Giá lương thực tại các nước châu Á có thể vẫn chưa chạm đỉnh

15:24 12/07/2022

Sonal Varma, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Nhật Bản nói với CNBC rằng những thay đổi về giá thực phẩm ở Châu Á có xu hướng tụt lại phía sau so với diễn biến toàn cầu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, giá lương thực trên toàn thế giới đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, nhưng giá vẫn dao động gần mức cao lịch sử trong tháng 3.

Một nhà kinh tế tại Nomura cho biết châu Á vẫn chưa chứng kiến giá thực phẩm chạm đỉnh, và có khả năng cao giá sẽ chạm đỉnh trong quý 3. 

Sonal Varma, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Nhật Bản nói với CNBC rằng những thay đổi về giá thực phẩm ở Châu Á có xu hướng tụt lại phía sau so với diễn biến toàn cầu khi các chính phủ áp dụng các biện pháp trợ cấp và kiểm soát giá để giảm giá tạm thời.

Chỉ số giá thực phẩm của FAO , theo dõi sự thay đổi hàng tháng của giá cả hàng hóa thực phẩm toàn cầu, đã giảm 2,3% trong tháng 6 so với một tháng trước. Nguyên nhân là do giá dầu thực vật, ngũ cốc và đường trên thế giới giảm, nhưng vẫn còn cao hơn 23,1% so với một năm trước. 

Tác động đến các nước Châu Á

Theo Nomura, các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Philippines và Ấn Độ có thể sẽ chứng kiến ​​mức tăng giá thực phẩm cao nhất trong nửa cuối năm nay.

Trong một ghi chú được công bố vào tháng 6, Varma và nhóm của cô cho biết nhập khẩu thực phẩm chiếm hơn 2% tổng sản phẩm quốc nội của Philippines, cao thứ hai ở châu Á sau Hồng Kông. Thực phẩm cũng chiếm tỷ trọng cao - gần 35% trong rổ chỉ số giá tiêu dùng của cả nước.

Hàn Quốc và Singapore cũng gặp rủi ro vì họ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực.

Và trong khi Ấn Độ tự cung tự cấp về lúa mì và gạo, thì đợt nắng nóng đang diễn ra tại đất nước này, sự chậm trễ của gió mùa và giá các mặt hàng thực phẩm khác như thịt và trứng tăng có thể sẽ đẩy giá lên. 

Thay vì đưa ra các lệnh cấm xuất khẩu làm ảnh hưởng giá lương thực, Varma cho biết các chính phủ nên sử dụng hình thức hỗ trợ tài khóa có mục tiêu để giúp đỡ những người có thu nhập thấp vào thời điểm này. 

Cô nói: “Các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn thường dành một phần lớn chi tiêu cho thực phẩm, vì vậy điều quan trọng hơn là phải bảo vệ họ".  

Giá lúa mì tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái

Theo chỉ số giá lương thực của FAO, giá ngũ cốc đã giảm 4,1% trong tháng 6 so với tháng 5, nhưng vẫn cao hơn 27,6% so với một năm trước. 

Giá lúa mì đã giảm 5,7% trong tháng 6, nhưng vẫn cao hơn 48,5% so với một năm trước do hậu quả của cuộc chiến Nga-Ukraine. Nga và Ukraine cùng chiếm 28,47% xuất khẩu lúa mì toàn cầu vào năm 2020.

FAO cho biết giá lúa mì giảm là do điều kiện mùa vụ tốt hơn, có sẵn từ các vụ thu hoạch mới ở Bắc bán cầu và xuất khẩu nhiều hơn từ Nga. 

Giá dầu thực vật giảm mạnh nhất, giảm 7,6% so với tháng trước. Giá dầu cọ giảm do nguồn cung toàn cầu tăng lên, trong khi nhu cầu ít hơn đối với dầu hướng dương và dầu đậu nành cũng khiến giá giảm. Giá đường giảm 2,6% so với tháng trước do cung tăng và cầu giảm.

Giá thịt cao kỷ lục

Giá thịt đạt mức cao kỷ lục trong tháng 6, tăng 1,7% so với tháng 5 và 12,7% so với một năm trước, do nguồn cung tiếp tục bị cắt giảm do chiến tranh. Dịch cúm gia cầm bùng phát ở Bắc bán cầu cũng tác động đến giá thịt.

Sữa đắt hơn 4,1% so với tháng 5 và đắt hơn 24,9% so với tháng 6 năm ngoái. FAO cho biết giá pho mát tăng mạnh nhất do đợt nắng nóng ở châu Âu.

FAO cảnh báo rằng trong khi giá lương thực giảm trong tháng 6, các yếu tố khiến giá toàn cầu tăng cao ngay từ đầu vẫn đang diễn ra. "Chúng bao gồm nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ, thời tiết bất lợi ở một số quốc gia lớn, chi phí sản xuất và vận chuyển tăng cao, và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID-19, cùng với đó là những bất ổn bắt nguồn từ cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine”, nhà kinh tế trưởng của FAO, Maximo Torero Cullen cho biết trong một tuyên bố. 

Varma cho biết giá thực phẩm khó có khả năng giảm đi đáng kể trong thời gian tới và suy thoái sẽ không gây ra sự sụt giảm giá nguyên liệu.

Bảo Bảo