Những con số báo động
Có biết không chiếc điện thoại di động mà bạn sở hữu cần ít nhất 7000 lít nước sạch và siêu sạch để sản xuất - chủ yếu từ các linh kiện bán dẫn trong điện thoại của bạn. Vì vậy hãy nhân con số đó với tổng sản lượng mỗi năm và bạn sẽ thấy những vấn đề to lớn cần giải quyết.
Việt Nam xuất khẩu một lượng điện thoại di động đáng kể ra thế giới và là một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Việc mở rộng chuỗi cung ứng này để bao trùm ngành công nghiệp bán dẫn cũng làm tăng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng về nước và xử lý chất thải cùng với các công nghệ và dịch vụ liên quan.
Ông Trần Việt Anh - Chủ Tịch Hiệp Hội Tái Chế Chất Thải Việt Nam cho biết chúng ta đã thấy sự ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước, sự gia tăng đáng kể của sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Điều này đặt ra một thách thức lớn trong việc xử lý và tái chế chúng. Chúng ta đang đối mặt với việc cần thay đổi, cập nhật liên tục công nghệ xử lý nước, với việc quản lý một lượng lớn chất thải nhựa và tìm cách thu gom, tái chế và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn cũng như quy trình xử lý chất thải rắn.
Cùng quan điểm trên, TS Ali Saleh - Cố vấn đặc biệt - Mạng lưới Khoa học nước, Môi trường và Khoa học trái đất Đông Nam Á cho biết, lộ trình phát triển của ngành nước của Việt Nam tuy đáng khen ngợi nhưng cũng ẩn chứa nhiều thách thức như dân số đô thị tăng nhanh, ô nhiễm nước ngày càng gia tăng và tác động nhiều mặt của biến đổi khí hậu.
Chúng ta đều biết tầm quan trọng của nước trong việc hoạch định sự phát triển bền vững. Nước là giải pháp cho nhiều cuộc khủng hoảng, từ biến đổi khí hậu, giảm thiểu đa dạng sinh học, bất bình đẳng đến sức khỏe con người, môi trường và nền kinh tế. Bước đầu tiên cần làm để đến gần hơn với việc quản lý nguồn nước đô thị, công nghiệp và tưới tiêu hiệu quả là đảm bảo cung cấp đầy đủ các công nghệ xử lý nước và nước thải.
Dự báo giai đoạn năm 2025 - 2030, nhu cầu tiêu thụ nước tại Hà Nội sẽ tăng 12%, thành phố Hồ Chí Minh tăng 6 - 8% mỗi năm.
Giải pháp công nghệ môi trường, cấp thoát nước và xử lý nước thải
Để giải quyết tất cả những thách thức hiện tại và tương lai này đòi hỏi phải có các biện pháp khuyến khích, đầu tư và đổi mới.
Ông BT Tee – Tổng Giám đốc Công ty Informa Markets Việt Nam – đơn vị tổ chức Vietwater 2023 chia sẻ năm nay, với hơn 450 Nhà triển lãm đại diện cho hơn 25 Quốc gia/Khu vực và 10 tập đoàn quốc tế. Trong đó nổi bật với các nước phát triển như Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Israel… Vietwater-WETV tiếp tục cung cấp các công nghệ và dịch vụ mới cho thị trường Việt Nam.
“Chúng tôi hy vọng lượng khách thương mại năm 2023 sẽ vượt mục tiêu 10.000, từ đó, các cơ hội kinh doanh tăng tốc sẽ cho phép chúng tôi đạt và vượt các kỷ lục đã đặt ra trước đó vào năm 2024, nơi chúng tôi cũng sẽ tạo thêm các lĩnh vực trọng tâm đặc biệt cho một số công nghệ xử lý nước công nghiệp siêu tinh khiết, quản lý chất thải y tế và chất thải nguy hại cũng như các ứng dụng viễn thám.”, Ông BT Tee nói.
Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục Trưởng Cục Kiểm Soát ô Nhiễm Môi Trường cũng đưa ra dẫn dụ nếu chúng ta đem đốt chất thải thì nghĩa là chúng ta đang đốt hết tài nguyên từ chất thải bởi 80% lượng chất thải mà chúng ta thải bỏ đều có thể tái chế, tái sử dụng; chúng ta đang đốt đi cơ hội để tăng tỷ lệ tái chế cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang nước ngoài; chúng ta đang đốt đi hạn ngạch Cacbon mà đáng nhẽ chúng ta được hưởng từ việc tái chế, tái sử dụng.
Ông Trung đưa ra các phương án cụ thể. Trong đó, đưa ra chính sách trách nhiệm của nhà sản xuất/nhập khẩu (EPR) để có trách nhiệm đóng góp tài chính cho các cơ sở thu gom, tái chế, xử lý chất thải là một trong những chính sách quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế, công nghiệp môi trường là tín chỉ cacbon đã được đưa vào luật BVMT 2020.
Theo đó đến năm 2024 sẽ vận hành thử nghiệm sàn giao dịch cacbon. Các đơn vị hiện đang làm công tác thu gom, xử lý, tái chế chất thải sẽ có thêm nhiều cơ hội và lợi nhuận từ việc cung cấp tín chỉ cacbon cho các doanh nghiệp chưa đảm bảo được hạn ngạch cacbon;
Ngoài ra nhiều chính sách khác để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế, công nghiệp môi trường đã được ban hành như: Ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư; Ưu đãi về thuế, phí và lệ phí; Trợ giá sản phẩm, dịch vụ về bảo vệ môi trường,…
TS Ali Saleh cho biết: “Sứ mệnh của chúng tôi là thúc đẩy các giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết những thách thức cấp bách về nước và môi trường mà Việt Nam, sông Mê Kông và Đông Nam Á đang phải đối mặt. Điều này phù hợp với nguyện vọng của Thập kỷ hành động quốc tế “Nước vì sự phát triển bền vững” và phù hợp với chủ đề của Đại hội đồng Liên hợp quốc cho Ngày Nước thế giới năm 2023: “Thúc đẩy sự thay đổi”.
“Hội nghị độc đáo này là cầu nối độc đáo giữa học thuật và thực tiễn. Bằng cách kết hợp kiến thức chuyên môn của giới học thuật, lĩnh vực nghiên cứu, ngành công nghiệp, các nhà hoạch định chính sách và xã hội dân sự toàn cầu, chúng tôi mong muốn cung cấp cho các bên liên quan ở địa phương kiến thức toàn cầu rộng lớn về nước, môi trường và khoa học địa chất. Chúng tôi tin tưởng rằng nỗ lực hợp tác này sẽ đẩy nhanh việc chia sẻ kiến thức, xây dựng một lực lượng lao động mạnh mẽ và nhanh nhẹn, sẵn sàng đương đầu với những thách thức phức tạp đang nổi lên, đảm bảo một tương lai tươi sáng và bền vững hơn cho tất cả mọi người.”, TS Ali Saleh nói.
Mị Dung