Doanh nghiệp Việt vẫn "chạy vòng ngoài" thị trường AEC

00:00 12/10/2020

Gần 3 năm sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thể khai phá thị trường hơn 600 triệu dân này.

Với thị trường khoảng 630 triệu dân, GDP 2016 đạt hơn 2.550 tỷ USD và dự kiến trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030, AEC đang mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong khu vực. 

Doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay

 Trong khi hàng Thái chinh phục được người tiêu dùng khu vực thì hàng Việt vẫn chưa thực sự tận dụng được cơ hội do AEC tạo ra

Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), so với các hiệp định thương mại khác, các cam kết giảm thuế trong AEC cao và nhanh nhất.

Không chỉ cơ hội về một thị trường chung mà AEC còn mang đến cơ hội tiếp cận nhiều thị trường khác thông qua các hiệp định thương mại tự do với những đối tác ngoại khối. Chẳng hạn như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản và vào đầu năm 2019 sẽ là Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc.

Chia sẻ thêm về tiềm năng từ thị trường này, ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, đến nay Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10.000 dòng thuế xuống mức 0 - 5% theo ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế.

Điều này giúp doanh nghiệp có cơ hội xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh như nông, lâm, thủy sản, mở rộng thị trường, cạnh tranh với các nước. 9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,1 tỷ USD và có thể đạt 4 tỷ USD trong năm nay.

Cơ hội là vậy và tăng trưởng xuất khẩu cũng đã diễn ra nhưng so với các nước, tỷ lệ hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường ASEAN vẫn còn thấp. Số liệu thống kê của CIEM cho thấy, kim ngach xuất khẩu hàng Việt Nam vào khu vực chỉ chiếm 9,8% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016. Năm 2017, tỷ lệ xuất khẩu hàng Việt vào ASEAN tăng lên 11% trong khi mức trung bình của các nước trong khối ASEAN là 24%.

Dẫn chứng rõ hơn về vấn đề này, ông Phạm Thành Kiên cho biết, từ năm 2015 - 2017, lượng hàng hóa từ TP.HCM xuất vào ASEAN mỗi năm đều tăng nhưng không tăng đột biến khi AEC được thành lập. Trong khi đó, lượng nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam lại tăng liên tục. Cụ thể, trong năm 2016, Việt Nam nhập khẩu từ ASEAN 7,2 tỷ USD hàng hóa và tăng lên 8,15 tỷ USD trong năm 2017. Đã vậy, khả năng tận dụng thuế quan của doanh nghiệp Việt không cao. Bên cạnh đó, có một thực tế là, rất nhiều mặt hàng của các nước trong khu vực chủ động chiếm lĩnh thị trường Việt Nam tại các trung tâm thương mại, siêu thị và chợ truyền thống. Tại TP Hồ Chí Minh, con số nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN cao hơn 2,6 lần so với xuất khẩu. Điều này cho thấy, nhập siêu từ ASEAN rất đáng lo ngại, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay với bài toán đầu ra của mình.

Một doanh nghiệp thủy sản tại tỉnh Sóc Trăng cho biết, doanh nghiệp ông đang chế biến mặt hàng khô cá dứa cùng một số sản phẩm thuỷ sản khác, nhưng doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm đầu ra khi thâm nhập thị trường ASEAN. Bởi doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu, chưa biết xuất khẩu vào thị trường nào của ASEAN sẽ phù hợp.

Trong khi đó, một doanh nghiệp chuyên sản xuất túi vải thân thiện môi trường cũng chia sẻ, khi tham gia vào thị trường ASEAN rất rộng lớn, điều khiến ông băn khoăn là khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt với các doanh nghiệp Trung Quốc. Ngoài ra, làm sao để nhận diện trên mỗi thị trường trong khu vực đâu là thị trường mục tiêu, khách hàng mục tiêu nhằm tăng hiệu quả kinh doanh, tránh mất thời cơ cũng như giảm thiểu rủi ro của doanh nghiệp.

Cánh cửa ASEAN đã mở toang nhưng có thể thấy, hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa khai phá được thị trường. Nguyên nhân được đưa ra đó là sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa đa dạng, giá thành chưa cạnh tranh, hệ thống phân phối còn kém, doanh nghiệp chưa nắm rõ các rào cản kỹ thuật, pháp lý của các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước top đầu trong ASEAN.

Giải bài toán thị trường

Với việc giảm thuế sâu, trong tương lai gần, hàng hóa của các nước ASEAN sẽ tiếp tục tràn ngập thị trường Việt Nam. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ đối mặt với sự cạnh tranh của hàng hóa các nước khác trên thị trường ASEAN. Bởi, khi hàng hóa các nước thành viên ASEAN có mức thuế ưu đãi như nhau thì sức cạnh tranh sẽ tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Do đó, nếu doanh nghiệp Việt không chú trọng vào chất lượng, mẫu mã bao bì, sản phẩm sẽ không có cơ hội cạnh tranh trên sân nhà.

Theo GS. Philip Zerrillo - Trưởng khoa MBA Đại học Quản trị Singapore (SMU), doanh nghiệp Việt cần phải thay đổi nhiều thứ, trong đó phải có khách hàng và nhà phân phối để có thể “chọn mặt gửi vàng”. Bởi nếu không biết tìm kiếm khách hàng và xây dựng hệ thống phân phối thì dù sản phẩm tốt đến đâu cũng không thể bán được hàng. Có 4 yếu tố các doanh nghiệp cần chú ý là hệ thống phân phối, độ phủ của sản phẩm, sự khác biệt và kiểm soát được khách hàng.

“Khi ra nước ngoài kinh doanh, các doanh nghiệp nên hợp tác với những công ty phân phối đã và đang hoạt động trên nhiều quốc gia cùng một lúc, có kinh nghiệm và vốn mạnh ở những quốc gia đó. Những doanh nghiệp này có những kiến thức giúp doanh nghiệp Việt biết cần phải thay đổi những gì để chiến thắng”, GS. Philip Zerrillo tư vấn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cũng cần tận dụng các kênh phân phối, bán lẻ của các nước đã mở cơ sở kinh doanh tại Việt Nam. Chẳng hạn, muốn vào thị trường Thái Lan, ngoài kênh xuất khẩu trực tiếp, các doanh nghiệp cần khai thác kênh xuất khẩu tại chỗ thông qua hệ thống siêu thị MM Mega Market, Big C. Muốn vào Nhật Bản thì thông qua hệ thống siêu thị Aeon, muốn xuất sang Hàn Quốc không thể quên Lotte Mart. Mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu hàng sang các nước trong AEC thông qua các hệ thống siêu thị này không phải là nhỏ.

Ông Lê Đức Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ An Cường cho rằng: Khi muốn đưa sản phẩm của mình ra thị trường thế giới nói chung và thị trường ASEAN nói riêng, đầu tiên mình phải làm tốt sản phẩm cho thị trường trong nước. Sau đó, khi muốn mở rộng thị trường sang các nước trong khu vực thì theo tôi nên phân phối sản phẩm theo kênh đại lý để giảm thiểu chi phí.

Tuy nhiên, thị trường ASEAN là một thị trường lớn, đầy tiềm năng. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm mở rộng thâm nhập và thông qua cầu nối ở đây để mở rộng thị trường khác có mối quan hệ với các nước ASEAN.