Doanh nghiệp công nghiệp chơi vơi trong bể ưu đãi

00:00 12/10/2020

Danh sách dài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp ưu tiên không khiến doanh nghiệp và giới nghiên cứu yên tâm nói về cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới.

Ảnh minh họa

Hợp tác công - công chưa ổn

“Chúng ta nói nhiều về hợp tác công - tư, nhưng có lẽ hợp tác… công - công đang cần phải bàn”.

Ông Nguyễn Võ Hưng, Trưởng ban Chính sách đổi mới sáng tạo, Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ (Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã đặt vấn đề khi cầm danh sách dài công cụ chính sách.

Đó là bảng liệt kê của bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) để đánh giá năng lực công nghiệp của doanh nghiệp và vai trò của chính sách công nghiệp mà bà và các cộng sự ở CIEM đang nghiên cứu. Mục tiêu là tìm gợi ý điều chỉnh chính sách công nghiệp hiện hành nhằm tránh bẫy thu nhập trung bình, khai thác cơ hội trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Chính phủ đã nỗ lực đàm phán để có được.

“Nhiều chuyên gia phân tích, hiệu quả của chính sách công nghiệp chưa cao là do công cụ chính sách dàn trải, thiếu phối hợp, thiếu trọng tâm hỗ trợ và liều lượng chưa đủ. Nhưng điều tra của tôi còn cho thấy, đang có sự tách bạch nhau theo kiểu chia sân trong các chính sách này”, ông Hưng giải thích rõ quan điểm.

Công cụ và ảnh hưởng của chính sách công nghiệp đến năng lực  cạnh tranh của doanh nghiệp.

Công cụ và ảnh hưởng của chính sách công nghiệp đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hiện tại, các công cụ được áp dụng chủ yếu là các chính sách ưu đãi thuế và tín dụng; ưu đãi và hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất; hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp; ưu đãi và hỗ trợ đổi mới công nghệ và hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp; ưu đãi và hỗ trợ đào tạo lao động… Đi cùng với đó là nhiều chương trình hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực của mình.

Vấn đề là, ông Hưng nhận định, ngành nào làm việc ngành đó, thiếu phối hợp, khiến nguồn lực hỗ trợ vốn có hạn, lại bị phân tách, nên hiệu quả thấp, không tập trung. Rất ít chương trình có sẵn nguồn tiền và các cam kết cơ chế thực thi rõ ràng, nên mới xảy ra tình trạng hỗ trợ chảy chỗ trũng. Nghĩa là, có nhóm doanh nghiệp chuyên đi xin hỗ trợ vì thạo thủ tục, còn đa số ngại thủ tục, công sức bỏ ra nhiều, nhưng hỗ trợ nhận được chả bao nhiêu.

“Phải chăng, do chúng ta dùng bộ máy nhà nước, kinh phí nhà nước, cán bộ nhà nước để thực hiện, nên bị chi phối bởi tâm lý phân chia miếng bánh trong các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công cụ chính sách? Với cách này, cộng với phối hợp không tốt, các công cụ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành công mới lạ”, ông Hưng đặt thẳng vấn đề.

Doanh nghiệp chơi vơi

Dệt may đang là mối quan tâm lớn của các nhà hoạch định chính sách, khi cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đặt các doanh nghiệp trong ngành vào ngưỡng cửa hoặc là ổn định lẹt đẹt trong thế gia công, đợi cắt giảm thuế quan; hoặc chấp nhận thu hẹp, nhưng tham chiến trong sân chơi có giá trị gia tăng cao hơn.

Ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nên chọn tham chiến. “Không thể níu kéo dệt may kiểu cũ, vì nếu không thay đổi, ngành này sẽ sụp đổ trước áp lực cạnh tranh mới”, ông Cung nói.

Nhưng công cụ chính sách đang phát đi tín hiệu khác, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhìn nhận như vậy.

“Nhập vải để gia công đơn hàng xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu là 0%; nhưng dùng vải sản xuất trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu, thì thuế suất thuế nhập khẩu nguyên liệu để làm ra vải đó là 10%. Tất nhiên, khi đơn hàng xuất đi, doanh nghiệp được hoàn thuế, nhưng phải chờ thủ tục, thời gian. Chính sách này khuyến khích sản xuất để hoàn thiện chuỗi giá trị, tận dụng cơ hội từ các cam kết, hay chỉ gia công đơn hàng? Doanh nghiệp cảm thấy chơi vơi”, ông Cẩm lý giải cách nhận định.

Đây không phải là chuyện của riêng ngành dệt may.

Việt Nam đã định hình chính sách công nghiệp từ năm 1991, đến nay đã nhiều lần thay đổi, nhưng mục tiêu được định hướng vẫn là xuất khẩu mạnh mẽ, có điều chỉnh theo các cam kết quốc tế gắn với chính sách tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu ngành công nghiệp nói riêng, nhằm phát triển bền vững.

Các phân ngành ưu tiên giai đoạn 2011 - 2020 được xác định là cơ khí (máy móc và thiết bị), luyện kim (thép chế tạo); hóa chất (hóa dầu và hóa dược); chế biến nông, lâm, thủy sản; dệt may, da giày (chủ động phát triển nguyên, phụ liệu) và điện tử, viễn thông.

Trong định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 23/3/2018), các ngành ưu tiên đến năm 2030 là công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp điện tử; lĩnh vực cơ khí… Trong giai đoạn 2030 - 2045, chính sách ưu tiên nhắm vào các ngành thế hệ mới của công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; kỹ thuật số, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ sinh học.

Mục tiêu khá rõ, nhưng các công cụ chính sách trên đã không tạo ra những thay đổi trong thực tế như kỳ vọng về sự phát triển của các ngành công nghiệp ưu tiên.

“Khảo sát của chúng tôi cho thấy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có tác động tích cực đến thay đổi giá trị gia tăng, nhưng ít, thậm chí là không tác động đến thay đổi năng suất lao động của doanh nghiệp”, bà Tuệ Anh chia sẻ.

Đặc biệt, không nhiều doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho đầu tư công nghệ, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D); được hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm; đào tạo; xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, tiếp thị, tham gia chuỗi giá trị…

Trong khi đó, với những cơ hội đang được mở ra từ CPTPP và từ tháng 8/2020 là EVFTA, những thay đổi về chất trong hoạt động của doanh nghiệp là chìa khóa chính.

Ưu tiên ngành hay cơ hội kinh doanh?

Nhờ chính sách công nghiệp đúng đắn, Hàn Quốc không chỉ vượt qua bẫy thu nhập trung bình, mà còn duy trì tăng trưởng bền vững trong hơn 4 thập kỷ.

Nghiên cứu của CIEM đã nhận định như vậy. Quốc gia này chỉ mất 3 thập kỷ để gia nhập nhóm nước thu nhập cao vào năm 1996. Điểm quan trọng là trong thời gian này, Hàn Quốc đã tạo ra nhiều tập đoàn tư nhân quy mô lớn và có năng lực công nghiệp mạnh trong các ngành thép, đóng tàu, sản xuất ô tô, điện tử, hóa chất. Cả doanh nghiệp và ngành đều có khả năng cạnh tranh toàn cầu, tạo nền tảng vững chắc, đảm bảo cho ngành phát triển bền vững, không phụ thuộc vào bên ngoài.

Chính sách công nghiệp của Việt Nam cũng đi theo hướng này. Sau 30 năm, đến năm 2019, Việt Nam có khoảng 115.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, trong đó, 90,5% là doanh nghiệp tư nhân. Song, điểm chung của các doanh nghiệp này là quy mô nhỏ và vừa, đóng góp thấp vào giá trị gia tăng của ngành. Năng suất lao động của các doanh nghiệp này cũng thuộc nhóm thấp nhất.

Trong nghiên cứu của CIEM, đề xuất phải rà soát các công cụ chính sách công nghiệp để điều chỉnh cụ thể các ưu đãi, hỗ trợ nhằm đạt mục tiêu điều chỉnh chính sách cũng đã được đưa ra. Tuy nhiên, ông Hưng tham vấn, cách đi hỗ trợ ngành, doanh nghiệp như Hàn Quốc, Đài Loan đã làm và đã thành công không còn phù hợp vào thời điểm này.

“Quan điểm của tôi là phải xác định cơ hội tới đây là gì, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước sẽ cùng khai thác cơ hội đó như thế nào, bằng cách nào. Trả lời câu hỏi này chính là công cụ chính sách, cách thức hỗ trợ…”, ông Hưng nói.

Cụ thể, với dệt may, cơ hội EVFTA mở ra cho sản phẩm dệt may có nguồn gốc Việt Nam, thì bài toán tăng đầu tư, tăng nghiên cứu phát triển để giải quyết nguồn gốc Việt Nam phải được giải bằng chính sách, với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương.

“Nguồn lực cũng phải xác định dành cho mục tiêu ưu tiên rõ ràng. Ví dụ, đất để làm trung tâm dệt may, cơ chế tín dụng hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, chính sách thuế cho các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu… phải được rõ ngay từ đầu để các địa phương, các bộ, ngành dồn lực, bao gồm cả phần ngân sách, để thực hiện, mà không lấn cấn việc của tôi hay việc của anh…”, ông Hưng đề xuất.

Cùng với đó, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong xác định rõ cơ hội nào cho doanh nghiệp, ví dụ cơ hội từ gia công giá rẻ hay cơ hội nâng chuỗi giá trị.

Lúc này, hợp tác công - công (trong nội bộ các cơ quan quản lý nhà nước) và công - tư (giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp) sẽ là điều kiện đủ để các công cụ chính sách đưa nguồn lực hỗ trợ đến đúng doanh nghiệp, đúng ngành nghề…

Khánh An