GDP Trung Quốc tăng vượt kỳ vọng nhưng sự phát triển kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức

16:59 18/04/2022

Nền kinh tế Trung Quốc đã có một khởi đầu vững chắc trong năm, ghi nhận mức tăng trưởng quý đầu tiên vượt qua kỳ vọng. Nhưng sự sụt giảm gần đây trong chi tiêu tiêu dùng và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng cho thấy những tháng sắp tới sẽ khó khăn hơn nhiều với hàng chục thành phố vẫn đang bị phong tỏa.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã tăng 4,8% trong ba tháng tính đến ngày 31 tháng 3, so với cùng kỳ năm ngoái, theo Cục Thống kê Quốc gia hôm nay (18/4) cho biết. Con số này đã nhanh hơn mức tăng 4% trong quý trước.

Tăng trưởng được thúc đẩy bởi hoạt động kinh tế tốt đáng ngạc nhiên trong tháng 1 và tháng 2, với một số chỉ số cho hai tháng đó đánh bại dự đoán của các nhà phân tích.

Nhưng những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiềm chế đợt bùng phát Covid tồi tệ nhất trong hai năm đã giáng một đòn mạnh vào hoạt động kể từ tháng 3, bao gồm cả ở trung tâm tài chính và trung tâm sản xuất của đất nước - Thượng Hải . Nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động, trong đó có hãng xe Volkswagen và Tesla và nhà lắp ráp iPhone Pegatron.

Doanh số bán lẻ giảm 3,5% trong tháng 3 so với một năm trước, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 7 năm 2020. Sản xuất công nghiệp tăng 5% trong tháng 3, so với 7,5% trong hai tháng đầu năm.

Người phát ngôn Fu Linghui của NBS cho biết: “Sự phát triển kinh tế hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức”.

Fu cho biết, đợt bùng phát dịch bệnh Covid vào tháng 3 đã làm gián đoạn sản xuất ở một số khu vực và làm ảnh hưởng đến tiêu dùng. Trong đó, dịch vụ ăn uống, du lịch và vận tải bị ảnh hưởng nặng nề.

Ông nói, kết quả của "cú sốc Covid" là tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên. Tỷ lệ thất nghiệp ở 31 thành phố lớn đã tăng lên 6% trong tháng 3, mức cao kỷ lục. Trong số những người từ 16 đến 24 tuổi, tỷ lệ thất nghiệp đạt 16%, mức cao nhất trong tám tháng.

Mục tiêu tăng trưởng có vẻ quá cao

Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm nay là khoảng 5,5%, mức thấp nhất trong ba thập kỷ. Nhưng sự bùng nổ của Covid, kết hợp với cuộc chiến ở Ukraine - vốn đã đẩy giá dầu và hàng hóa lên cao đã khiến nhiều nhà kinh tế đánh giá là mục tiêu có vẻ ngoài tầm với.

Larry Hu, nhà kinh tế trưởng của Greater China tại Macquarie Group, cho biết: “Dữ liệu kinh tế trong tháng 4 có thể còn tồi tệ hơn nữa”. Ông dự kiến ​​tăng trưởng trong năm sẽ vào khoảng 5%.

Một số nhà phân tích thậm chí còn đang nói về nguy cơ nền kinh tế đi ngược lại trong quý hiện tại, khi cuộc khủng hoảng tiếp tục xảy ra đối với lĩnh vực bất động sản Trung Quốc gây thêm áp lực.

Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura viết hôm thứ nay rằng: “Dữ liệu hoạt động được dự báo sẽ giảm mạnh trong tháng 4, do rủi ro suy thoái trong quý 2 tăng lên”.

"Mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5% của Bắc Kinh trong năm nay đang ngày càng trở nên thách thức và hiện chúng tôi nhận thấy những rủi ro giảm đáng kể đối với dự báo tăng trưởng GDP hàng năm là 4,3%".

Các lệnh phong tỏa kéo theo tác động đến nền kinh tế 

Thượng Hải là tâm chấn của đợt bùng phát Covid hiện tại, nhưng họ không đơn độc - Nomura ước tính rằng 45 thành phố của Trung Quốc bị đóng cửa toàn bộ hoặc một phần, ảnh hưởng đến một phần tư dân số và khoảng 40% nền kinh tế của đất nước.

Trong một nỗ lực để giảm bớt sự gián đoạn, chính phủ Trung Quốc hôm thứ Sáu (15/4) đã công bố một danh sách gồm 666 công ty sẽ được phép hoạt động trở lại sản xuất. Gần 40% là các nhà sản xuất ô tô, hoặc các công ty tham gia cung cấp cho ngành công nghiệp ô tô. Không rõ khi nào các công ty đó có thể tiếp tục sản xuất.

Chiến lược zero-Covid của Trung Quốc vẫn là rủi ro chính đối với triển vọng kinh tế của nước này.

"Trên thực tế, nền kinh tế đang gặp khó khăn. Vấn đề, như chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, là các đượt phong tỏa - vẫn diễn ra và vẫn đang lan rộng", các nhà phân tích từ Societe Generale cho biết hôm nay. 

Trong tuần qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhiều lần cảnh báo về mối đe dọa mà Covid gây ra đối với tăng trưởng và việc làm. Thứ Tư tuần trước (13/4), ông hứa sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn nữa để thúc đẩy nền kinh tế. Hai ngày sau, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc - quy định lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải giữ trong dự trữ, một động thái nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay.

Bảo Bảo