Doanh nhân Việt Nam - những chiến binh trên mặt trận kinh tế thời Covid-19

10:30 13/10/2021

Trước những muôn vàn khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, đội ngũ doanh nghiệp - doanh nhân Việt Nam vẫn bền gan vững chí và đầy sáng tạo, tiếp tục trụ vững để phục hồi và phát triển sản xuất, như những chiến binh, phát triển tinh thần tự thân, vượt qua khó khăn, vững tay chèo lái doanh nghiệp (DN) và sẵn sàng hỗ trợ xã hội. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2021, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập xin giới thiệu ý kiến chia sẻ của một số Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp về công việc, trách nhiệm đối với xã hội.

Ông Phạm Hải Tùng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Văn Phòng phía Nam:

Ông Phạm Hải Tùng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực phía Nam.
Ông Phạm Hải Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Văn Phòng phía Nam

Cùng chung với bối cảnh với thế giới, hoạt động kinh doanh và cộng đồng DN phía Nam đã trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. DN phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có, hầu hết các doanh nghiệp bị đình trệ.

Với ảnh hưởng của dịch COVID-19, giãn cách xã hội kéo dài, trong 4 tháng trở lại đây tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, kinh doanh đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng, người lao động mất việc làm, chi phí sản xuất kinh doanh tăng vọt, nhiều đơn hàng bị mất, nhiều ngành nghề hoạt động dưới công suất.

Trong thời gian vừa qua, Văn phòng phía Nam - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã và đang thực hiện tốt các chức năng và nhiệm vụ của mình, đáp ứng được những nhu cầu cho các doanh nghiệp hội viên.

Bên cạnh đó, Văn phòng Hiệp hội cũng thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, luôn sẵn sàng lắng nghe các ý kiến đóng góp của từng hội viên, tuyên truyền khảo sát, gọi điện thoại...nhằm nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp phản ánh, tập hợp thành những kiến nghị đề xuất với các ngành liên quan để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn của các doanh nghiệp.

Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội của cơ quan chức năng, cán bộ lãnh đạo và nhân viên Hiệp hội làm việc online tại nhà để giải quyết và hỗ trợ các doanh nghiệp kịp thời, đặc biệt là các DN thực hiện “3 tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”...Mặc dù Văn phòng phía Nam hoạt động online nhưng luôn đạt trên 50%, công tác đảng, đoàn thể sinh hoạt đầy đủ theo chỉ thị của cấp trên đảm bảo theo yêu cầu phòng chống dịch.

Đặc biệt, các DN trong Hiệp hội đã phát huy tinh thần đoàn kết “tương thân, tương ái” của dân tộc, tích cực cùng chung tay tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19, có nhiều đóng góp trong công tác từ thiện trong: Bệnh Viện Đại học Y dược TP. HCM, Viện Paster TP. HCM...và một số phần quà cho các chốt kiểm soát dịch, bếp ăn từ thiện.

Ông Nguyễn Cao Sơn - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình:

Ông Nguyễn Cao Sơn - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình
Ông Nguyễn Cao Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình.

Những năm qua, đội ngũ DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã có sự tăng nhanh về số lượng và mở rộng quy mô, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển KT-XH. Các doanh nhân, DN đã thể hiện tính năng động, hiệu quả trong hoạt động SX-KD và đang ngày càng khẳng định vai trò tiên phong, xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.

Hiện nay, Hiệp hội DN tỉnh đã có tổ chức hoạt động tại 10 huyện, thành phố với trên 700 DN tham gia, cùng cộng đồng DN thực hiện tốt mục tiêu tiêu kép, nhiều doanh nhân, DN đã tích cực tham gia các chương trình xã hội như: Chương trình xóa đói, giảm nghèo; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội; xây dựng nông thôn mới..., từ đó góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cộng đồng DN đã ủng hộ 3,2 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thời gian tới, Hiệp hội DN tỉnh tiếp tục thu hút thêm các DN nhỏ và vừa tham gia Hiệp hội. Phối hợp với các cơ quan,đơn vị, sở, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh và đất nước.

Ông Nguyễn Ngọc Quý - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Thanh Sơn (Phú Thọ):

Có thể thấy những năm thực hiện những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, năng lực cạnh tranh được nâng lên. Cộng đồng DN trong huyện đã có những đóng góp quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế, góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và thực hiện các chính sách xã hội.

Trước diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp, các DN nhỏ và vừa của huyện Thanh Sơn đã chủ động và linh hoạt triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo “mục tiêu kép” vừa ổn định duy trì sản xuất phát triển kinh tế vừa chống dịch Covid-19 hiệu quả, đoàn kết, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn hoàn, phát huy vai trò xung kích trên mặt trận kinh tế, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của huyện Thanh Sơn nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung. Bên cạnh đó, các DN nhỏ và vừa trên địa bàn huyện đã hăng hái trên lĩnh vực an sinh xã hội, ủng hộ hàng trăm triệu đồng trong phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ nông sản cho các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), thể hiện tình cảm, trách nhiệm của các DN, doanh nhân đối với xã hội và đất nước.

Thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất vừa mới ổn định lại được một thời gian ngắn, phần lớn DN chưa khắc phục hết khó khăn gặp phải trong thời gian trước đó, nay lại tiếp tục bị ảnh hưởng trước sự trở lại của dịch Covid-19 với tác động mạnh, nhanh và nguy hiểm hơn trong khi vẫn phải chịu áp lực về đảm bảo tiền lương, bảo hiểm xã hội; tiền lãi vay ngân hàng và các chi phí đầu vào khác tăng, như: điện, nước, nguyên liệu, thuê kho, nhà xưởng...Việc khôi phục lại sản xuất sẽ là bài toán nan giải; có nguy cơ nhiều DN đóng cửa; tình trạng việc làm sẽ không được khôi phục và an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bối cảnh này, chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cần có cách làm đặc biệt; những quyết sách đặc biệt để giải nguy cho những doanh nghiệp gặp khó khăn.

Bởi, thường thì "trong nguy luôn có cơ” và những quốc gia nào sớm kiểm soát được dịch bệnh, có hệ thống chính sách mới phù hợp với “điều kiện bình thường mới” thì doanh nghiệp tại những quốc gia ấy sẽ chớp được cơ hội chiếm lĩnh các vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đại dịch COVID-19 sẽ có ảnh hưởng lâu dài nên hoàn thiện pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Vì vậy, theo tôi cần có ngay các gói hỗ trợ doanh nghiệp thu hút và đào tạo lại lao động được thiết kế dễ tiếp cận, có quy mô và mức hỗ trợ phù hợp...

Ông Lê Thuận Văn - Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình: 

Ông Lê Thuận Văn - Chủ tịch hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình
Ông Lê Thuận Văn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình.

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 hàng năm là dịp để Đảng và Nhà nước, xã hội tôn vinh những đóng góp của những lực lượng DN với sự phát triển của xã hội, khẳng định vị trí của mình vào công cuộc phát triển chung của tỉnh của đất nước. Đây sẽ là niềm động lực cho đội ngũ DN không ngừng tiến lên, vượt qua những khó khăn, thách thức, đóng góp vào công cuộc chung. Đây cũng là ngày các DN tự soát xét lại mình, nhìn lại một năm đi qua với những điều làm được, những kế hoạch chưa thực hiện được, để phấn đấu khẳng định lại mình, nâng cao trách nhiệm và bản lĩnh, xứng đáng là đội quân chủ lực, đội ngũ xung kích, chiến sỹ trong thời bình, nguyện ra sức thi đua, vượt qua khó khăn thử thách, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. 

Phải thừa nhận rằng, trong hai năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đã có nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nhưng bên cạnh đó có rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân hội viên đã phát huy tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, cố gắng vượt qua đại dịch, đảm bảo việc làm, thu nhập và thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động, tham gia tích cực công tác từ thiện xã hội, ủng hộ xây dựng quỹ phòng chống Covid 19, tiêu biểu như: Công ty CP Xuất Nhập khẩu Quảng Bình, Tập đoàn Sơn Hải, Công ty CP Dược phẩm Quảng Bình, Công ty CP Tổng Công ty Sông Gianh, Tập đoàn Vĩnh Hưng, XN May Hà Quảng, Công ty TNHH TM Hiếu Hằng, trường Trung cấp Nghề Bình Minh, Công ty TNHH XD Việt Tiến,...

Với trách nhiệm của một tổ chức hội nghề nghiệp, trong thời gian qua Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình đã có những cố gắng để chia sẻ và trợ lực cho DN. Hội đã thực hiện tốt việc đại diện, hỗ trợ, tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho DN.

Trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19, trong tình hình khó khăn của các DN, một hoạt động quan trọng của Hội là đã đi sát cơ sở nắm tình hình, theo dõi, tập hợp ý kiến, nguyện vọng, những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để đề xuất, kiến nghị lên Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN của tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, để lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp tìm cách tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho DN tập trung vào các vấn đề như: vay vốn, thuế đất, bảo hiểm xã hội, về đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng, tiêu thụ sản phẩm, nợ đọng trong xây dựng cơ bản; đề nghị đẩy mạnh triển khai thực hiện các gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ của Chính phủ như các gói cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng; thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, và tiền thuê đất trong năm 2021 theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP; chính sách hỗ trợ cho NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do dịch Covid-19 (Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg); Nghị Quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, để doanh nghiệp và người lao được hưởng lợi kịp thời, đầy đủ, chia sẻ, giảm bớt khó khăn, gánh nặng cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Từ đó UBND tỉnh đã có những quyết sách góp phần giảm khó cho DN.

Vừa là động lực, vừa là sản phẩm của công cuộc đổi mới, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp hoạt động, hơn 25.000 hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Với số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nêu trên, tính một cách tương đối, cả nước có khoảng 7-8 triệu doanh nhân. Nét đặc trưng của doanh nhân, DN Việt Nam là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với xã hội, điều này thể hiện đặc biệt rõ khi vừa qua doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã quyên góp tiền và hiện vật trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, triển khai hàng loạt chương trình thiện nguyện trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Nhóm PV