Doanh nghiệp dệt may đôn đáo 'săn' đơn hàng

00:00 12/10/2020

Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết, họ đã rất nỗ lực nhưng chỉ tìm được đơn hàng trong tháng 7, còn tháng 8, tháng 9... đầu ra của doanh nghiệp vẫn rất khó khăn.

Thời điểm trước dịch COVID-19, trong một tháng, Tổng Công ty May 10 sản xuất và xuất khẩu (XK) từ 200.000 - 250.000 chiếc áo sơ mi, thế nhưng con số này đã giảm còn 150.000 - 180.000 chiếc trong thời gian qua vì nhiều đơn hàng xuất khẩu bị hoãn, hủy nhiều trong tháng 5 - 6 vừa qua. Để bù đắp thiệt hại, doanh nghiệp (DN) đã phải chuyển hướng sản xuất thêm khẩu trang xuất khẩu.

"Ăn đong" đơn hàng 

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 cho biết, đối với sản phẩm may mặc truyền thống, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1.340 tỷ đồng, so với cùng kỳ 2019 đạt 1.531 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ 2019, giảm 25% so với kế hoạch ban đầu khi chưa có đại dịch COVID-19.

san-xuat-khau-trang-2917-1595237707.jpg

Thị trường khẩu trang đã bão hòa, doanh nghiệp dệt may chạy vay khắp nơi tìm đơn hàng (Ảnh: TL) 

Đáng lo ngại, ông Việt cho biết, họ mới chỉ tìm đủ lượng hàng cho tháng 7, vẫn đang tiếp tục tìm kiếm đơn hàng cho tháng 8, tháng 9 của năm 2020.

Theo Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình sản xuất, XK ngành dệt may gặp nhiều khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu và đơn hàng XK giảm mạnh do bị hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán làm cho các DN trong ngành gặp nhiều khó khăn.

Lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều chủ yếu tập trung trong khoảng thời gian tháng 5, tháng 6. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ước tính, ngành dệt may có thể mất tới 50% đơn đặt hàng trong tháng 5. Bên cạnh đó, sự phục hồi của nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu giảm có thể khiến giá sản phẩm dệt may trên toàn thế giới giảm 20%.

Trong nước, các DN dệt may đã và đang chuyển đổi quy trình sản xuất, chuyển đổi sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh, cụ thể như: khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống... đồng thời sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và XK.

Tuy vậy, các DN cho biết sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ khó cứu được các DN khi hiện nay thị trường này đã bão hòa. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG, cho biết, DN đã dừng sản xuất khẩu trang vì thị trường thế giới đã bão hòa. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của TNG cũng cho thấy, DN ghi nhận doanh thu 1.995 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ 2019. Nguyên nhân tổng doanh thu giảm 7%, theo ông Thời, do ảnh hưởng của COVID-19 nên khách hàng thoả thuận giãn thời gian giao hàng sang quý III, với số lượng hàng trị giá hơn 32 tỷ đồng.

Lép vế cạnh tranh với đối thủ

Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu, Giám đốc công ty CP đầu tư ALVA quốc tế, các DN dệt may không chỉ gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng mà còn gặp khó trong việc nhập khẩu nguyên phụ liệu. Đặc biệt, DN dệt may Việt Nam cũng phải "căng mình" cạnh tranh với các thị trường mới như Myanmar, Campuchia, Bangladesh, hay các quốc gia châu Phi.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty may Hưng Yên, cho biết, từ nay đến cuối năm, DN dệt may có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa. Vì vậy, cần đặt vấn đề: DN phải làm gì ứng phó với COVID-19 và DN mong muốn Nhà nước làm gì để hỗ trợ DN?

Đi vào vấn đề hỗ trợ của Nhà nước, ông Dương cho biết, DN Việt Nam đang bị lép vế so với DN của nhiều quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ, nguyên nhân do chi phí lương cao hơn, chi phí vốn, đất đai, thuế đắt hơn... Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng thực tế chưa có nhiều DN tiếp cận được.

Hậu COVID-19, DN muốn phát triển hệ thống duy trì sản xuất, Nhà nước và tất cả ngành phải vào cuộc, giảm tất cả các chi phí thì DN mới có thể tồn tại được. "Chúng tôi rất mong Nhà nước và đơn vị hỗ trợ về vốn giúp DN phát triển. Bản thân DN có thể tự cố gắng, bươn trải để giữ lao động, giữ việc làm để tồn tại và phát triển, nhưng rất cần sự hỗ trợ vào cuộc của các ngân hàng”, ông Dương chia sẻ.  

Đồng thời, nhiều DN dệt may cũng đề xuất, Chính phủ mau chóng có những hoạt động thực tiễn để giúp họ xúc tiến thương mại sang các thị trường tiềm năng khác bên cạnh những thị trường truyền thống, từ đó cứu các DN dệt may ra khỏi bờ vực phá sản.

Thy Lê