Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình Nguyễn Hữu Đường: "Chúng tôi chỉ mong muốn được bình đẳng"

00:00 12/10/2020

"Kênh quan trọng nhất của các doanh nghiệp là Nhà nước phải hỗ trợ việc tiêu thụ hàng hóa. Đây không phải Nhà nước hỗ trợ về tiền mà hỗ trợ về cơ chế, chính sách và đặc biệt là khơi dậy tinh thần dân tộc. Chính vì thế, cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân góp ý hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế” do ban kinh tế trung ương phát động là cần lắm rồi, gấp rồi.” đó là chia sẻ của doanh nhân Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình.

Theo ông, tại thời điểm này Ban Kinh tế Trung ương mới đặt vấn đề về việc doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế để hoàn thiện chính sách kinh tế thì có phải hơi muộn?

Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường: Theo tôi nghĩ không có gì là muộn. Bởi vì từ khi Giải phóng miền Nam đến nay đã 44 năm rồi, chưa bao giờ Đảng và Nhà nước quan tâm đến vấn đề sống còn của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng như giai đoạn này.

Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình

Trong xu thế phát triển của kinh tế đất nước, cách đây mười mấy năm chúng ta đã thành lập những tập đoàn kinh tế lớn - là “quả đấm thép” của Nhà nước, thế nhưng các tập đoàn này đều không đạt được kết quả như kỳ vọng. Chính vì thế, cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân góp ý hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương phát động là cần lắm rồi, gấp rồi. Cuộc vận động rất ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp còn gặp nhiều rào cản, gọi là giấy phép con, ảnh hưởng đến hoạt đông sản xuất, kinh doanh, cần phải có môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, hạn chế tối đa các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp. 

Theo ông, để hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế, ngoài việc tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, thực thi pháp luật hiệu quả, công bằng thì cộng đồng doanh nghiệp cần thêm điều gì?

Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường: Kênh quan trọng nhất của các doanh nghiệp là Nhà nước phải hỗ trợ việc tiêu thụ hàng hóa. Đây không phải Nhà nước hỗ trợ về tiền, mà hỗ trợ về cơ chế, chính sách và đặc biệt là khơi dậy về tinh thần dân tộc. Nghĩa là, bản thân các vị lãnh đạo phải đi vào những nơi bán hàng Việt Nam xếp hàng để mua thì người dân mới nhìn thấy, đấy là một việc làm thiết thực nhất. Ví dụ như Tổng thống Obama, năm 2013 đã được bình chọn là người bán hàng xuất sắc nhất nước Mỹ.

Mỗi công trình của Hoà Bình là lời tri ân đến những đồng đội đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc 

Năm 2016, sau chuyến thăm Việt Nam về, Tổng Thống Obama lại được nước Mỹ bình chọn là người bán hàng xuất sắc nhất ngoài nước Mỹ. Bởi vì sang Việt Nam, ông chỉ mất 10 USD mua một chai bia Hà Nội và một suất bún chả nhưng hình ảnh gần gũi, giản dị đó đã gây xôn xao dư luận và để lại ấn tượng đẹp cho người dân Việt Nam. Chính từ niềm yêu quý Tổng thống Obama của người dân sẽ kéo theo sự yêu quý những hàng hóa máy móc, thiết bị của Mỹ. Qua đó, Tổng thống Obama đã bán được hơn 20 tỷ USD tiền hàng hóa cho nước Mỹ, và ngược lại hình ảnh chai bia và suất bún chả của Việt Nam đã được cả thế giới biết, khiến nhiều người muốn được thưởng thức bún chả Obama. Tương tự, ở nước Nga, nhờ Tổng thống Nga Vladimir Putin mà hàng loạt mặt hàng, thương hiệu trở nên vô cùng "ăn khách".

Trung tâm Thương mại V+

Năm 2014, trong một cuộc họp báo của ông Putin, phóng viên từ Kirov là Vladimir Mamatov đã hỏi Tổng thống Nga về nước giải khát “Vyatsky kvas”. Phóng viên nói về những vấn đề mà thương hiệu khu vực phải đối mặt, "mặc dù về hương vị và giá cả, nó có thể đánh bại Coca-Cola". Đáp lại, Tổng thống Nga hứa rằng chính quyền sẽ cố gắng giúp các nhà sản xuất Nga "giành lại thị trường quốc gia Nga".Chỉ vài phút sau bài phát biểu của phóng viên Vladimir Mamatov, “Vyatsky kvas” đã trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội và công ty sản xuất bắt đầu nhận được nhiều yêu cầu hợp tác. Như vậy có thể thấy, những hành vi tiêu dùng của Tổng thống Putin là hành động thiết thực hỗ trợ tiêu dùng sản phẩm nội địa. Ông là người tiêu dùng hàng Nga, uống nước giải khát do doanh nghiệp Nga sản xuất, đi ô tô Nga, đeo hồng hồ Nga… và thế là người dân nước Nga đồng loại hưởng ứng theo ông.

Phối cảnh khách sạn phủ vàng Hà Nội Golden Lake của Hòa Bình Group

Để hiện thực hóa giấc mơ vươn tầm thế giới của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta cần những cú hích để tiếp thêm lửa cho những ý tưởng mang tính sáng tạo đột phá, những xu hướng chuyển đổi tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp. Ai cũng biết, ai cũng hiểu vậy, nhưng thực tế diễn ra tại Công ty Hòa Bình lại đang là vấn đề nan giải, đúng không thưa ông?

Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường: Công ty Hòa Bình thành lập năm 1987, ban đầu có 9 người, trong đó 7 người là thương binh nặng và 2 cựu chiến binh. Có thể nói, Hòa bình là đơn vị đầu tiên tham gia sản xuất kinh doanh sau khi mở cửa.Trải qua 33 năm xây dựng, đến nay doanh nghiệp đã gần phát triển lớn mạnh với 5.000 người.

Ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình ký kết hợp đồng quản lý vận hành khách sạn Hà Nội Golden Lake và Hội An Golden Sea với ông David Wray - Phó chủ tịch Wyndham

 Trong quá trình xây dựng đơn vị, sản xuất kinh doanh, chúng tôi cũng học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới và nhận thấy điều các doanh nghiệp trong nước còn thiếu, cần hỗ trợ, giúp đỡ là chỗ bán hàng, vì các nền kinh tế trên thế giới đã chỉ ra rằng “Ai nắm được hệ thống thương mại thì người ấy sẽ điều tiết sản xuất”.

Cách đây 20 năm, hệ thống thương mại của chúng ta 80-90% là của người Việt, nhưng đến bây giờ thì hầu hết các nước khác đều có hệ thống thương mại ở Việt Nam như Big C, Metro, Lotte... trong khi đó hệ thống thương mại của Việt Nam thì hầu hết bán lại cho đối tác nước ngoài. Một đất nước mà không có được hệ thống thương mại thì dứt khoát là không thể điều tiết được, sản xuất dần dần sẽ bị teo tóp đi, sẽ bị mất dần. Một đất nước không có các doanh nghiệp mạnh thì kinh tế sẽ không thể phát triển được.

Việt Nam có một vị trí địa lí hết sức thuận lợi là chiều dài bờ biển, khí hậu bốn mùa rất tốt, thu hút lượng khách du lịch lớn. Nhưng hàng hóa của chúng ta đắt quá, đắt hơn cả Nhật, hơn cả các nước trên thế giới thì làm sao có thể thu hút khách du lịch được. Các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra các sản phẩm đã cao hơn các sản phẩm cùng loại của nước ngoài tối thiểu 30-40%, vì phải chi phí đầu tư nhà xưởng, lãi suất vay cao. Muốn sản xuất một sản phẩm có chất lượng tốt, giá rẻ thì đầu tiên doanh nghiệp phải có các phương tiện sản xuất hiện đại, rồi đội ngũ công nhân vận hành cũng phải chuyên nghiệp. Cùng đó hàng hóa sản xuất ra phải tiêu thụ được 90 - 100% thì mới có điều kiện để giảm giá thành. Thực tế, các doanh nghiệp của chúng ta sản xuất ra chỉ tiêu thu được 3040% hàng hóa thì tồn tại thôi đã khó rồi.

Chính vì thế năm 2015, tôi đã đề xuất với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phương án doanh nghiệp Hòa Bình sẽ xây dựng Trung tâm thương mại và miễn phí mặt bằng để giúp các doanh nghiệp Việt Nam tồn tại và phát triển.Trong những năm gần đây, Hòa Bình đều đề nghị với Chính phủ, thậm chí năm 2019 đã đề nghị đến Tổng Bí thư và Ban Kinh tế Trung ương xem xét có Nghị quyết cho chúng tôi được thuê đất trả tiền hàng năm tại tất cảc tỉnh, thành phố, để Hòa Bình tiến hành xây dựng chuỗi siêu thị trên toàn quốc, giống như chính sách áp dụng cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam (được giao đất sạch và trả tiền thuê đất hàng năm). Đề án của chúng tôi nếu được cho phép cho triển khai thực hiện sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cho đất nước và Nhà nước cũng không phải mất chi phí. Gần đây chúng tôi đã làm việc với Đà Nẵng để triển khai đề án nhưng khi đấu giá đất thì người ta lại bảo là giá khởi điểm 1.000 tỷ đồng vừa xây trung tâm thương mại vừa xây chung cư, tôi đã trả lời là doanh nghiệp chúng tôi chỉ làm thương mại, không làm chung cư. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư thì được nhiều ưu đãi như hạ tầng, cấp điện, nước, miễn thuế 5 năm, 10 năm... Chúng tôi chỉ mong muốn được bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài...

Trong quan điểm của ông về việc “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” tiếp thu cuộc vận động của Ban Kinh tế Trung ương như thế nào?

Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường: Theo tôi có 3 ý là thực hiện đúng Hiến pháp, chống tham nhũng và bình đẳng. Thực hiện đúng Hiến pháp, tức là dân làm chủ, dân phải được biết các vị lãnh đạo thu nhập bao nhiêu, có bao nhiêu tài sản. Ví như tài sản của ông lãnh đạo tỉnh hay bộ, ngành phải được niêm yết công khai tại UBND phường cho minh bạch. Thực tế, có vị lãnh đạo tài sản rất nhiều gồm siêu thị lớn, nhà, biệt thự, xe sang... đến vài trăm tỷ nhưng thu nhập của ông thì không phải kê khai, không ai biết... Thế nên việc đầu tiên là phải chống tham nhũng, việc thứ hai là phải hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân phải được tiếp cận với tài nguyên, nguồn lực của đất nước một cách công bằng, minh bạch, chứ không phải cơ chế “xin - cho” tài nguyên như bây giờ.

Trân trọng cám ơn ông về cuộc trao đổi!

Lan Hương (thực hiện)