Đồng Tháp: Phát triển ngành chăn nuôi vịt thành một ngành sản xuất chiến lược của tỉnh, có quy mô lớn, tập trung, bền vững

22:31 04/03/2021

Với tổng đàn vịt gần 7 triệu con, sản lượng trứng bình quân trên 273 triệu trứng/năm, tỉnh Đồng Tháp hiện là địa phương có tổng đàn vịt lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long.

Với mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi vịt thành một ngành sản xuất chiến lược của tỉnh, có quy mô lớn, tập trung, bền vững, khai thác hết phụ phẩm tạo ra giá trị gia tăng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Đồng Tháp sẽ mở rộng nuôi tập trung khép kín, chăn nuôi an toàn sinh học. 

Với tổng đàn vịt gần 7 triệu con, sản lượng trứng bình quân trên 273 triệu trứng/năm, tỉnh Đồng Tháp hiện là địa phương có tổng đàn vịt lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Chính những lợi thế về điều kiện chăn nuôi nên Đồng Tháp đã lựa chọn ngành hàng vịt là 1 trong 5 ngành hàng được địa phương ưu tiên lựa chọn trong phát triển Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.

Nuôi vịt ở Đồng Tháp tập trung nhiều nhất ở các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông, Tháp Mười và Hồng Ngự. Hằng năm, ngành hàng vịt của tỉnh cho sản lượng trên 273 triệu trứng và sản lượng thịt hơi xấp xỉ 9.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vịt đang là điểm nghẽn lớn nhất mà địa phương phải đối mặt. Khi bắt tay vào tái cơ cấu ngành hàng, ngành nông nghiệp phải đương đầu với nhiều bài toán khó khăn như làm thế nào để quản lý dịch bệnh cho đàn vật nuôi khi đàn vịt di chuyển liên tục từ cánh đồng này sang cánh đồng khác; giải pháp nào để những người nuôi vịt đã quen cuộc sống “du mục” có thể cùng ngồi lại với nhau để “làm ăn lớn”; rồi chuyện tìm đầu ra, thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm trứng vịt...

Hiện, Đồng Tháp đã hình thành được nhiều mô hình liên kết và sản xuất tập trung với 5 tổ hợp tác (THT) chăn nuôi vịt rọ, có 26 thành viên với quy mô tổng đàn vịt rọ trên 154.000 con, sản lượng trứng bình quân khoảng trên 3,8 triệu trứng/tháng. Mô hình này đang được phát triển và nhân rộng tại nhiều huyện, thị, thành của Đồng Tháp.

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện với quy mô trang trại, giảm quy mô nuôi nhỏ lẻ, củng cố hoàn thiện các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi vịt hiện có.

Với mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi vịt thành một ngành sản xuất chiến lược của tỉnh, có quy mô lớn, tập trung, bền vững, khai thác hết phụ phẩm tạo ra giá trị gia tăng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Đồng Tháp sẽ phát triển hình thức nuôi tập trung khép kín, chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo về quy mô, chất lượng, an toàn dịch bệnh, đưa giá trị ngành hàng ngày càng phát triển và tổng đàn đạt từ 6-7 triệu con.

Trần Đạt