Giá đường tăng, doanh nghiệp chưa vui

00:00 12/10/2020

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, việc dịch bệnh đang quay trở lại, kéo theo việc hạn chế đi lại như hiện nay, đã gần như dập tắt hy vọng về việc tiêu thụ đường phục hồi. Trên thị trường, nguồn cung đường rất dồi dào đến hết năm 2020. Vì vậy, doanh nghiệp không kỳ vọng sẽ được lợi theo đà tăng của giá đường thế giới.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, thị trường đường thế giới đến ngày 30/7/2020 đã đồng loạt tăng giá 2 loại đường trắng và đường thô. Mức tăng trong một tháng qua là 2,61% đối với đường trắng và 1,44% đối với đường thô. Tuy nhiên, quan hệ cung-cầu đường trên thế giới vẫn ổn định sau khi giá đường tăng mạnh. Và giá tăng này là do có thông tin Trung Quốc và Pakistan đang tăng cầu, tăng nhập khẩu đường. Bên cạnh đó, hạn hán tại Thái Lan cũng là một yếu tố hỗ trợ, làm giảm triển vọng sản lượng tại nước vốn xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới này (sau Brazil).

Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu đường của Trung Quốc trong tháng 6 và 7/2020 cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019. Pakistan cũng là quốc gia có nhu cầu về đường cao và để giải quyết tình trạng thiếu hụt trong nước, Pakistan sẽ nhập khẩu khoảng 300.000 tấn đường. Đây là những thông tin tác động trực tiếp đến giá đường tuần này, khiến giá “tăng dần đều”.

gia duong tang doanh nghiep chua vuiẢnh minh họa.

Thực tế từ các nước sản xuất đường trên thế giới cho thấy, hiện nguồn cung đang dồi dào. Trong khi đó, các chuyên gia dự báo, sắp tới nhu cầu đường thế giới không tăng, thậm chí có thể còn giảm nhẹ. Tại nước sản xuất đường lớn nhất thế giới là Brazil, sản lượng đường đến tháng 7/2020 tăng mạnh 55,6% so với cùng kỳ niên vụ trước, đạt hơn 3 triệu tấn, trong khi tỉ lệ sử dụng mía để sản xuất đường tăng lên mức 47,94%, lớn hơn nhiều so với mức 35,99% cùng kỳ niên vụ 2019/2020.

Tại Việt Nam, các nhà máy đường đã kết thúc vụ ép 2019/2020 với 769.169 tấn đường, cùng với lượng tồn kho đường ngoại ở mức cao (khoảng 500 nghìn tấn), khiến giá bán đường trong nước không tăng theo giá thế giới. Thậm chí còn dưới giá thành sản xuất, gây khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp mía đường trong vụ tới. Trên thị trường hiện nay, đường tồn kho không bán được, nhưng doanh nghiệp vẫn cần nguồn tiền để trang trải chi phí sản xuất, tiền lương cho người lao động. Trong khi đó, đường và chất tạo ngọt được nhập về ồ ạt. Nguồn cung đường dư thừa khiến giá đường có xu hướng giảm về cuối tháng 7/2020.

Có thể so sánh, hiện giá đường sản xuất từ mía trong nước dao động từ 12.000 đồng - 13.500 đồng/kg. Nhưng các doanh nghiệp mía đường cho hay, đường sản xuất từ mía khó tiêu thụ, trong khi đó giá đường nhập khẩu chính ngạch (theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - ATIGA) vào Việt Nam lại cạnh tranh gay gắt với đường trong nước, đẩy giá đường tại thị trường nội càng ngày càng thấp hơn, mặc dù giá đường quốc tế đang tăng.

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, việc dịch bệnh đang quay trở lại, kéo theo việc hạn chế đi lại như hiện nay, đã gần như dập tắt hy vọng về việc tiêu thụ đường phục hồi. Trên thị trường, nguồn cung đường rất dồi dào đến hết năm 2020. Vì vậy, doanh nghiệp không kỳ vọng sẽ được lợi theo đà tăng của giá đường thế giới.

Ông Nguyễn Văn Lộc cho hay, để ứng phó với xu hướng giá đường vẫn ở mức thấp dưới mức giá thành sản xuất như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp mía đường chuyển hướng đầu tư trang thiết bị hiện đại, bên cạnh sản xuất đường, còn nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm. Như Công ty mía đường Quảng Ngãi từ sản xuất đường tinh luyện, nay nhập đường thô Thái Lan và các nước trong khu vực (giá rẻ) để tinh luyện đường RE; cùng với đó sản xuất sản phẩm sữa đậu nành. 

Tập đoàn mía đường Lam Sơn, Thanh Hóa (Lasuco Group), khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiêu thụ đường, doanh nghiệp này đã đưa vào sử dụng nhà máy chế biến thực phẩm công nghệ cao Lavinafood, chế biến các sản phẩm chuyên sâu, chất lượng, an toàn từ mía. Còn Tập đoàn Thành Thành Công tăng thêm sản phẩm từ mía, bắt kịp xu hướng ẩm thực hiện đại như đường sạch, đường vàng Cô Ba, đường lỏng Mía Xanh, nước màu Bếp Xưa, đường đen Nữ Hoàng... để hấp dẫn người tiêu dùng.

Thanh Thanh