Doanh nhân Kendrick Nguyễn: Gọi vốn là một hành trình đòi hỏi người chủ Startup phải tích lũy dày dặn kinh nghiệm và sức bền

15:00 20/10/2021

Kendrick Nguyễn - một người Mỹ gốc Việt - và đội ngũ của anh đã xây dựng một nền tảng gọi vốn mà người tham gia có thể đầu tư với vài trăm ngàn đồng, vài triệu đồng...

 

Doanh nhân người Mỹ gốc Việt Kendrick Nguyễn. Nguồn: Internet
Doanh nhân người Mỹ gốc Việt Kendrick Nguyễn. Nguồn: Internet.

Kendrick Nguyễn sinh năm 1982, là người gốc Huế, có nhiều năm sống cùng gia đình ở Đà Lạt trước khi chuyển đến Mỹ định cư. Doanh nhân trẻ có nền tảng giáo dục từ hệ sinh thái khởi nghiệp Silicon Valley. Anh tốt nghiệp đại học và thạc sĩ tại Đại học California Berkeley, tốt nghiệp tiến sĩ ở Đại học Boston. Anh cũng thực hiện chương trình sau tiến sĩ tại Đại học Oxford (Anh) và có hai năm cộng tác, giảng dạy, nghiên cứu luật tại Đại học Stanford.

Năm 2016, Kendrick Nguyễn thành lập Republic.co với mục tiêu kêu gọi đầu tư từ cộng đồng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp và không chuyên trên toàn thế giới tiếp cận và rót vốn vào các startup thuộc nhiều quốc gia. Sau 4 năm, hiện Republic trở thành một trong những công ty fintech lớn tại xứ sở cờ hoa, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư bán lẻ và blockchain.

Công ty đặt trụ sở chính tại New York, chi nhánh ở San Francisco cùng hệ thống chi nhánh ở nhiều nước như Dubai, Pháp, Trung Quốc.

Từ khởi đầu với tiền vốn đầu tư 667.000 USD, đến cuối 2019, nền tảng thu hút hơn 65 triệu USD. Đến tháng 11 năm nay, Republic gọi được 220 triệu USD cho các công ty khởi nghiệp. Sàn đặt mục tiêu năm 2021 tăng trưởng lên 960 triệu USD.

Trong khi đại dịch COVID-19 làm cho kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng tăng trưởng gọi vốn của nền tảng Republic lên đến hơn 300%. Hiện đã có hơn 1 triệu nhà đầu tư từ 110 quốc gia trên thế giới đã tham gia nền tảng. Số lượng công ty được đầu tư tăng gấp đôi so với 3 năm trước, là hơn 300 trong tổng số 30.000 công ty nộp đơn. Có khoảng 25.000 nhà đầu tư Việt Nam tham gia nền tảng này.

Dưới sự điều hành của vị CEO gốc Việt, Republic trở thành nền tảng đầu tiên giúp crowdfunding đạt 5 triệu đô la Mỹ. Vừa qua, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đã thông qua con số giới hạn huy động vốn cộng đồng (crowdfunding) mới, từ 1,07 triệu đô la lên 5 triệu đô la mỗi năm. Ngay sau khi các quy tắc mới có hiệu lực vào 17/3/2021, Gumroad - nền tảng trực tuyến hỗ trợ mua bán sản phẩm sáng tạo đã khởi động chiến dịch của họ trên Republic. Vào cuối ngày, chiến dịch của Gumroad đã trở thành đề nghị huy động vốn từ cộng đồng theo quy định đầu tiên đạt đến giới hạn đó.

Vào khoảng giữa tháng 3/2021, Republic cũng vừa gọi vốn thành công 36 triệu đô vòng Series A. Khoản đầu từ trên đến từ các nhà đầu tư bao gồm Michael Novogratz của Tập đoàn Galaxy Digital, Quỹ đầu tư mạo hiểm Broadhaven và Prosus NV.

Nền tảng Republic cho phép các nhà đầu tư tự do có cơ hội đầu tư vào các startup mới với số tiền ít nhất là 10 đô la. Số tiền huy động được trong vòng này sẽ giúp Republic xây dựng một hệ thống để các nhà đầu tư nhỏ chia sẻ cổ phần và lợi nhuận, trong khi các startup thông thường mất từ 8-10 năm để hồi vốn và trả tiền cho các nhà đầu tư, Giám đốc điều hành Kendrick Nguyễn cho biết.

Không giống như các thị trường vốn lớn hơn phải tạm dừng trong một thời gian vì đại dịch Covid-19, "nhu cầu về vốn bán lẻ đã có ở khắp nơi," Kendrick Nguyen nói. "Hàng tháng, nó tiếp tục tăng trưởng và tôi nghĩ rằng nó làm nổi bật sức mạnh của vốn bán lẻ."

Doanh nhân Kendrick Nguyễn: Gọi vốn là một hành trình đòi hỏi người chủ Startup phải tích lũy dày dặn kinh nghiệm và sức bền. Nguồn: Internet
Doanh nhân Kendrick Nguyễn: Gọi vốn là một hành trình đòi hỏi người chủ Startup phải tích lũy dày dặn kinh nghiệm và sức bền. Nguồn: Internet

Kendrick cho rằng, để xây dựng công nghệ mới, một startup mới không chỉ là câu chuyện của một hay hai quỹ đầu tư, mà là một trăm người, một triệu người tạo nên. "Nền kinh tế chia sẻ nghĩa là một người thành công, hàng trăm nghìn người khác cũng thành công".

Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp, Kendrick Nguyễn cho biết, mỗi con người đều có một lý tưởng, hoài bão của riêng mình. Tuy nhiên, khởi nghiệp lại chỉ dành cho những người chấp nhận hy sinh rất nhiều thời gian của bản thân. Với anh, Republic là 1 quá trình xứng đáng dù cho có đôi lúc phải chấp nhận đánh đổi.

"Khó khăn nhất đối với tôi có lẽ là việc phải bỏ qua thời gian gặp gỡ bạn bè, xây dựng tình cảm gia đình, chấp nhận đánh đổi và hy sinh phần lớn thời gian của bản thân vì cường độ công việc của một Startup là rất lớn. Thậm chí, khi đi ngủ rồi tôi vẫn phải nghĩ về nó. Khi đã quyết định Startup thì nó dường như đã đứng ở vị trí số 1 trong cuộc đời mỗi con người. Và trong bao nhiêu năm đó thì tất cả thứ khác đều số 2 số 3", anh nói.

Vị CEO Republic cũng cho rằng, một khi khởi nghiệp thì không ai có thể nói trước được thành công hay thất bại. Nhưng quan trọng mỗi người tự hỏi bản thân liệu việc mình làm có giá trị gì cho cộng đồng, quỹ thời gian hy sinh nhiều như vậy thì có đáng hay không, nếu tất cả đều xứng đáng thì tự nhiên chúng ta sẽ có động lực để tiếp tục theo đuổi bất chấp trở ngại.

CEO gốc Việt tâm sự, khi Covid-19 bất ngờ ập đến, kinh tế Mỹ gần như đứng im thì đó là lúc anh và các cộng sự phải đặt hết tâm trí, khả năng để phục vụ khách hàng tốt nhất. "Trước tiên mình phải tin vào chính mình, lạc quan với công sức mà cả quá trình mình đã bỏ ra thì mới có thể truyền được lòng tin đó đến với khách hàng. Và điều bất ngờ là khách hàng của Republic không những không bỏ đi mà còn tin tưởng và quay trở lại đầu tư nhiều hơn.

Thêm nữa, khi khó khăn hãy lấy đó làm cơ hội để nhìn lại, hãy cứ thử làm những thứ mà trước đây bạn chưa dám thử. Khi toàn bộ mọi thứ dường như đang đổ sập, vậy thì tại sao không dám làm điều mà ngày xưa chúng ta không dám làm vì có quá nhiều nguy cơ. Khi đó ta sẽ nhận ra có rất nhiều sản phẩm phù hợp với khách hàng ở thời điểm đó", Kendrick Nguyễn chia sẻ.

Nói về bí quyết gọi vốn khủng trong thời dịch, Kendrick Nguyễn cho biết ngoài việc có "da mặt dày" thì còn phải có khả năng chịu đựng tốt sau nhiều lần bị từ chối. "Người ta chỉ thấy kết quả thôi chứ không biết được con đường chúng tôi đi qua như thế nào. Tôi vốn dĩ có nền tảng quen biết rất nhiều quỹ đầu tư nhưng đây cũng chưa hẳn là thuận lợi. Khi tôi gọi vốn, có tới 150 câu trả lời "không", sau 150 lần từ chối đó thì mới có 1 cái gật đầu. Nhưng để gọi được vốn thì tôi khuyên là phải có da mặt dày, sau hàng trăm lời No thì người nào có khả năng đi được dài hơn, thì khả năng thành công sẽ cao hơn.

Với tôi, không có lời từ chối nào được gọi là thất bại. Dù người ta nói "No" mình cũng phải tìm được cái gì hay ho trong đó để học hỏi, sau mỗi lần bị "say No" chúng ta cần biết tại sao họ nói No. Sau đó chúng ta sửa lại và đi kiếm người khác để nói tiếp. Rất nhiều bạn khi nhận được câu từ chối thì trong lòng buồn, tổn thương, ảnh hưởng câu chuyện tiếp theo. Do đó, thay vì thấy đó là 1 thất bại thì ngược lại bạn cứ cười tươi, rồi sẽ tìm thấy người ‘say Yes"", Kendrick lạc quan.

"Làm thế nào để có 1 bài thật ngắn gọn để khi đứng trong thang máy có thể nói trong 30 giây, và để người khác phải thốt lên ‘ồ hay quá và tôi muốn nghe thêm’. Nếu không có được bài đó thì tôi khẳng định rất khó mà thành công được khi gọi vốn", CEO Republic cho lời khuyên.

Về thời gian Startup hợp lý, vị CEO này cho rằng, nếu ai có 1 giấc mơ thực tiễn, sẵn sàng ăn ngủ cùng với nó thì bất luận độ tuổi nào, 17 hay 37 tuổi thì bắt đầu Startup đều không quá muộn. Nhưng đã Startup thì nên xác định vào lúc bản thân không bị vướng bận quá nhiều.Mọi thứ phải thật thoải mái thì chúng ta mới có thể tập trung toàn bộ tâm trí vào Startup. Còn nếu một người chưa có đủ những điều kiện về thời gian như trên thì được khuyên nên làm cho 1 công ty Startup để học thêm về cách quản lý, điều hành và nhiều thứ khác rồi chờ thời gian hợp lý để khởi nghiệp.

Hương Ly (tổng hợp)