Doanh nhân Kevin Tùng Nguyễn: Làm hết sức, chơi hết minh, đúng và đủ

15:34 21/07/2021

Với kinh nghiệm học tập và sinh sống ở nước ngoài, Kevin Tùng Nguyễn có cơ hội tiếp xúc và gặp gỡ rất nhiều người giỏi và các dự án thú vị, điều này giúp Kevin tự tin khởi nghiệp dù tuổi đời còn khá trẻ. Hiện Kevin Tùng Nguyễn là Founder của JobHopin vào nhóm các Founder khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam.

Vượt qua nỗi sợ cà lăm... 

Kevin Tùng Nguyễn tên thật là Nguyễn Hải Tùng, tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế - Tài chính của Đại học Arizona, Hoa Kỳ và hoàn thành Chương trình Điều hành tại trường Kinh tế Stanford, Kevin có nguồn năng lượng đặc biệt, khiến ai gặp lần đầu cũng cảm thấy phía sau người này có rất nhiều câu chuyện kinh doanh thú vị. 

Kevin Tùng Nguyễn. Nguồn: Internet
Kevin Tùng Nguyễn. Nguồn: Internet.

Năm 15 tuổi, Tùng bị cà lăm. Đang học lớp chuyên Pháp chuyển sang tiếng Anh, chàng học sinh bối rối và bỗng không thể nói trọn vẹn một câu giao tiếp thông thường. Thời điểm đó, bạn bè trong lớp chỉ cần cầm điện thoại nghe im lặng thì biết ngay Tùng chính là người ở đầu dây bên kia. Khi thầy giáo gọi lên kiểm tra, dù biết câu trả lời nhưng vì cà lăm mà Tùng không nói nổi. Những khoảnh khắc ấy trở thành trò cười cho cả lớp. Còn với chàng trai tuổi mới lớn, đó là nỗi ám ảnh, một nỗi sợ đeo bám đến tận lúc Tùng nhận học bổng và sang Mỹ du học.

Sự tự ti khiến Tùng gặp nhiều khó khăn trong hòa nhập với môi trường mới. Tùng suy sụp với ý nghĩ không thể im lặng hoài nhưng khi nói thì chỉ phát ra câu ngắn ngủn. Có lúc chàng du học sinh nản chí và tuyệt vọng. Tùng cố gắng lục lọi sách vở và tra cứu trên mạng để tìm hiểu về căn bệnh này. Một giáo viên tại Đại học Ohio động viên Tùng: “Cách duy nhất để vượt qua nỗi sợ là đối diện với nó”.

Kevin Tùng Nguyễn thử vào làm việc tại văn phòng chuyên gọi điện thoại cho cựu học sinh để xin ủng hộ nguồn quỹ của trường đại học. Mỗi ngày Tùng thực hiện đến cả trăm cuộc gọi. Dần dần, nỗi sợ giao tiếp không còn nữa và anh cũng không biết từ bao giờ đã có thể nói nhiều câu trọn vẹn. Hơn nữa, kỹ năng bán hàng cũng như ngoại ngữ có những thay đổi rõ rệt. Tùng bắt đầu tự tin hơn. Tùng đi làm thêm đủ công việc, từ bưng bê, phục vụ nhà hàng để kiếm tiền, tích lũy kinh nghiệm.

Từ một người tự ti, rụt rè, Tùng bước khỏi vỏ bọc và một lần nữa hòa nhập với thế giới. Năm 2012, anh trở về Việt Nam sau nhiều năm xa quê hương và gia nhập dự án thương mại điện tử triệu USD Lana do IDG Ventures đầu tư. Chàng trai gốc Đà Nẵng cũng tham gia đồng sáng lập một số dự án. Tùng bay đi bay về thường xuyên giữa Mỹ và Việt Nam.

Trở thành nhà sáng lập startup

Cách Kevin khởi nghiệp cũng đúng kiểu một người học kinh doanh ở trường lớp bài bản: xem công nghệ là phương tiện truyền tải dịch vụ/sản phẩm của mình, chứ không phải là tất cả của doanh nghiệp; tận dụng tối đa các nguồn lực và mối quan hệ trong và ngoài nước để có thể mang về nhân sự giỏi cùng nguồn vốn dồi dào. Cũng như thế, khi đi gọi vốn, Kevin cũng mong muốn nhận lại được từ các quỹ nhiều hơn… ngoài tiền.

Trước khi về Việt Nam lập nghiệp năm 2016, Kevin đã có một vài thành công nho nhỏ với các dự án startup trên đất Mỹ. Những tưởng, cùng background đó, thị trường Việt Nam sẽ không làm khó được anh, nhưng sự thật ngược lại.

"Lúc mới về Việt Nam, tôi bắt tay vào khởi nghiệp ở lĩnh vực Y tế - chăm sóc sức khỏe và phục vụ tệp khách hàng khác hoàn toàn JobHopin bây giờ. Chúng tôi ra mắt App tên Ivycare, chuyên giải quyết những quyền lợi về chăm sóc y tế cho công nhân. Tôi nhận thấy, phần lớn các công nhân Việt Nam không được chăm sóc sức khỏe và y tế thỏa đáng. Chúng tôi còn có khu vực chăm sóc mẹ và bé, cụ thể là cho các bà mẹ ‘bỉm sữa’ công nhân bơm sữa cho em bé.

Dù mới ra mắt, song chúng tôi đã có một đối tác rất lớn là Tập đoàn sản xuất với hàng ngàn công nhân. Tuy nhiên, mô hình này quá khó để làm online – vì công nhân lúc đó vẫn chưa quen sử dụng các App và họ vẫn chưa muốn đầu tư tiền, thời gian cho vấn đề sức khỏe; trong khi làm offline – thủ công thì rất khó để scale-up", Kevin nhớ lại. 

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet.

Ở thời điểm đó, dù dịch vụ trông có vẻ độc đáo song có vẻ nó ra mắt quá sớm hay nói cách khác là sai thời điểm. Nếu muốn thành công, Kevin sẽ phải đầu tư rất nhiều tiền để "educate" khai phóng và đợi thị trường lớn lên. Thế nên, sau một thời gian cố gắng vẫn không thuyết phục được giới công nhân sử dụng dịch vụ online, Kevin và nhóm của mình đành phải thay đổi mô hình kinh doanh và đối tượng phục vụ.

"Sau một năm thử và sai với Ivycare, tôi không nản chí mà vẫn tiếp tục tìm kiếm lĩnh vực và mô hình kinh doanh phù hợp với bản thân nhất. Rồi tôi dừng lại ở lĩnh vực nhân sự với tuyển dụng – tìm việc online, đối tượng phục vụ chủ yếu là lao động tri thức.

Rút kinh nghiệm ở dự án Ivycare, tôi nghĩ nếu muốn đi nhanh và xa, trước tiên tôi phải phục vụ đối tượng đã có thói quen sử dụng các dịch vụ online như giới nhân viên văn phòng – ‘tức cổ cồn trắng’ chứ không phải công nhân – ‘cổ cồn xanh’. Đây cũng là phân khúc khách hàng mà tôi am hiểu nhất.

Hơn nữa, mặc dù thị trường này đã có vài đối thủ khá lớn song vẫn ở giai đoạn sơ khai và còn cơ hội để tôi chen chân vào. Lần này, tôi và đội ngũ cũng không cố sáng tạo ra một mô hình kinh doanh mới nữa mà đi theo con đường cá nhân hoá bằng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) của LinkedIn. Với tôi, quan trọng là hiệu quả chứ không phải mới hay cũ!", Founder JobHopin chia sẻ.

Cũng theo Kevin, về cơ bản thì mô hình kinh doanh của JobHopin khá giống LinkedIn – doanh nghiệp được Microsoft mua lại với giá 26,2 tỷ USD năm 2016. Tuy nhiên, trong khi doanh thu của LinkedIn đến từ 2 nguồn là doanh nghiệp và ứng viên, thì JobHopin chỉ thu từ doanh nghiệp, hoàn toàn miễn phí cho ứng viên.

Logo của JobHopin là một chú thỏ trông rất đáng yêu lấy cảm hứng từ trí tuệ nhân tạo tên Bunny AI mà đội ngũ công nghệ của startup này đang xây dựng và phát triển. JobHopin sẽ sử dụng công nghệ AI để dẫn dắt nhu cầu doanh nghiệp gặp gỡ chính xác nhất nhu cầu của ứng viên. 

Kevin Tùng Nguyễn và các đối tác của JobHop. Nguồn: Internet
Kevin Tùng Nguyễn và các đối tác của JobHop. Nguồn: Internet.

Phần ứng viên, khi khởi tạo hồ sơ trên JobHopin, từ những thông tin trong hồ sơ xin việc, Bunny AI sẽ giúp ứng viên có một cái nhìn tổng quát về vị thế của mình trên thị trường nhân lực. Ví dụ như mức lương sàn của vị trí mà ứng viên muốn ứng tuyển, năng lực của ứng viên so với các đối thủ trên thị trường, ứng viên cần cải thiện thêm kiến thức hoặc kỹ năng nào để nâng cao vị thế…

Về phần doanh nghiệp, ngoài dịch vụ tuyển dụng, JobHopin còn cung cấp thêm cho doanh nghiệp hệ thống phần mềm đám mây phân tích dữ liệu nhân sự tự động bằng công nghệ AI với nhiều định dạng file nhất trên thị trường.

"Các trang tuyển dụng online có tiếng trên thị trường hiện tại có một nguồn dữ liệu khổng lồ, song trong gần 10 năm phát triển, họ chưa thể khai thác hiệu quả. Thế nên, JobHopin đã không quá khó khăn khi đề nghị những đối tác và khách hàng cho phép sử dụng dữ liệu thô mà họ đang có.

Sau khi phân tích được khối lượng dữ liệu hồ sơ ứng viên và công việc khổng lồ từ các bên, nền tảng Bunny AI sẽ đưa ra những phân tích kết nối, giá trị thị trường "real-time" nhất", Kevin miêu tả cách JobHopin vận hành.

“Khởi nghiệp là câu chuyện không thể kể hết trong một sớm, một chiều và mỗi một doanh nghiệp sẽ có những vấn đề riêng. Với Kevin, ngày đầu thành lập JobHop cũng lắm khó khăn. Tuy nhiên, từng nhiều lần khởi nghiệp có cả thành công và thất bại đã cho Kevin những bài học không thể nào quên”, vị CEO trẻ tuổi của JobHop chia sẻ.

Anh cho biết, hiện nay JobHop đang trong giai đoạn hình thành bộ máy doanh nghiệp và vẫn còn phía trước rất nhiều khó khăn cần phải chinh phục. “Nhưng thật may mắn là tôi đang sở hữu một team tuyệt vời với những người trẻ nhiệt huyết, “Work Hard, Play Hard” - Làm hết sức, chơi hết minh, đúng và đủ”.

Trong tương lai gần, Jobhopin muốn tấn công vào Mỹ – ‘đại bản doanh’ của LinkedIn. Với rất nhiều năm sinh sống, học tập và làm việc ở Mỹ, Kevin đặc biệt thông hiểu bang California, nơi có rất nhiều người Việt và châu Á sinh sống.

Mục tiêu của JobHopin và Kevin rất rõ ràng khi vào Mỹ: startup này muốn kết nối cung cầu châu Mỹ và châu Á; cụ thể hơn là những tài năng châu Á ở Mỹ muốn quay về cố hương làm việc và những doanh nghiệp Mỹ muốn tuyển dụng các tài năng châu Á. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, khoảng cách địa lý không còn là vấn đề với nhiều doanh nghiệp khi muốn tuyển dụng nhân sự, nhất là ở một vài ngành nghề đặc thù như công nghệ.

“Nếu phải so sánh, thì chúng tôi có 3 lợi thế cạnh tranh nếu so với LinkedIn. Đầu tiên, chúng tôi không thu tiền từ các ứng viên, nên sẽ dễ thu hút lượng ứng viên tham gia tạo hồ sơ hơn. Thứ hai, chúng tôi am hiểu thị trường châu Á hơn LinkedIn và chúng tôi sẽ dùng khu vực này làm ‘bàn đạp’ tiến ra thế giới.

Cuối cùng, hiện Linkedln đang thuộc Microsoft – Linkedln có thể nhận được sự hỗ trợ dồi dào từ ‘ông lớn’ này nhưng đồng thời cũng phải chịu những sự ràng buộc chặt chẽ chậm chạp của một tập đoàn lớn toàn cầu“, Founder JobHopin nhận định.

TH