Dù giá xăng giảm, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục gồng mình

14:52 05/08/2022

Dù giá xăng đang giảm mạnh nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn rất lo lắng khi một số mặt hàng hiện đã thiết lập mặt bằng giá mới và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các doanh nghiệp cho biết vẫn đang gồng mình vì giá nguyên liệu đầu vào vẫn tăng phi mã.

Dù giá xăng giảm, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục gồng mình
Dù giá xăng giảm, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục gồng mình vì giá nguyên liệu đầu vào vẫn tăng phi mã.

Thời gian qua, giá vận tải, kho bãi, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao đẩy chi phí sản xuất tăng đã làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ tín dụng, vay vốn dành cho doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19 vẫn chưa đến tay đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng đuối sức.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc giảm giá xăng dầu sẽ có tác động tức thì, nhưng thông thường, cần phải có khoảng thời gian ít nhất 10 - 20 ngày để hình thành sự điều chỉnh chung trên thị trường giá cả. Người dân, doanh nghiệp cũng không nên đặt nhiều kỳ vọng vào việc giá hàng hóa, dịch vụ, thực phẩm sẽ giảm ngay lập tức theo giá xăng dầu.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích, giá xăng dầu thường được điều chỉnh 10 ngày/lần và theo giá thị trường. Còn với giá hàng hóa tăng theo giá nguyên liệu đầu vào, trong đó có giá xăng và doanh nghiệp đã hạch toán dần vào chi phí sản xuất. Tùy ngành nghề, chi phí xăng dầu sẽ chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Do đó sẽ rất khó để giá hàng hóa giảm ngay trong 10 ngày (theo kỳ điều hành xăng dầu). 

Hiện nay, sau ba lần điều chỉnh, giá xăng dầu đã giảm mạnh so với trước. Tuy nhiên sau khi giá xăng dầu giảm phải mất một thời gian nhất định để các doanh nghiệp sản xuất tính toán đầu vào, từ đó điều chỉnh giá bán thực tế. Bởi vậy, khi giá xăng dầu giảm theo chu kỳ, giá hàng hóa khó giảm ngay theo. Thậm chí, một số mặt hàng như thịt, trứng... khó giảm giá và có thể sẽ tăng do giá nguyên vật liệu đang tăng cao.  

Ảnh minh họa
Khi giá xăng dầu giảm theo chu kỳ, giá hàng hóa khó giảm ngay theo, một số mặt hàng như thịt, trứng... khó giảm giá và có thể sẽ tăng do giá nguyên vật liệu đang tăng cao.

Ông Trương Chí Thiện - Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cũng chia sẻ, dù giá xăng dầu đã giảm nhưng vẫn khó kéo giá trứng, gia cầm xuống thấp bởi giá thành sản xuất trứng đã tăng cao kỷ lục. Cụ thể, trong cơ cấu giá thành sản phẩm "giá xăng dầu chỉ tác động đến vận tải trong khi vận tải chỉ chiếm khoảng 20% trong cơ cấu giá thành. Ngược lại, chi phí chính là giá trứng mua vào đang ở mức cao nên việc giảm giá bán thời điểm này là không thể”, ông Thiện lý giải thêm. 

Một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hàng thực phẩm từ Mỹ tại TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết sản phẩm thủy sản nhập khẩu đã tăng giá cao hơn nhiều so với cùng kỳ do giá USD lên, cộng hưởng chi phí vận chuyển tăng gấp đôi. Điều đáng lo là trong khi giá sản phẩm nhập khẩu đều tăng mạnh so với cùng kỳ, thì người tiêu dùng càng thắt chi tiêu khiến doanh nghiệp ngày càng điêu đứng.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM cho biết, hiện chi phí vận chuyển một container từ Việt Nam sang Hàn Quốc từ 15-17 triệu đồng tăng lên 30 triệu đồng, cước vận chuyển nội địa cũng tăng 20-30% càng làm cho doanh nghiệp không còn lợi nhuận dù nhà sản xuất phải tăng giá bán sản phẩm 5-7%. Thế nhưng, cái khó của các nhà sản xuất ngành nhựa là khó đàm phán với đối tác để tăng giá bán nhằm bù đắp chi phí đầu vào, không những vậy còn bị giảm số lượng đơn hàng. Trong khi đó, sức tiêu thụ nhiều mặt hàng nhựa trong nước giảm đáng kể, từ 10-20%. 

Ảnh minh họa

Không chỉ ngành nhựa, gặp nhiều khó khăn, ngành sơn cũng không ngoại lệ. Theo bà Nguyễn Thị Lạc Huyền - Chủ tịch Hiệp hội Sơn - Mực in Việt Nam, ngành sơn sụt giảm thê thảm thời gian qua, thậm chí có DN còn tăng trưởng âm - điều chưa bao giờ xảy qua trong 20 năm qua. 

Một điều đáng lo khác là tình hình thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, giá năng lượng và nguyên vật liệu vẫn tăng cao. Đặc biệt, lạm phát gia tăng tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của các ngành hàng thế mạnh trong những tháng cuối năm. 

“Nguyên tắc của người kinh doanh làm sao có thể được lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Vì vậy không loại trừ trường hợp có công ty lợi dụng bối cảnh hiện nay để giữ giá hoặc “té nước theo mưa”. Tuy nhiên, nếu có các biện pháp quản lý tốt thì việc giá cả hàng hóa tăng, giảm sẽ đi theo quy luật của thị trường” - Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh thông tin. 

H.H