Đổi mới sáng tạo mở để startup Việt vượt qua “thung lũng chết”

10:56 15/02/2023

"Phải tạo những nguồn vốn mới, ngay cả trong nội địa, nội sinh, những cơ chế để lấy vốn từ dân, doanh nghiệp, cộng đồng để giúp đỡ cho các bạn trẻ khởi nghiệp, đặc biệt đổi mới sáng tạo vượt qua “thung lũng chết”. Đây cũng là điều mà các nước đang làm", ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học Công nghệ) chia sẻ.

Ảnh minh họa
 Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học Công nghệ)

Cuối năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra khái niệm “đổi mới sáng tạo mở”, với mục đích kết nối đa dạng thành phần vào trong hệ sinh thái. Ông Quất cho biết, khái niệm kết nối trong đổi mới sáng tạo mở xuất phát từ khái niệm liên kết 3 nhà: nhà trường – doanh nghiệp – nhà nước (Triple helix); bên cạnh đó là các tổ chức trung gian, hỗ trợ cung cấp vốn, công nghệ…

Ở phương Tây, khái niệm Triple helix đang phát triển theo xu hướng mở. Có nghĩa doanh nghiệp không chỉ sử dụng lực lượng R&D (nghiên cứu và phát triển) ở trong doanh nghiệp, mà còn sử dụng lực lượng tri thức, nghiên cứu ở các trường, viện và startup để giải quyết bài toán cho doanh nghiệp.

Nhà nước cũng không chỉ sử dụng năng lực nội tại mà đặt bài toán quản lý chính quyền, quản lý thách thức xã hội cho doanh nghiệp, viện trường, startup giải quyết, tức mở vấn đề của mình cho xã hội giải quyết. Nhờ vậy sẽ tìm được giải pháp tối ưu nhất mà không cần nghiên cứu lại, chỉ cần tìm cách ứng dụng.

Các viện trường cũng mở cánh cửa của mình cho doanh nhân bước vào để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, giải quyết đầu ra cho các sản phẩm trí tuệ của mình.

Khái niệm đổi mới sáng tạo mở liên kết các thành phần trong hệ sinh thái chặt chẽ hơn. Theo truyền thống, mọi người rất ngại “mở” và hay sử dụng nguồn lực tự có. Nhưng trong thời đại 4.0, ý tưởng không còn quá quan trọng, mà vấn đề là phải thực hiện càng nhanh càng tốt, tức ý tưởng phải thành sản phẩm và giải quyết bài toán cụ thể mới là điều quan trọng.

Hiện các nước trên thế giới đang có xu hướng “mở” rất mạnh mẽ, giúp họ tối ưu hóa nguồn lực cùng với cách mạng 4.0, những nền tảng kỹ thuật số, các phần mềm, không gian mạng, làm cho không gian địa lý dần mờ nhạt, thậm chí mất đi, trở thành một thế giới phẳng. Các trường, viện, cơ quan quản lý đều đưa chung bài toán lên các nền tảng để các nước trong khu vực và toàn cầu giải quyết vấn đề chung, giảm chi phí và tìm được giải pháp nhanh hơn và giải pháp khi tìm ra lan tỏa nhanh hơn.

Singapore trong đại dịch tìm ra rất nhiều giải pháp trong quản lý về thanh toán, ngân hàng số, xây dựng, bảo trì, logistics… Họ đều đưa những bài toán chung và những tập đoàn trao giải thưởng cho startup, viện trường để tìm ra giải pháp nhanh nhất chứ không chỉ dựa vào nghiên cứu của họ như trước đây. Thậm chí các kho sáng chế cũng được họ mở ra để startup, nhà sáng chế tự do khai thác và cùng chia lợi nhuận đem lại. Trước đây, khi đăng kí độc quyền, người ta bảo vệ bí mật những phát minh nhưng nay người ta sẵn sàng trao quyền sử dụng với sáng chế.

Ở Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trương thông qua đề án 844 để thúc đẩy các startup, các lực lượng tinh hoa mới tham gia giải quyết các bài toán của xã hội, chính quyền, doanh nghiệp. Cũng mong muốn các địa phương, doanh nghiệp mở bài toán, thách thức, tạo cơ hội cho các bạn trẻ được tiếp cận và từng bước giải quyết thách thức đó. Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều giải thưởng không chỉ là tiền mặt, không chỉ là động viên khuyến khích mà có các bài toán cho chính địa phương, các tập đoàn đưa ra.

Qualcomm Việt Nam là ví dụ đầu tiên đi cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, mỗi một năm thường có khoảng 30-40 bạn trẻ đưa ra những giải pháp, sáng kiến giải quyết những vấn đề rất cụ thể của tập đoàn, không chỉ ở Việt Nam mà là những vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu.

Sau đó, chúng tôi nhân rộng mô hình này, kêu gọi nhiều tập đoàn đi cùng đưa ra những bài toán, mentor (cố vấn) để đi cùng đào tạo các bạn giải quyết thách thức của doanh nghiệp, địa phương. Các tổ chức quốc tế như UNDP, ADB cùng các tập đoàn như Shinhan Group, gần đây là Vingroup, Trung Nguyên Legend, Thaco, các ngân hàng, trường đại học, viện nghiên cứu tham gia.

Singapore hay Hàn Quốc là thực tiễn rất gần Việt Nam, giải quyết khá tốt bài toán này. Các nước châu Âu như Phần Lan, Hà Lan, Anh, Thụy Điển đang giải quyết rất tốt. Mối quan hệ quốc tế cũng rất quan trọng trong xu hướng mở.

"Chúng tôi sẽ đẩy mạnh mối quan hệ quốc tế trong thời gian tới, giúp startup Việt Nam giải quyết các bài toán toàn cầu. Lợi ích có thể nhìn thấy ngay được là các mentor từ các tập đoàn, trường đại học lớn trên thế giới tích cực hỗ trợ startup nâng cao kiến thức, năng lực, kĩ năng, do đó cách tiếp cận và giải quyết vấn đề của startup chắc chắn được cải thiện.

Còn những giải pháp đó có thể gọi được vốn, nhân rộng, tăng trưởng hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào những công cụ, điều kiện cụ thể trong nước và các kiều bào ở nước ngoài liên kết với chúng ta. Hay những cơ chế thí điểm thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới ứng dụng trong lĩnh vực truyền thống được thúc đẩy sẽ giúp đổi mới sáng tạo đi nhanh hơn", ông Quất nhấn mạnh.

Sau 10 năm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, năm vừa qua nước ta cũng đã ghi nhận số lượng thương vụ đầu tư lớn nhất từ trước đến nay và chỉ đứng sau Singapore và Philippines về giá trị đầu tư startup trong khu vực. Bên cạnh các kỳ lân công nghệ như VNG, Vnpay và MoMo, hàng chục doanh nghiệp được định giá trên vài trăm triệu USD cũng đang sẵn sàng trở thành kỳ lân trong những năm tới ở nhiều lĩnh vực. Điều này cho thấy dấu ấn đổi mới sáng tạo của quốc gia ngày càng được củng cố, đặc biệt với sự xuất hiện của hơn 3.800 startup trên toàn quốc, đóng góp vào kết quả Việt Nam 5 năm liền nằm trong top 50 trong Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố.

Thanh Hà t/h