ riêng cho năm sau. Hợp tác nông nghiệp đã được đề cao trong chương trình nghị sự song phương khi cả hai bên tìm cách củng cố mối quan hệ trước tình hình căng thẳng hiện tại.

 Bên cạnh đó, hai nước đã ký một số thỏa thuận cao cấp có thể kể đến như hai công ty công nghệ viễn thông Hwawei(TQ) – MTS(Nga) đã đạt được thỏa thuận phát triển 5G tại xứ sở Bạch Dương. Quỹ đầu tư trực tiếp phía Nga và tập đoàn đầu tư phía Trung Quốc đã lập quỹ 1 tỷ đô la hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Các công ty năng lượng hai bên cũng thành lập liên doanh bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga tại Trung. Theo tờ South China Morning Post, giá trị các thỏa thuận trong chuyến thăm của ông Tập được xác định khoảng 20 tỷ đô la.

Cuộc chiến thương mại đã vô tình “hâm nóng” mối quan hệ hai nước, tạo nên sự thay đổi địa chính trị sâu sắc đến mức có người gọi đây là liên minh chuyên quyền khi chính quyền Trump gây áp lực leo thang lên Bắc Kinh và trừng phạt Nga giúp hai nước này xích lại gần nhau hơn. Cả hai kiên quyết phản đối việc sử dụng một cách có chủ ý thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ, cố tình kích động tranh chấp thương mại. Gắn kết họ lại với nhau chính là cùng chống lại sự lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kì và mối quan tâm chung đối với sự tồn tại chính trị.

Đã đến lúc các nhà lãnh đạo phương Tây từ bỏ thái độ thờ ơ đối với sự phát triển quan hệ Nga-Trung và đưa ra các chiến lược thích hợp. Giới tinh hoa chính trị Nga hy vọng Trung Quốc sẽ cung cấp cho đất nước họ nguồn thương mại, đầu tư thay thế cũng như gửi thông điệp tới Washington rằng Moscow sẽ không đơn độc một mình.

Nhật Bản

Khác với hai quốc gia trên, Nhật Bản cẩn thận tránh giao tranh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Phía nước này đang tính toán những tác động từ mối đe dọa thuế quan mới nhất từ cường quốc số một thế giới. Thủ tướng Shinzo Abe lo ngại về một kịch bản thỏa thuận thương mại với Mỹ nhưng đồng thời đàm phán với Bắc Kinh sụp đổ. Ông nhận xét: Điều này giống như áp lực cùng lúc từ nhiều nhóm ngành. Thay vì vội vàng quyết định, điều quan trọng là cả hai bên đạt được thỏa thuận thông qua các cuộc đàm phán”.

Sở dĩ Nhật Bản thận trọng như vậy có thể thấy đã rút ra được bài học từ cuộc chiến Mỹ - Nhật trước đó. Những năm 1980 -1990, xuyên suốt hơn một thập kỷ, Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng “khóa chặt” nhau trong cuộc giao tranh thương mại đối với hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ. Phía cường quốc cáo buộc Nhật Bản sử dụng tỷ giá hối đoái cố định với đồng đô la và bắt đầu cuộc chiến tiền tệ. Kết quả cuối cùng, hàng hóa Nhật Bản tụt dốc và hàng nhập khẩu của Mỹ từ nước này cũng giảm đáng kể. Đây chính xác là tình huống Trung Quốc phải đối mặt với hàng thương mại Mỹ. Giữa hai nước Trung – Nhật chỉ khác nhau giữa cách thức đáp trả: hoặc là tránh bị trả thù như Nhật Bản hoặc là tăng cường trả đũa như Trung Quốc. Đối với Nhật Bản mà nói, trong bối cảnh gây chiến thương mại, hành động chuyển hướng đầu tư được coi là hành động mạnh mẽ để ngăn chặn cuộc chiến thay vì trả đũa qua lại. Nước này cho rằng thỏa thuận thương mại ràng buộc thời gian (90 ngày) không giúp Mỹ - Trung chấm dứt chiến tranh một lần và mãi mãi và kiềm chế thâm hụt thương mại không phải giải pháp tối ưu; đảm bảo các cuộc đàm phán kinh doanh thuyết phục sẽ tốt hơn các biện pháp cưỡng chế.

Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích, tác động chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với Nhật Bản vẫn hạn chế đến tăng trưởng kinh tế nước này nhưng rủi ro sẽ tăng cao nếu phía Mỹ áp dụng thuế quan trừng phạt mới. Thuế quan mới của Mỹ sẽ đánh vào điện thoại thông minh, máy tính và các sản phẩm khác mà Nhật Bản là nhà cung cấp linh kiện máy móc lớn. Trên thực tế, động thái này đã làm giảm nhu cầu điện thoại thông minh toàn cầu, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Nhật Bản. Đối với cục diện trước mắt, xứ sở hoa anh đào cần suy xét kĩ lưỡng để không bị mắc kẹt giữa hai cường quốc.

Trước sự lúng túng cố gắng dung hòa của Nhật Bản, cả hai nước giao tranh càng mong muốn đẩy mạnh kết nối thương mại với nước thứ ba này. Hoa Kỳ bày tỏ rõ ràng mong muốn đẩy nhanh các cuộc đàm phán với Nhật Bản và thúc giục một thỏa thuận nhanh chóng chủ yếu về các vấn đề nông nghiệp. Phía Trung Quốc cũng cho tiến hành cuộc đối thoại kinh tế cấp cao ở Bắc Kinh, một mặt kéo dài căng thẳng với Mỹ càng khiến Trung Quốc chịu nhiều sức ép hơn; một mặt Bắc Kinh cũng cần sự hỗ trợ từ châu Âu và Nhật Bản trong công cuộc đa dạng hóa thị trường và đảm nhận vai trò lãnh đạo thúc đẩy thương mại toàn cầu. Quốc gia đông dân nhất thế giới đã sẵn sàng thảo luận cởi mở về các vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và tiếp tục mở cửa thị trường.

Hiện nay Nhật Bản vẫn luôn thận trọng trong từng động thái nhưng hơi hướng rộng mở với Trung Quốc hơn trước. Quốc gia này hi vọng sẽ làm “tan băng” mối quan hệ với Trung sau nhiều năm căng thẳng tranh chấp trên biển như vậy Bắc Kinh cũng dễ thỏa hiệp hơn trong các cuộc đàm phán. Theo quan điểm từ giáo sư Liu Jiangyong nghiên cứu nước Nhật tại Đại học Thanh Hoa cho biết: Nhật Bản căng thẳng với Hoa Kì nhưng thiếu sự tiến bộ trong quan hệ với các nước khác như Nga và Bắc Triều, như vậy có nghĩa là cần phải duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc. Tuy nhiên hiện tại nước này cũng lo lắng rằng lợi nhuận kiếm được từ Trung sẽ thấp hơn so với từ Mỹ và Châu Âu.

Mexico

 Nước láng giềng phía Nam Hoa Kì - Mexico sau nhiều năm cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa tới Mỹ với Trung Quốc đang được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại gần đây. Căng thẳng gia tăng giữa hai cường quốc tạo ra lỗ hổng lớn trong xuất khẩu sản phẩm mang lại cơ hội có một không hai cho Mexico. Quốc gia này đã vượt qua Trung Quốc và Canada trước mắt trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kì.

 Trong cuộc chiến này, tổn thất của Trung Quốc chính là lợi nhuận cho Mexico. Thương mại song phương Trung-Mỹ suy yếu trong quý đầu tiên của năm nay khi lượng đơn xuất khẩu từ cả hai bên bắt đầu giảm dần. Mexico đã tận dụng thuế quan thương mại mà Mỹ áp đặt cho phía Trung, trở mình tiến tới vị trí đối tác hàng đầu như iện nay. Tổng thống Donald Trump đã kiên quyết ngăn chặn dòng người Mexico nhập cư từ biên giới phía nam Hoa Kì nhưng ông không thể gỡ bỏ dòng chảy hàng hóa Mexico có thể lấp đầy phần nào khoảng trống hàng hóa do Trung Quốc để lại bởi chiến tranh thương mại. Theo dữ liệu điều chỉnh theo từng thời điểm từ Cục điều tra dân số Hoa Kì, trong hai tháng đầu năm nay, Hoa Kì đã thực hiện 102,5 tỷ đô la giao dịch hàng hóa với nước láng giềng, vị trí thứ hai là Canada với 97,5 tỷ đô và Trung Quốc xếp thứ ba với 96,7 tỷ.

Trên thực tế, các lô hàng từ Mexico đến Mỹ đã tăng 5,4% trong quý đầu tiên và nước này đã chiếm thị phần từ Trung Quốc bằng cách bán các sản phẩm có trong danh sách thuế quan tháng 9 năm 2018 của Hoa Kì. Ví dụ như trường hợp của công ty gia công Tecma Group, nơi quản lý khoảng 75 nhà máy ở Mexico đã chứng kiến các công ty bán hàng nội thất... tìm đường ra khỏi Trung Quốc, tiến vào thị trường nước này. Hay như Emilio Isais của Gonher, một công ty phụ tùng ô tô tại Mexico đã chia sẻ cám ơn ông Trump đã đưa đến kết quả mong đợi và rằng giao tranh giữa Mỹ-Trung có thể giúp một số doanh nghiệp nâng cao giá trị. Căng thẳng thương mại dẫn đến việc hai nước mạnh nhất thế giới ít nhập khẩu hàng hóa của nhau và phải mua thêm từ các quốc gia như Việt Nam và Mexico. Tuy nhiên đây chưa phải là điểm dừng cuối cùng, phía Mexico lo ngại lợi ích nền kinh tế của mình sẽ bị đè nén nếu Tổng thống Trump thực hiện áp đặt mức thuế 5% với hàng hóa xuất sang Hoa Kì với những lo ngại sau.

Thứ nhất, Trung Quốc vẫn là điểm đến của hầu hết các mặt hàng nhập khẩu Hoa Kỳ dù rằng hai bên đang nổ ra chiến tranh. Theo nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Pháp Natixis, đề cập đến việc các công ty Mỹ chuyển xuất nhập khẩu từ một nước xa xôi như Trung Quốc về nước bạn gần hơn là Mexico, ông cho hay dù vậy Mexico vẫn không đủ lớn để chuyển toàn bọ sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Đối với các bộ phận công nghệ cao trong các sản phẩm điện tử, Mexico dường như không thể lấn át Trung Quốc ra khỏi thị trường.

Thứ hai, trước bối cảnh phức tạp hiện nay, Hoa Kì luôn là đối tượng mà các nhà sản xuất cần cân nhắc để tránh thuế quan, ông Rajiv Biswas từ công ty tư vấn HIS Markit cho hay. Trong trường hợp áp đặt thêm mức thuế như trên, với lượng giao dịch lớn mới đạt được của Mexico, các khoản đầu tư phía trên đều có nguy cơ bị đóng băng.

Nhìn chung, trong trường hợp có mức thuế áp đặt mới hay không thì Mexico đã hưởng lợi từ cuộc chiến này. Theo phân tích số liệu từ công ty tư vấn thương mại De la Calle Madrazo Mancera (CMM), Mexico đã có cơ hội thay thế Trung Quốc ở Mỹ và ngược lại. Ngoài ra, Trung Quốc và các công ty châu Á khác cũng có thể nắm lấy Mexico làm nền tảng xuất khẩu sang Mỹ. Tóm lại, dù lựa chọ cường quốc nào đi chăng nữa thì người bạn phía Nam nước Mỹ cũng đã gặt hái được những lợi ích nhất định và xu hướng thúc đẩy phát triển trong tương lai.

Lê Thu