Doanh nghiệp cần duy trì và tăng tốc cải thiện môi trường kinh doanh để thay đổi

14:45 28/03/2023

Sáng ngày 28/3 tại Hà Nội, Kênh truyền hình Kinh tế Tài chính VITV tổ chức hội nghị đối thoại với chủ đề: “Trợ lực để doanh nghiệp Việt vượt khó?”.

Bà Bùi Thị Phương Chi – Giám đốc Kênh truyền hình kinh tế Tài chính VITV phát biểu và gửi lời cảm ơn khách mời
Bà Bùi Thị Phương Chi – Giám đốc Kênh truyền hình kinh tế Tài chính VITV phát biểu.

Chương trình đánh dấu VITV tròn 14 năm tuổi, thực hịện nhiệm vụ sứ giả thông tin, đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp vào các chính sách của Chính phủ trên các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế như Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản, Thuế, Hải quan…

Chương trình với sự tham gia của hơn 100 khách mời đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia kinh tế, các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, các Đại sứ quán, đặc biệt là sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp,…

Phát biểu tại hội nghị, TS Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng: “Dựa theo số lượng thống kê cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản. Nhưng với sự mở cửa của thị trường Trung Quốc và một vài điểm sáng trong nền kinh tế, tôi hy vọng rằng quý I là điểm đáy của sự tăng trưởng và sự hồi phục và cho những tín hiệu tích cực hơn vào cuối năm nay”.

Tuy vậy, bức tranh kinh tế hai tháng đầu năm vẫn còn nhiều khó khăn như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước…

Đáng chú ý, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn rất nhiều so với 19,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới). Như vậy, số doanh nghiệp rút lui và tạm thời rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm 2023 là 51,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có 25,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tất cả những yếu tố này đều báo hiệu khó khăn của hoạt động sản xuất kinh doanh. Thông thường, sau Tết, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ phục hồi và tăng tốc, nhưng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thấp hơn nhiều con số rút lui khỏi thị trường là vấn đề đáng lưu tâm.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, lãnh đạo Pwc cho biết: Trong khảo sát mới nhất chúng tôi vừa công bố về khu vực châu Á và Việt Nam thì cái nhìn nhận của các CEO trên toàn cầu trong năm 2023 không được sáng sủa lắm. Tại việt Nam có thể tích cực hơn so với mặt bằng chung, nhưng có một điều e ngại về việc các CEO tập trung vào mục tiêu ngắn hạn thay vì dài hạn để đầu tư. Và như vậy nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài trong thời gian tới bởi khi doanh nghiệp bởi vì họ tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn nhưng về dài hạn sẽ không được đảm bảo bởi ảnh hưởng của xu hướng toàn cầu sẽ liên quan trực tiếp đến các quyết định đầu tư của doanh nghiệp.

Các chuyên gia nhận định tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam
Các chuyên gia nhận định tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam.

Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái- Phạm Đình Đoàn chia sẻ: Cuộc khủng hoảng lần này đến với tất cả các doanh nghiệp, ngay cả những doanh nghiệp đang tốt cũng sẽ gặp khó khăn. Các yếu tố ảnh hưởng hưởng đến doanh nghiệp như nhu cầu thị trường giảm, giá cả đầu vào của nguyên vật liệu gia tăng, công đồng doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về việc huy động vốn. Thị trường trong nước và ngoài nước cũng bị ảnh hưởng do số lượng đơn hàng giảm, tâm lý tiêu dùng của người dân tiết kiệm hơn dẫn đến hàng tồn của doanh nghiệp gia tăng… Vì vậy trong năm 2023 doanh nghiệp cần cơ cấu lại chính mình để giảm nguy cơ rủi do phải đóng cửa, các doanh nghiệp cần gặp gỡ, đối thoại để tháo gỡ để đưa ra các giải pháp vừa là ngăn hạn rồi trung hạn để thoát qua được giai đoạn khó khăn trọng năm nay.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dự báo, khó khăn của nền kinh tế có thể tiếp tục kéo dài đến năm sau thậm chí vài năm sau nữa. Do đó, cần duy trì và tăng tốc cải thiện môi trường kinh doanh để tạo ra bước ngoặt thay đổi. Trong khó khăn, doanh nghiệp càng trông đợi vào sự kiên trì đồng hành, nhất là thực hiện hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả từ chính sách của Nhà nước. 

Bà Nguyễn Thị Hoà, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước phát biểu: Thời gian qua chúng ta đã có những thành quả nhất định như tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hay tổ chức khác là 74,6 %, dư nợ tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn đạt bình quân hàng năm 25%, tăng thanh toán không dùng tiền mặt là 78%. Theo đó, chúng tôi thường xuyên tham mưu cho Chính phủ làm sao để có giải pháp cho người dân vùng sâu, vùng xa như mở rộng các kênh tài chính, cung ứng ra thị trường các sản phẩm cho người nông dân, cho doanh nghiệp nhỏ, hay siêu nhỏ.

Tại hội nghị, đại diện Euro Cham cho biết, chúng ta đang đón đại bàng, nhưng mà đại bàng chưa đến còn chim ri vào tổ rất là nhiều, Có nghĩa là, chúng ta không có dự án lớn tới đây và đầu tư nước ngoài sẽ khó hơn rất nhiều. Vì vậy, Nhà nước cần tập trung cải cách thể chế một cách toàn diện, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cơ quan chức năng cần rà soát liên tục, phát hiện vướng mắc của doanh nghiệp thay vì chờ doanh nghiệp phản ánh, đề xuất rồi mới họp, bàn cách tháo gỡ. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần giải quyết tốt nhu cầu vay vốn, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, hợp tác, liên kết trong sản xuất - kinh doanh kết hợp với triển khai chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ mới, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Đó là những giải pháp căn cơ tạo tiền đề cho sản xuất xanh để từ đó tiết kiệm chi phí đầu vào và phát triển bền vững.   

Nguyễn Cường