Trong khi đó, hãng Bloomberg đưa tin Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) dự báo giá dầu thô sẽ vọt lên 70 USD/thùng vào quý II/2021 do tiêu thụ năng lượng toàn cầu tăng mạnh trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 ngày càng giảm, hiệu quả tiêm chủng vắc –xin tốt lên, dịch bệnh từng bước được kiểm soát, hoạt động kinh tế - xã hội trên thế giới từng bước phục hồi. Nhất là khi nước Anh đang xem xét dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa vì dịch bệnh, dữ liệu sơ bộ từ Israel cho thấy vắc-xin Pfizer-BioNTech đã ngăn ngừa gần như 90% số ca lây nhiễm Covid-19.

Các thông tin này có lẽ làm cho giới đầu tư tài chính ngưng bỏ vốn vào trái phiếu lẫn cổ phiếu, khiến lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm mạnh; thị trường chứng khoán châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ gần như chìm trong sắc đỏ. Thế nên dòng tiền chảy mạnh vào thị trường hàng hóa. Giá vàng tăng thêm động lực đi lên.

Giao dịch trên thị trường vàng cho thấy, vào đầu ngày 22/2, giới đầu tư đã mạnh tay mua vào. Giá vàng bật tăng 15 USD/ounce, cán mức 1.800 USD/ounce. Tiếp đến, khi giá dầu thô tăng vọt và lãi suất trái phiếu của Mỹ giảm, chứng khoán toàn cầu mất điểm, thị trường vàng gần như vắng bóng người bán ra. Giá vàng vì thế mà vọt lên 1.813 USD/ounce. Sau đó, giá vàng đi ngang và đến đầu ngày 23-2 giao dịch tại 1.811 USD/ounce.

Vàng tăng giá trở lại còn đến từ đồng USD suy yếu, chỉ số USD-Index giảm 0,4 điểm, xuống còn 90,03 điểm. Thêm vào đó, số người chết tại Mỹ do Covid-19 đã vượt qua 500.000 và khả năng gói hỗ trợ kinh tế 1.900 tỉ USD sẽ được sớm đưa ra. Điều này lại dấy lên nỗi ám ảnh lạm phát và vàng hưởng lợi tăng 1,5%.
Đức Huân