Dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng trong thời gian

10:07 06/11/2022

Nhận định từ các chuyên gia Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt dự kiến sẽ tăng do nhu cầu thực phẩm tăng cao trong dịp cuối năm.

Do nguồn cung thịt của Việt Nam khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến. Theo Cục Xuất nhập khẩu, do nhu cầu được cải thiện nên nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam tăng nhẹ trong quý III/2022. Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, quý III/2022, Việt Nam nhập khẩu 191,58 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 417,75 triệu USD, tăng 4,4% về lượng và tăng 24,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng trong thời gian này, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Hàn Quốc và Nga là 5 thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam; trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp lớn nhất với 37,35 nghìn tấn, trị giá 125,84 triệu USD, tăng 164,9% về lượng và tăng 180,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.  

Đáng lưu ý, thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…

Đặc biệt, nhập khẩu thịt lợn tiếp tục xu hướng giảm, trong khi nhập khẩu thịt gia cầm, thịt bò, thịt trâu có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong quý III/2022, Việt Nam nhập khẩu 31,76 nghìn tấn thịt lợn (HS 0203), trị giá 67,07 triệu USD, giảm 24,4% về lượng và giảm 30,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thời gian qua, nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm so với cùng kỳ năm 2021 do nhu cầu phục hồi chậm.

Ngoài ra, Brazil, Nga, Đức, Canada và Ba Lan là 5 thị trường cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Việt Nam. Brazil là thị trường cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Việt Nam với 11,79 nghìn tấn, trị giá 25,6 triệu USD, tăng 8% về lượng nhưng giảm 2,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện, giá lợn hơi của Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng. Trong đó, giá lợn hơi tại Trung Quốc biến động mạnh liên tục và giá hiện vẫn ở mức cao hơn 90.000 đồng/kg lợn hơi. Giá tăng cao khiến chính quyền Trung Quốc phải mở kho dự trữ quốc gia để đưa thịt đông lạnh ra thị trường, đảm bảo nguồn cung cho những ngày lễ.

Nhu cầu thịt lợn sẽ tăng vào dịp cuối năm nhưng liệu người nuôi có thoát được cảnh thua lỗ. Giải pháp được một số chuyên gia đưa ra là việc kiểm soát chặt chẽ thị trường thức ăn chăn nuôi, giải phóng nguồn cung trong nước bằng cách tạo điều kiện để xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc... Đó là điểm mấu chốt để giá lợn hơi trung bình có thể tăng đến mức hơn 60.000 đồng/kg, người chăn nuôi có lãi và sẽ yên tâm tái đàn. Thị trường thịt lợn năm 2023 cũng sẽ được ổn định.

Ngọc Phi (tổng hợp)