Doanh nghiệp bán lẻ nhỏ Hoa Kỳ thất thế trước các chuỗi thương hiệu lớn trong mùa lễ cuối năm

14:43 28/11/2021

Những chương trình khuyến mãi được tung ra vào ngày thứ Bảy dành cho các doanh nghiệp nhỏ Hoa Kỳ năm nay dường như không đủ lực để thay đổi vận may vốn đã khác biệt đáng kể so với các đối thủ là thương hiệu lớn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Các nhà phân tích và chuyên gia chuỗi cung ứng cho biết nhiều nhà bán lẻ quy mô nhỏ đã cạn lực trong suốt đại dịch và đang gặp bất lợi trong điều hướng cuộc khủng hoảng song song với lạm phát gia tăng và thiếu nhân công. Khi Covid-19 bắt đầu lan rộng vào năm ngoái, nhiều cửa hàng nhỏ không đáp ứng đủ các tiêu chí “thiết yếu” để được phép mở cửa, do đó buộc phải ngừng kinh doanh trong khi lượng lớn đối thủ tầm cỡ như Walmart, Target, Costo, Home Depot và nhiều thương hiệu khác có thể tiếp tục hoạt động. Trong bối cảnh người chơi nhỏ lẻ gần như không thể cạnh tranh, chi tiêu cho du lịch và giải trí rơi vào bế tắc, các chuỗi lớn được hưởng lợi và trở nên bùng nổ khi người dân Mỹ tích trữ hàng hóa, đồ dùng gia dụng cơ bản và đồ nội thất trong thời gian lưu trú tại nhà.

Theo Cục Dự trữ Liên bang ước tính, đại dịch đã khiến khoảng 200.000 doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa trong năm đầu tiên bùng phát. Khi các cửa hàng nhỏ lẻ bắt đầu mở lại vào nửa cuối năm 2020 và đầu năm 2021, họ phải đối mặt với một loạt thách thức mới: Ngừng sản xuất và thiếu nguyên liệu khiến việc mua và lưu trữ hàng trong kho trở nên khó khăn hơn, chi phí vận chuyển và vận chuyển đồng thời tăng vọt chưa kể đến tuyển dụng và giữ chân nhân lực. Tất cả các nhà bán lẻ đã phải vật lộn với những vấn đề này trong suốt một năm dài, thậm chí các chủ sở hữu kinh doanh quy mô nhỏ cho biết cơ sở làm ăn của họ thường bị xếp dưới cùng trong danh sách ưu tiên khi xảy ra vấn đề về nguồn cung. Chẳng hạn, Home Depot chỉ ra vào tuần trước rằng một số nhà cung cấp do nguồn cung hạn chế nên phải tính đến ưu tiên các đơn vị lớn bởi họ không thể phục vụ toàn bộ ngành và muốn tập trung vào đối tác tốt nhất.

Bên cạnh đó, các cửa hàng làm ăn nhỏ thường thiếu sự linh hoạt về tài chính, quản lí chi phí và giá cả không cạnh tranh được với các đối thủ có nguồn lực dồi dào. Michael Baker, nhà phân tích bán lẻ tại DA Davidson, cho biết trong một lưu ý với khách hàng vào tuần trước: “Những “gã khổng lồ” có khả năng điều hướng chuỗi cung ứng và tìm được nguồn hàng tốt hơn so với người chơi nhỏ lẻ”.

Theo dự đoán thị trường, doanh số bán hàng trong dịp lễ cuối năm rất đáng kỳ vọng nhưng có nhiều khả năng doanh nghiệp nhỏ không thể chiếm được thị phần bởi người tiêu dùng hướng đến các nhãn hàng lớn chất lượng ổn định, nhiều lựa chọn hàng hóa hơn và giá cả cũng phải chăng. National Retail Federation, một tập đoàn thương mại trong ngành dự kiến doanh số bán lẻ trong tháng 11 và tháng 12 sẽ tăng từ 8,5% đến 10,5% trong năm nay so với kỳ nghỉ lễ năm 2020, đạt mức kỷ lục lên tới 859 tỷ USD.

Hàng tồn kho của các chuỗi lớn đã tăng vọt trước kỳ nghỉ lễ một phần nhờ vào các chiến thuật chịu chi như thuê tàu và các phương tiện vận tải hàng không từ nước ngoài đến Hoa Kỳ. Các tên tuổi lớn dựa vào mạng lưới chuỗi cung cấp rộng lớn để giảm thiểu tình trạng thiếu nguyên liệu thô, đảm bảo duy trì hoạt động nhà máy. Ngược lại, doanh nghiệp nhỏ thường chỉ có một số ít nhà cung cấp, vì vậy nếu xảy ra vấn đề ở một đơn vị, toàn bộ nguồn cung sẽ mắc kẹt.

Giám đốc điều hành của “gã khổng lồ” bán lẻ Target, John Mulligan phân tích rằng, hãng đạt được vị trí nhất định đối với các sản phẩm chủ lực trong mùa lễ hội như đồ chơi, quà tặng. Điều này sẽ giúp công ty tiếp tục chiếm thị phần. Theo một cuộc khảo sát gần đây của nhóm vận động hành lang cho các doanh nghiệp nhỏ National Federation of Independent Business, 39% chủ doanh nghiệp đã báo cáo gián đoạn chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh, 29% khác báo cáo tác động vừa phải, chỉ 10% không chịu tác động. Nhà kinh tế trưởng Bill Dunkelberg của NFIB nhận xét: “Các chủ doanh nghiệp nhỏ đang cố gắng tận dụng tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện tại nhưng tình hình vẫn khá bi quan về các điều kiện kinh doanh trong tương lai gần”. Ông chỉ ra, thiếu nhân công và tình trạng khan hiếm hàng tồn kho sẽ tiếp tục là những thách thức hàng đầu đối với các doanh nghiệp nhỏ, đồng nghĩa với, kỳ nghỉ lễ cuối năm đã kéo dài khoảng cách giữa những “gã khổng lồ” nước Mỹ và người chơi “thấp bé nhẹ cân” trên thị trường.

TL