Doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai: “Không nên tự cao quá nhưng cũng đừng tự ti, phải dùng trí tuệ của người yếu để thắng kẻ mạnh.”

14:52 25/07/2021

Ông Phạm Phú Ngọc Trai là một trong những nhà quản trị doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam trong suốt hai thập niên qua, giai đoạn kinh tế đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập với kinh tế thế giới. Năm 2010, ở tuổi 55, ông Trai chuyển sang công việc của một nhà tư vấn chiến lược kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ông và những cộng sự sáng lập ra Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu, Global Integration Business Consultants - GIBC.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai sinh năm 1955, quê ở Quảng Nam. Ông khởi nghiệp với vị trí cán bộ Vụ Xuất- Nhập khẩu Bộ Ngoại thương, sau đó là Phó giám đốc công ty nước giải khát quận 3. Hơn 30 tuổi ông trở thành nhà quản lý trẻ tuổi nhất với vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty nước giải khát Sài Gòn (Tribeco). Sau đó, ông Trai được tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PepsiCo Đông Dương. 

Doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai. Nguồn: Internet
Doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai. Nguồn: Internet.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai là người Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ lãnh đạo cấp khu vực và một số thị trường quan trọng (Mỹ, Ấn Độ, Singapore…) tại tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới.

Trong hơn 20 năm làm việc với PepsiCo, ông Trai đã có 4 lần liên tiếp đưa PepsiCo Việt Nam giành giải thưởng DMK, giải thưởng cao quý nhất của hệ thống PepsiCo toàn cầu mang tên Donald M. Kendall, nguyên Chủ tịch và là người đồng sáng lập tập đoàn này.

Khi hào quang của chiếc ghế CEO PepsiCo đang ở đỉnh cao, đầu năm 2010, ông Trai xin nghỉ khi chưa đến tuổi về hưu để chuyển sang làm nhà tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi theo ông, câu chuyện của những doanh nghiệp trên sàn chứng khoán: 1 năm làm lụng vất vả, không đủ bù cho 1 ngày giá cổ phiếu bị sập do các thông tin bất lợi về tập đoàn. Vì đâu chỉ một thông tin lại có thể hủy hoại kết quả làm ăn cả năm trời? Vì họ không có corporate citizenship – tinh thần công dân doanh nghiệp và xây dựng được danmh tiếng cho doanh nghiệp (corporate reputation). Đặc biệt ở thời đại mạng xã hội và thông tin giả (fake news) lan tràn, thì ai cũng có thể đưa thông tin lên mạng, hình thành những nhóm “mafia online” cùng nhau tạo ra những thông tin xấu vì mục tiêu xấu.

Người ta tin ngay, thương hiệu bị khủng hoảng ngay, và không ai muốn chìa tay ra với những doanh nghiệp sống thiếu trách nhiệm xã hội. Đó cũng là bối cảnh chung của doanh nghiệp Việt Nam trong thời buổi hiện nay. Và đó cũng là lý do vì sao tôi tham gia cùng họ để xây dựng những giá trị chung cho thương hiệu, cho cộng đồng- Ông Trai cho hay.

Cùng với các cộng sự, ông đã thành lập Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (Global Integration Business Consultants – GIBC) để tiếp nối giấc mơ đào tạo đội ngũ kế thừa người Việt. 

Doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai: “Không nên tự cao quá nhưng cũng đừng tự ti, phải dùng trí tuệ của người yếu để thắng kẻ mạnh.”. Nguồn: Internet
Doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai: “Không nên tự cao quá nhưng cũng đừng tự ti, phải dùng trí tuệ của người yếu để thắng kẻ mạnh.”. Nguồn: Internet.

Theo ông Trai: “Không nên tự cao quá nhưng cũng đừng tự ti, phải dùng trí tuệ của người yếu để thắng kẻ mạnh.”

Ông Phạm Phú Ngọc Trai cũng từng chia sẻ: Làm giàu để làm gì? Không phải bao nhiều tiền chúng ta có, mà phải sử dụng đồng tiền của mình như thế nào có ý nghĩa nhất. Cuối cùng, bao giờ cũng có một giải pháp nào đó. Khi chúng ta thất bại, đừng cố gắng làm nhiều việc quá, cũng công việc đó, nhưng hãy làm cách khác đi. Cũng 4.0, nhưng mỗi nước có cách làm khác nhau. Phải biết lựa chọn phục vụ cho mục đích của mình.

Ước mơ càng lớn, khát vọng càng lớn, càng phải trau dồi tri thức để làm chủ mình, không bị cuốn đi bởi những áp lực khác từ xã hội. Khái niệm gần đây chúng ta nói đến rất nhiều là sự bền vững. Khát vọng là mong muốn làm được điều gì đó, điều chúng ta thích mang tính cao cả và lý tưởng. Nhưng trong cuộc sống, trong công việc, có những điều chúng ta muốn đạt tới, nhưng do hạn chế về tri thức, hạn chế sự phát trển của chúng ta. Nếu chỉ nghĩ làm điều mình thích thì chỉ là điều kiện ắt có, phải có điều kiện đủ là có trách nhiệm đến những việc mình cần phải làm.

Ví dụ như ca sĩ Hà Anh Tuấn, tôi không nghĩ anh ấy được hâm mộ nếu anh không trải qua những giai đoạn thử thách. Đây là cơ sở để tạo nên sự bền vững. Nếu chúng ta chỉ nhận mà không biết cho đi, thì chúng ta không thể hạnh phúc. Tôi nghĩ Hà Anh Tuấn, Diệp Kiều Trang là những người biết cho đi.

Hay như công ty Nutifood có doanh số 10.000 tỷ đồng, người giám đốc là bác sĩ y khoa, bình quân tăng trưởng 20%, cũng phải thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, đó là sự bền vững. Hoặc như Novaland giá trị 2 tỷ USD, bên cạnh lĩnh vực bất động sản rất thành công còn có công ty phát triển nông nghiệp bền vững.

Thành công gắn liền với khái niệm về giá trị bền vững, bên cạnh mục tiêu thành công về kinh tế, đó là điều kiện phải có. Chính sự lựa chọn mục tiêu kết hợp với tất cả giá trị của các bạn vì cộng đồng đã tạo nên giá trị thương hiệu. Phải nhìn vào sự tương quan, cuối cùng là hạnh phúc mình đạt đến, kéo theo một đội ngũ cùng trưởng thành.

TH